Mất rừng do chủ rừng không…làm tốt nhiệm vụ

Đó là nguyên nhân đoàn liên ngành chỉ ra sau khi tiến hành thanh, kiểm tra tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội tỉnh Gia Lai.

Đất rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội bị người dân lấn chiếm trái phép để làm nương rẫy. Ảnh: Trọng Hùng

Với diện tích được giao quản lý là 2.700 ha đất rừng, tuy nhiên qua kiểm tra đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội đã để mất trên 2.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, nguyên nhân là do không làm tốt chức trách nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý cũng như không kịp thời phát hiện và có biện pháp thu hồi, ngăn ngừa tình trạng lấn chiếm trái phép của người dân.

Trước đó, Thị xã An Khê có báo cáo về một số người dân tự ý xâm hại, phát cây chiếm dụng trái phép hàng ngàn ha đất lâm nghiệp cùng với hàng trăm ha rừng trên địa bàn trong đó nổi lên tại 2 Ban quản rừng phòng hộ (BQL RPH) là BQL RPH Bắc An Khê và BQL RPH Ya Hội. Theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai, 2 BQL RPH trên được giao quản lý đất lâm nghiệp với tổng diện tích trên địa bàn thị xã An Khê là hơn 2.700 ha.

Theo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành thì Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê để mất hơn 1.260 ha đất rừng trên tổng số 1.466,37 ha được giao quản lý, trong đó hơn 211,53 ha rừng tự nhiên, 219,1 ha rừng trồng, tổng diện tích rừng bị mất chiếm tới 34%.

Đất rừng phòng hộ Bắc An Khê và Ya Hội bị người dân lấn chiếm trái phép để làm nương rẫy.

Ban quản lý rừng phòng hộ Ya Hội để mất hơn 771,41 ha trên 1.293,26 ha đất rừng được giao quản lý, trong đó hơn 67 ha rừng tự nhiên, hơn 113 ha rừng trồng và hơn 590 ha đất không có rừng.

Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc mất rừng và đất rừng, cũng như không kịp thời phát hiện, ngăn chặn người dân lấn chiếm trái phép là do chủ rừng chưa làm tốt nhiệm vụ được giao. Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra trong thời gian dài mà không có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả. Công tác giám sát, đôn đốc việc thực thi sau khi có quyết định xử lý vi phạm phần diện tích rừng bị lấn chiếm chưa thu hồi được, nên những cá nhân phá rừng, sau khi bị xử lý vẫn ngang nhiên sử dụng phần diện tích lấn chiếm trái phép. Các cơ quan chức năng lại chưa có biện pháp ngăn chặn, do vậy tính răn đe trong công tác xử lý không cao. Cũng qua đợt kiểm tra đoàn liên ngành đã xác định được hàng trăm hộ dân chiếm dụng hơn 1.340 ha đất rừng.

Trong khi ngành chức năng của tỉnh Gia Lai ráo riết vào cuộc tiến hành kiểm tra và xác định vụ việc để sớm giải quyết, xử lý trách nhiệm đúng người, đúng việc đảm bảo hiệu quả công tác quản lý của ngành chức năng tại địa phương thì các Ban quản lý rừng nói rằng, do địa bàn rộng, phức tạp, nằm xen kẽ giữa nương rẫy của người dân, có nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẽ của các hộ dân với diện tích đất lâm nghiệp thuộc lâm phần của BQL RPH quản lý. Do đó, tình trạng chặt phá và lấn chiếm đất trồng rừng vẫn tiếp diễn khó kiểm soát, rừng trồng được khai thác đến đâu thì các hộ dân lấn, chiếm đến đó.

Xe máy chở gỗ lẫu hiên ngang giữa QL19B, đoạn qua làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai), trưa ngày 24/8. Ảnh: Trọng Hùng

Trong một diễn biến khác, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ lậu trên địa bàn một số huyện tại tỉnh Gia Lai vẫn diễn ra hết sức phức tạp, mặc dù đã có lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột vào tháng 6 vừa qua .

Cụ thể, trưa ngày 24/8, vào khoảng 12 giờ 30 tại quốc lộ 19B, đoạn qua làng Bi, xã Ia Dom (huyện Đức Cơ, Gia Lai) , chúng tôi chứng kiến nhiều xe máy độ, chế, đã bị làm mờ biển số chở gỗ lậu ngang nhiên chạy rầm rập trên đường, mỗi xe chở 2 khúc gỗ hộp vuông không có dấu búa kiểm lâm (chiều dài gần 3m, rộng khoảng 50cm) di chuyển theo hướng từ làng Bi, xã Ia Dom về thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ. Bám theo 2 trong nhiều xe gỗ nói trên khoảng 3km, chúng tôi thấy gỗ được vắt ngang trên thân xe khá dài choáng cả hai bên đường quốc lộ. Dù gỗ vận chuyển công khai nhưng không thấy kiểm lâm, ngành chức năng đến xử lý. Đến khi thấy chúng tôi ghi hình, người chở gỗ bất ngờ rồ ga tăng tốc rồi phóng mất dạng.

Sau khi xem clip do chúng tôi cung cấp, ông Diệp Bảo Trung, Chánh Văn Phòng Huyện ủy Đức Cơ cho biết, gỗ lớn như vậy thì trên địa bàn “sợ không có nữa”. Có khả năng gỗ được tuồn từ bên Campuchia về qua con đường tiểu ngạch. Trả lời câu hỏi về việc gỗ lậu được vận chuyển công khai nhưng không thấy ngành chức năng để xử lý, ông Trung nói vụ việc “cũng khó” . Lý do vì: “Lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng rải ra đường. Các đối tượng vận chuyển lại canh lực lượng của mình… Khi thấy ngành chức năng đi qua thì nó (lâm tặc-PV) chạy hiên ngang trên đường thôi”. Ông Trung bày tỏ, trước mắt ông sẽ tiếp nhận thông tin, đồng thời sẽ báo cáo cho thường trực huyện ủy và ngành chức năng biết để có hướng kiểm tra, xử lý…

Trọng Hùng

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/mat-rung-do-chu-rung-khonglam-tot-nhiem-vu-d30888.html