Mặt trái của chẩn đoán

Là công cụ chẩn đoán hiệu quả giúp phát hiện các căn bệnh tiềm ẩn, nhưng một số phương pháp kiểm tra sức khỏe có thể dẫn đến kết luận gây hại cho sức khỏe bệnh nhân.

Ảnh: Shutterstock

Một câu chuyện thường nghe trong thời buổi hiện nay: Người nào đó kiểm tra sức khỏe bằng phương pháp quét cộng hưởng từ (MRI) sau khi chấn thương thể thao hoặc cảm thấy chóng mặt, bác sĩ phát hiện một khối u bất thường vừa kịp thời gian có thể can thiệp được. Hoặc kết quả chẩn đoán cho thấy tình trạng phình động mạch, ngay vào lúc tình trạng sắp chuyển biến xấu. Bệnh nhân giữ được mạng, nhờ may mắn và nhờ vào công nghệ y học ngày càng hiện đại.

Một số câu chuyện nghe rất thuyết phục. Chẳng hạn bà Joan Rachlin ở Boston thực hiện quét Pap kiểm tra cổ tử cung cách đây 27 năm. Như hầu hết các kết quả xét nghiệm, mọi thứ đều bình thường, cho đến khi nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện Brigham và phụ nữ sau đó khoảng 7 tháng. “Viên bác sĩ đang làm cuộc nghiên cứu trên tế bào thu thập được từ quét Pap đã kiểm tra mẫu của tôi. Ông ấy phát hiện kết quả chẩn đoán lúc đó sai, và trên thực tế tôi bị thương tổn ung thư”, NBC News dẫn lời bà Rachlin.

Trường hợp này gọi là phát hiện một cách vô tình, do chuyên gia trên đang nghiên cứu một vấn đề khác và đột ngột tìm thấy một ca bệnh bị bỏ sót. “Tôi sống đến ngày nay là do có một nhà nghiên cứu hết sức tỉnh táo đã đọc kết quả xét nghiệm của mình và quyết định phá bỏ luật lệ để tìm cho được bệnh nhân trên thực tế”, bà Rachlin, hiện là Tổng giám đốc Tổ chức Trách nhiệm công cộng trong lĩnh vực y học và nghiên cứu cho biết. Các cuộc chẩn đoán sau đó xác nhận bà Rachlin bị ung thư nhưng may mắn là ở thời kỳ đầu và ca giải phẫu thành công.

Ngày nay, các ngành công nghiệp khổng lồ được xây dựng để phục vụ mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực y học: nâng cao xác suất chẩn đoán được tình trạng bệnh tật thông qua các cuộc kiểm tra, từ đó can thiệp hiệu quả. Và lĩnh vực mới nhất chính là các cuộc giải mã gien để lập nên chi tiết về tương lai sức khỏe của con người dựa trên mẫu nước bọt.

Tuy nhiên, đồng thời một điều bắt đầu rõ ràng hơn theo thời gian rằng không phải mọi phát hiện đều có thể cứu sống con người, mà thậm chí một số phương pháp có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn.

Lấy trường hợp ở Mỹ, một cụ bà được kiểm tra bằng X-quang cho thấy có khối u trong phổi. Bà được làm sinh thiết, một quy trình đòi hỏi phải hết sức khéo léo do bác sĩ chọc cây kim dài xuyên qua lồng ngực, hoặc lèn thiết bị soi vào phổi. Kết quả là phổi bệnh nhân bị trụy và bà thiệt mạng.

Kết quả giải phẫu pháp y sau đó cho thấy hóa ra khối u này là vô hại. Nếu không phải do chụp X-quang, có thể bà này vẫn sống tốt. Ủy ban Tổng thống về nghiên cứu các vấn đề y đức của Mỹ đã công bố trường hợp đáng tiếc trên hồi tháng trước.

Trong một trường hợp khác, bác sĩ Danielle Ofri công tác tại Bệnh viện New York cũng đối mặt với một ca tương tự. Theo đó, một bệnh nhân của bà bị đau bụng triền miên, và được chẩn đoán viêm dạ dày, cao huyết áp, trào ngược dạ dày, tiểu đường và nhiều chứng đau kinh niên khác. Một ngày, bệnh nhân hoảng loạn và được đưa vào phòng cấp cứu. Tất nhiên các bác sĩ tiến hành quét bụng cho bà và kết quả cho thấy dường như có một khối u trên tuyến thượng thận.

“U thượng thận thường là u lành. Chúng ít khi nào được lưu ý đến trừ phi quét CT”, bác sĩ Ofri cho biết. Để đánh giá tổng thể tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ Ofri buộc phải lưu ý đến kích thước khối u, nhưng do quá trình chẩn đoán phức tạp và đắt đỏ, đồng thời đánh giá rằng khối u này vô hại, bác sĩ điều trị chính quyết định không cố tìm hiểu tình trạng của nó nhằm tránh kéo dài quá trình hội chẩn.

Trong lúc ngày càng có nhiều phương pháp kiểm tra sức khỏe, từ MRI đến quét CT, từ kiểm định gien và siêu âm, những vấn đề trên thường xuyên nảy sinh. Chẳng hạn, 10% kết quả quét não và hơn 30% quét CT vùng bụng sẽ có kết quả bất ngờ và có thể cần phải thực hiện thêm một số cuộc kiểm tra khác, theo bác sĩ Stephen Hauser của Đại học California tại San Francisco.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định hoặc hướng dẫn rõ ràng nào trong việc quản lý và thực hiện các cuộc xét nghiệm bổ sung.

Phi Yến

Nguồn Tin Nóng: http://tinnong.vn/pages/20140117/mat-trai-cua-chan-doan.aspx