Mắt kính thời trang - Mất tiền lại hại mắt

Đối với mắt kính thuốc, Bộ Y tế có quy định tiêu chuẩn hẳn hoi, thế nhưng tình trạng hàng thật, hàng giả trà trộn, giá bán loạn xạ, không hóa đơn chứng từ, không phiếu bảo hành… cứ tồn tại dai dẳng. Ngay cửa hàng mắt kính trong Bệnh viện Mắt TPHCM cũng bán hàng không xuất hóa đơn. Với kiểu kinh doanh “mua thúng, bán cái”, lời nhiều nên ngày càng nhiều cửa hàng bán hàng dỏm, hàng nhái khiến người tiêu dùng mua nhằm kính dỏm, mất tiền lại hại mắt.

Khách hàng choáng ngợp trước hàng trăm loại kính giả mang mác hàng hiệu

Đau đầu với kính thời trang

Thử dạo quanh một số cửa hàng mắt kính lớn như Mắt kính Điện Biên Phủ, Mắt kính Sài Gòn Optic và các tiệm mắt kính ở các trung tâm thương mại lớn như An Đông Plaza, Thương xá Tax, Bệnh viện Mắt TPHCM… thấy giá rất vô chừng, hầu hết đều không hóa đơn chứng từ, dù khách hàng khéo trả giá thế nào thì cũng dễ… sập bẫy. Trước tình hình bát nháo như hiện nay, dù có tiền chưa chắc “thượng đế” có cơ hội sở hữu được cặp kính chính hãng như mong muốn.

Ghé vào cửa hàng mắt kính tại ngã tư Lý Thường Kiệt – Tô Hiến Thành (quận 10), chúng tôi bị choáng bởi lời giới thiệu dài ngoằng về xuất xứ, giá cả các loại mắt kính. Trung bình mắt kính loại thường có giá dao động từ 300.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng. Kính của những thương hiệu tên tuổi như Gucci, Ray-Ban… có giá từ 3 triệu đồng trở lên tùy loại.

Nhiều cửa hàng đua nhau giảm giá để thu hút khách hàng còn chất lượng thì… bỏ ngỏ. Chẳng hạn, tại cửa hàng Mắt kính bình ổn giá trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3, đoạn ngã tư Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng 8), hầu hết các mặt hàng đều được giảm giá 30%-50% và nhân viên khẳng định đây là hàng nhập từ Thái Lan về. Tuy nhiên, trên tờ giấy hướng dẫn sử dụng không có phụ lục, ghi chú tiếng Việt. Dù nhân viên luôn khẳng định đại lý này bán hàng rất bảo đảm, hợp pháp nhưng liệu khách có yên tâm?

Có một điều đặc biệt, hầu hết các loại kính “xịn” có giá vài triệu đồng khá ít mã hàng barcode. Người tiêu dùng chỉ có thể so sánh kiểu dáng, màu sắc, mẫu mã kính bằng mắt thường giữa cửa hàng này với cửa hàng khác nhằm đối chiếu để mua được với giá phải chăng. “Nhưng khó lắm đó chị. Hôm trước tôi mua một chiếc kính Ray-Ban (trên đường Điện Biên Phủ, quận 3) giá 3 triệu đồng nhưng cũng loại này, chị bạn tôi mua tại cửa hàng mắt kính Á Châu (quận 8) có giá 1 triệu đồng. Hai nơi đều đưa certificate card (thẻ chứng nhận) giống nhau” - chị Nguyễn Liên, nhân viên một siêu thị, bức xúc nói.

Thực tế, trên thị trường hiện nay, khả năng khách hàng mua phải kính nhái, kính dỏm là khá cao. Qua tìm hiểu, nhiều cửa hàng dùng chiêu trộn hàng (thật – giả; nhập một nơi và ghi một nẻo) để đánh lừa người mua. Thị trường mắt kính Việt Nam không lạ gì kính Lịch Động (Thái Bình) – nơi chuyên gia công, cung cấp mắt kính nhái, giả cho cả nước. Sản phẩm tinh vi tới mức chỉ dân trong nghề mới phát hiện ra. Giá loại kính này dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng/cái (mua sỉ) nhưng đến tay người tiêu dùng lên đến khoảng vài triệu đồng/cái.

Tránh hàng giả bằng cách nào?

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Người tiêu dùng TPHCM, cho biết: “Thống kê của tổ chức Interpol cho thấy, hàng năm lượng hàng nhái, hàng giả trên thế giới tăng trên 20%. Tại những nước phát triển, họ xem việc làm hàng nhái, hàng giả là ăn cướp, là tội phạm. Ở Việt Nam, với mức xử phạt như hiện nay còn quá nhẹ. Đề nghị Nhà nước nên mạnh tay hơn, tăng mức xử phạt đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, tiêu thụ hàng giả…

Thực tế cho thấy, tem chống giả thường xuyên bị… làm giả. Như vậy, người tiêu dùng sẽ khó phân biệt được các sản phẩm thật, chính hãng. Nhiều cơ sở kinh doanh cho rằng tem chống giả do một số công ty sản xuất có mức giá khá cao, như vậy Nhà nước cũng nên có chính sách cụ thể. Chẳng hạn trích ngân sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm tem chống giả công nghệ cao, tránh tình trạng tem bị làm nhái, giả. Có như vậy công việc chống hàng giả, hàng nhái mới hiệu quả”.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Hải Yến, Trưởng khoa Khúc xạ BV Mắt TPHCM, cho biết: “Kính kém chất lượng sẽ gây ra những hậu quả như nhức mắt, nhìn không rõ, buồn nôn… Nguy hại hơn, tình trạng này không được khắc phục sớm sẽ làm giảm thị lực, ảnh hưởng nhiều đến công việc, cuộc sống… Các loại kính thời trang hợp chuẩn phải đảm bảo lọc được hầu như toàn bộ tia cực tím (tia UV). Tuy nhiên, thực tế các loại kính không nguồn gốc, xuất xứ sẽ khó kiểm soát được khả năng lọc tia UV như trên”.

Nhiều người muốn khẳng định đẳng cấp nên thích mua hàng đắt tiền mà không hiểu nhiều về chất lượng và chức năng của kính. Theo các chuyên gia, một cặp kính UV400 (giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng) là đủ bảo vệ an toàn tối ưu cho mắt. Đối với mắt kính có giá vài ngàn USD, khả năng bảo vệ “cửa sổ tâm hồn” cho khách hàng vẫn không có nhiều khác biệt. Tiêu chí giúp người tiêu dùng chọn mua mắt kính đúng hãng, an toàn, được khuyến cáo như sau: Trên mỗi mắt kính chính hãng đều được dán tem barcode; mã số kính trên barcode khớp với mã số gọng kính; sản phẩm phải có tem chống giả của Bộ Công an; tên công ty; giá bán lẻ quy định trên toàn quốc…

NGÂN HẠNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xahoi/2010/9/238460/