Mặt trái của cuộc chiến ma túy ở Philippines

Những thi thể trên các phố ở Philippines là hậu quả đáng sợ từ cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte, khiến nhiều người nghĩ bắn giết không phải là giải pháp.

Khoảng 1.900 người đã chết. Trong số đó, hơn 700 người thiệt mạng trong các chiến dịch của cảnh sát từ khi Duterte nhậm chức hồi cuối tháng 6, theo thống kê của cảnh sát. Nhiều trường hợp tử vong xảy ra không phải do cảnh sát bắn và người ta cáo buộc những người dân đã giết họ.

Lời lẽ cứng rắn của Duterte đối với những vấn đề ma túy và tội phạm của Philippines giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. 60 ngày sau lễ nhậm chức, uy tín của ông vẫn đang ở mức rất cao.

“Hãy cố gắng gấp đôi, thậm chí gấp ba nếu cần. Chúng ta sẽ không dừng lại cho đến khi tên trùm ma túy cuối cùng, nhà tài trợ cuối cùng, kẻ hậu thuẫn cuối cùng của chúng đầu hàng, vào tù hoặc nằm trong lòng đất”, Tổng thống Duterte phát biểu trong Thông điệp Quốc gia hôm 25/7.

Thi thể một nghi phạm buôn bán ma túy nằm ngoài ngôi nhà ở Manila. Cảnh sát bắn chết người này trong một cuộc truy đuổi. Ảnh: Barcroft.

Cuộc điều tra của thượng viện

Thượng viện Philippines đã lập ủy ban điều tra những vụ bắn người của cảnh sát và lực lượng tự vệ ở các địa phương. Ông Ronald Dela Rosa, người chỉ huy cảnh sát quốc gia, nói với ủy ban điều tra của thượng viện rằng ông không nhận được lệnh bắn tội phạm ma túy, song người dân hài lòng với những việc cảnh sát đang thực hiện, mặc dù đôi khi họ phạm sai lầm. “Chúng tôi cũng chỉ là con người nên có thể nhầm lẫn. Chẳng ai hoàn hảo”, Rosa nói.

Rosa nghi khoảng 300 cảnh sát dính líu tới hoạt động buôn ma túy. Những người đó sẽ phải ra khỏi lực lượng cảnh sát và hầu tòa.

Song, bên cạnh những lời khen ngợi và tỷ lệ ủng hộ tới 91% mà Tổng thống Duterte nhận được nhờ hoạt động trấn áp tội phạm buôn ma túy và những người nghiện, người dân cũng thấy những gia đình đau khổ, các trại giam và trung tâm cai nghiện ma túy quá tải.

"Kẻ buôn ma túy"

Phóng viên CNN dành một tuần ở thủ đô Manila để gặp 6 người sống và làm việc gần những phố mà các vụ bắn người diễn ra. Một trong số họ là Janie (tên giả), em gái của một nam giới 47 tuổi bị cảnh sát bắn. Anh ta kiếm sống bằng nghề lái xe máy 3 bánh, đã ly hôn và có 2 con.

Vài cảnh sát xông vào nhà người đàn ông hôm 14/8. "Sau khi còng tay, họ bắn vào đầu anh ấy. Họ cũng giết 3 nam giới khác trong nhà", Janie kể. Người phụ nữ không dám tiết lộ tên thành phố mà anh trai cô sống, cũng chẳng dám nói tên thật của cô.

“Đám cảnh sát ấy sẽ giết những người nói sự thật. Tôi luôn tự nhủ rằng họ có quyền đoạt mạng người”, Janie nói.

Song một báo cáo của cảnh sát thông báo anh trai của Janie là một nghi phạm buôn ma túy và cảnh sát hạ người này vì ông ta bắn về phía họ. Janie nói anh trai cô chỉ là người sử dụng ma túy, chứ không bán. Thi thể người đàn ông vẫn nằm trong nhà tang lễ khi phóng viên CNN gặp Janie.

Janie nhận định ngôn từ quyết liệt của Tổng thống Duterte khiến cảnh sát cảm thấy họ có thể giết người mà không sợ phải đền tội hay chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Tôi cảm thấy lo ngại và sợ khi tổng thống nói cảnh sát sẽ giết những người dùng ma túy vì như vậy chẳng còn công lý nữa. Chúng ta có thể đưa người sử dụng ma túy vào trung tâm cai nghiện, đúng không? Họ không nên trừng phạt người sử dụng ma túy bằng cách đoạt mạng”, Janie nói.

Phóng viên chuyên chụp những vụ bắn người

Ở khu vực Tondo thuộc Manila, phóng viên CNN thấy một tử thi nam giới nằm sấp ở chân cầu thang. Một khẩu súng rẻ tiền nằm cạnh bàn tay của anh ta.

Xác người đàn ông cạnh khẩu súng ở khu vực Tondo thuộc thành phố Manila. Ảnh: CNN.

Cảnh sát tại hiện trường nói người đàn ông bán ma túy cho một cảnh sát chìm. Trong lúc trao đổi, anh ta cảm thấy nghi ngờ nên rút súng và viên cảnh sát chìm buộc phải bắn anh ta.

Raffy Lerma, một phóng viên ảnh của báo Daily Inquirer, xuất hiện tại hiện trường. Hàng đêm Raffy ra đường để chụp những vụ bạo lực. Anh nổi tiếng với bức ảnh Jennilyn Olayres, một phụ nữ ở Manila vật vã bên xác chồng, một người bị tình nghi dính líu tới hoạt động phân phối ma túy. Đó là bức ảnh giúp thế giới chú ý hơn tới làn sóng giết người ở Philippines. Trước đây Lerma chuyên chụp ảnh thiên tai.

Theo Lerma, số người chết vì bạo lực đường phố tăng vọt từ khi tổng thống phát động cuộc chiến chống ma túy hồi tháng 6.

“Đương nhiên tôi cũng muốn ngăn chặn ma túy, nhưng không ủng hộ cách thức chính phủ đang thực hiện. Tôi không đồng tình với hành động giết người”, nam phóng viên tâm sự.

Điều đáng sợ với Lerma là số người chết tăng sau từng ngày. “Chẳng lẽ cuộc chiến chống ma túy sẽ kéo dài tới 6 năm?”, anh ám chỉ quãng thời gian tương đương nhiệm kỳ của Tổng thống Duterte.

Chuyên gia cai nghiện

Bien Leabres là một trong gần 20 chuyên gia ở Trung tâm cai nghiện DOH-TRC Bicutan. Đây là cơ sở lớn nhất trong số 40 trung tâm cai nghiện thuộc sở hữu nhà nước và tư nhân ở Philippines. DOH-TRC Bicutan chỉ có thể tiếp nhận tối đa 550 người, song hiện tại 1.557 người đang cai nghiện ở trung tâm.

“Chúng tôi thực sự quá tải”, Leabreas thừa nhận.

Ông Bien Leabres tại Trung tâm cai nghiện DOH-TRC Bicutan. Ảnh: CNN.

Nhân viên của trung tâm phải đưa tất cả giường tầng trong các phòng ra ngoài bởi chúng chỉ có thể chứa 2 bệnh nhân. Giờ đây những người cai nghiện chen chúc nhau trên những tấm nệm trên sàn.

Đôi khi 30 bệnh nhân mới đến trung tâm mỗi ngày, trong khi mỗi ngày chỉ 7 người rời khỏi trung tâm để về nhà.

“Phần lớn bệnh nhân tới đây vì sợ hãi. Cuộc chiến chống ma túy khiến họ sợ rằng họ sẽ vào tù hoặc thậm chí mất mạng”, Leabres nói.

Số lượng bệnh nhân quá lớn là thách thức đối với nhân viên y tế trong trung tâm. Trước đây các chuyên gia có thể tư vấn từng người, nhưng giờ đây họ chỉ có thể tư vấn theo nhóm. Leabres mừng vì chính phủ coi chống ma túy là vấn đề nghiêm túc, song ông nghĩ giết người là giải pháp không cần thiết.

“Họ chỉ là nạn nhân, không phải là tội phạm”, ông nhận định.

Quân Vũ (theo CNN)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/mat-trai-cua-cuoc-chien-ma-tuy-o-philippines-post677575.html