Mất khoảng 70 tỷ đồng chi phí nếu di chuyển cây trên đường vành đai 3

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, lãnh đạo và sở, ban, ngành TP chưa bao giờ đặt vấn đề cải tạo, trồng lại cây xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Theo lãnh đạo TP. Hà Nội bất kỳ đô thị nào khi phát triển hạ tầng cũng có thời điểm phải thay thế các loại cây xanh. Ảnh: Văn Thắng

Chiều 5/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP, phát biểu, làm rõ thêm vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, vừa qua dư luận bàn luận xung quanh vấn đề Hà Nội có cải tạo lại cây xung quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, lãnh đạo và sở, ban, ngành TP chưa bao giờ đặt vấn đề cải tạo, trồng lại cây xung quanh hồ, TP chỉ có tiếp tục thực hiện dự án từ trước khi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội đó là cải tạo và nạo vét lại hồ.

Về vấn đề di chuyển cây xanh phục vụ các dự án giao thông, Chủ tịch TP. Hà Nội cũng chia sẻ, việc chặt hạ, đánh chuyển cây xanh là khó tránh trong quá trình xây dựng phát triển bất kỳ một quốc gia và TP nào. Trong những năm vừa qua TP đã có nhiều dự án đánh chuyển cây xanh và tương lai sẽ còn nhiều dự án phát triển giao thông khác.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện TP luôn có sự đóng góp ý kiến, xem xét tỉ mỉ của các nhà khoa học, các Bộ ban ngành liên quan. Trên tinh thần nhất quán đó, từng dự án đến từng cây xanh đều được đánh giá nghiên cứu chi tiết. Những cây nào còn độ phát triển thì đánh chuyển còn những cây không thể phát triển thì mới phải chặt hạ.

"Quá trình chặt hạ cũng phải được triển khai rõ ràng, minh bạch, đấu giá bán gỗ công khai để thu hồi vào ngân sách Nhà nước. Đối với các cây đánh chuyển phải được trồng lại vào các vị trí thích hợp", Chủ tịch TP. Hà Nội nêu.

Về vấn đề di chuyển cây xà cừ khu vực Vành đai 3 phục vụ dự án giao thông, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết khu vực này hiện có 1.289 cây xà cừ với đường kính 25-40cm/cây và cây nhiều nhất là 85-90cm. Đây là loại cây được trồng lâu năm, xuất hiện trên nhiều tuyến phố đẹp của Hà Nội.

Tuy nhiên lãnh đạo Hà Nội cũng khẳng định loạt xà cừ trên đường Vành đai 3 được trồng chủ yếu trong giai đoạn 1992-1996 với độ tuổi từ trên 20 năm. Theo đánh giá của các nhà khoa học, có một số cây thẳng và có cả cong queo. Nếu như toàn bộ số cây xà cừ trên đường Vành đai 3 được đánh chuyển sẽ chiếm diện tích lên tới 7 hecta (50-60m2/cây) với chi phí giải phóng mặt bằng lên tới cả trăm tỷ đồng, và chi phí đánh chuyển ước tính 60- 70 tỷ đồng.

Cũng theo Chủ tịch TP, khi đem ra đánh giá giữa việc bảo tồn cây xanh và hiệu quả kinh tế, TP cũng tham khảo các ý kiến các nhà khoa học, xem xét và kết luận số xà cừ này rất khó để trồng ở bất cứ vỉa hè tuyến phố nào với diện tích hố 3m cho mỗi cây, trong khi giá trị kinh tế của xà cừ cũng không cao.

Chưa kể, chi phí dùng để điều chuyển nếu dùng để mua cây mới, giá trị kinh tế cao hơn và tạo diện mạo đẹp hơn, chúng ta có thể trồng mới tới 20.000 cây. Theo đánh giá khoa học thì hiện có nhiều loại cây vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, chống tiếng ồn, ô nhiễm… phù hợp với phát triển đô thị hơn, có thể áp dụng trên tuyến đường này.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/mat-khoang-70-ty-dong-chi-phi-neu-di-chuyen-cay-tren-duong-vanh-dai-3.aspx