Mật ong hoa nhãn Hưng Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận

“Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên” sẽ giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hộ sản xuất đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, kiểm soát hoạt động nuôi, khai thác và phát triển thương mại cho sản phẩm".

Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng tại hội nghị công bố quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa nhãn Hưng Yên” và phát triển tài sản trí tuệ Nhãn lồng Hưng Yê sáng 23/08 tại TP Hưng Yên.

Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị.

Với diện tích trồng nhãn tương đối lớn, đầu ra sản phẩm thuận lợi, Hưng Yên có nhiều tiềm năng để mở rộng các mô hình nuôi ong lấy mật. Nghề nuôi ong tại Hưng Yên có từ lâu đời và mật ong hoa nhãn cũng trở thành đặc sản của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có 3.000 ha nhãn, trên 10.000 đàn ong mật, cho sản lượng 100 tấn mật/năm. Nhằm nâng cao uy tín của sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường, địa phương rất quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong.

Kết quả của hàng loạt nỗ lực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân trồng nhãn đúng cách, hướng dẫn quy chuẩn cho các cơ sở sản xuất mật ong hoa nhãn... là địa phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên". Quyết định được trao cho Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hưng Yên.

Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn trao quyết định cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn Hưng Yên" cho đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Hưng Yên

Mật ong hoa nhãn Hưng Yên đạt tiêu chuẩn chứng nhận nhãn hiệu phải có màu vàng óng, đặc sánh, thơm mùi hoa nhãn, sau khi thu hoạch được bảo quản và cất giữ cẩn thận, để được lâu mà vẫn đảm bảo hương vị ban đầu.

Nhấn mạnh vai trò của nhãn hiệu chứng nhận đối với các đặc sản địa phương, Thứ trưởng Trần Văn Tùng chia sẻ thêm: "Tôi từng tham dự nhiều hội nghị cấp nhãn hiệu chứng nhậncho các sản phẩm, một thời gian sau đó giá cả sản phẩm tăng lên gấp đôi, lượng cung ứng ra thị trường cũng lớn".

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cảnh báo tình trạng lợi dụng nhãn hiệu chứng nhận: "Sau khi mật ong hoa nhãn Hưng Yên được cấp nhãn hiệu chứng nhận, sẽ có những sản phẩm tương tự được gắn nhãn hiệu này, ảnh hưởng uy tín của các sản phẩm chính hiệu. Do vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận, chúng ta phải bảo vệ và phát triển sản phẩm. Đây là nhiệm vụ không chỉ của các ban, ngành, địa phương mà còn là của người dân, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã".

Để hạn chế tình trạng nhái nhãn hiệu, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đề xuất Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản quản lý chặt chẽ nhãn hiệu, tuyên truyền, phổ biến để các hộ sản xuất và kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận này tuân thủ quy trình sản xuất, quy chế kiểm soát chất lượng, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng đã công bố.

Nhãn hiệu chứng nhận "Mật ong hoa nhãn" được sở hữu bởi Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hưng Yên.

Loan Lê

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/tin-tuc/mat-ong-hoa-nhan-hung-yen-duoc-cap-nhan-hieu-chung-nhan/2016082303204457p1c882.htm