Mất cân đối nghiêm trọng cơ cấu đội ngũ giáo viên tại Nghệ An: Đâu là lời giải?

Hiện nay, cơ cấu đội ngũ giáo viên (GV) ở Nghệ An đang mất cân đối nghiêm trọng: trong khi bậc THCS và Tiểu học thừa hàng ngàn GV, thì bậc Mầm non lại thiếu đến hàng ngàn người. Đây là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý; trong khi một số giải pháp vừa triển khai lập tức vấp phải những ý kiến trái chiều.

Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi

Giám đốc Sở GD - ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi

“Thượng điền tích thủy, hạ điền khan”

Theo tin từ Thanh tra tỉnh Nghệ An, các địa phương trong tỉnh hiện đang dư thừa hơn 1.500 GV. Trong đó có cả GV biên chế và GV hợp đồng. Số liệu từ Sở Nội vụ Nghệ An cho biết tỉnh đang dôi dư gần 1.000 GV trong biên chế. Số GV này tập trung tại hai bậc học là THCS và Tiểu học.

Các GV Mầm non trường Hoàng Thị Loan (TP Vinh) trong Lễ khai giảng

Bên canh đó, có tình trạng thừa GV môn này nhưng lại thiếu môn khác. Nhiều địa phương dôi dư GV các môn Văn hóa nhưng lại thiếu GV Ngoại ngữ, Tin học. Trường hợp Hưng Nguyên hiện đang dôi dư 175 GV Tiểu học và THCS, chủ yếu các môn văn hóa; nhưng lại thiếu 42 GV Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh.

Trong khi đó, theo kế hoạch năm học của Sở GDĐT Nghệ An, đến cuối năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh đang thiếu khoảng 1.600 GV Mầm non.

Hàng trăm GV hợp đồng đã nhiều năm, nhưng công việc bấp bênh, mức lương rất thấp. Một số GV không được đóng các loại bảo hiểm; hết sức thiệt thòi. Chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nhất định.

Nguyên nhân, do số lượng học sinh giảm đột ngột với số lượng lớn; mặt khác một số huyện ký hợp đồng thiếu kế hoạch, dẫn đến GV dôi dư, mất cân đối. Việc cắt hợp đồng với GV, bên cạnh yếu tố pháp lý, còn vướng mắc về phương diện tình cảm.

“Đau đầu” bài toán cân đối đội ngũ GV

Tình trạng mất cân đối, “thừa – thiếu” đội ngũ GV là một vấn đề nghiêm trọng, cần phải giải quyết nhằm tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng giáo dục. Vừa qua, ngành giáo dục đã có một số giải pháp như giải quyết cho những GV sức khỏe, trình độ chuyên môn không đảm bảo nghỉ hưu trước tuổi, hoặc nghỉ chế độ. Thứ hai là đào tạo GV để kiêm nhiệm các công việc như văn thư, phụ trách thí nghiệm, hoặc dạy chéo môn. Nhưng những giải pháp này chỉ giải quyết được một số lượng nhỏ; việc dạy chéo môn chất lượng chuyên môn sẽ khó đảm bảo.

Một số địa phương điều động, biệt phái GV từ cấp này xuống cấp khác: như từ THCS xuống Tiểu học hoặc Mầm non. Cách làm này cũng chỉ phát huy hiệu quả ở mức độ vừa phải vì nhiều vướng mắc.

Giải pháp có thể giải quyết được số lượng lớn GV dôi dư, tạo ra sự cân bằng trong cơ cấu đội ngũ là đào tạo các GV hợp đồng, dôi dư bậc THCS và Tiểu học; bố trí công tác ở bậc Mầm non.

Phương án này vừa qua vấp phải một số ý kiến không đồng thuận, với lý do đội ngũ GV này không được đào tạo bài bản về giáo dục Mầm non, một số GV chưa có tâm thế sẵn sàng công tác ở bậc học này, dẫn đến chất lượng giáo dục Mầm non bị ảnh hưởng. Tâm lý những GV điều chuyển từ THCS và Tiểu học về Mầm non cũng có những trăn trở nhất định.

Cơ hội cho GV hợp đồng

Tuy nhiên, nếu không áp dụng biện pháp này, thì bài toán mất cân đối trong cơ cấu đội ngũ nhà giáo hiện nay ở Nghệ An có nguy cơ rơi vào bế tắc.

“Vẫn biết là việc điều chuyển như thế này còn có những băn khoăn, vướng mắc; nhưng nếu không giải quyết bài toán giáo viên dôi dư, thì tiền đâu mà trả lương cho đội ngũ này?”, một lãnh đạo Sở Nội vụ Nghệ An nói.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục ở Nghệ An trao đổi: “Về bản chất, nếu không còn vị trí việc làm, thì cơ quan sử dụng viên chức buộc phải thanh lý, chấm dứt hợp đồng. Ngân sách không thể gánh nổi chi phí trả lương cho hàng ngàn người dôi dư hàng năm.

Thực chất, các GV trong diện dôi dư phải đứng trước sự lựa chọn: hoặc xuống công tác tại bậc Mầm non, hoặc chấm dứt hợp đồng. Bởi vì, duy trì GV hợp đồng trong khi không có vị trí việc làm là trái Luật. Không ai cho phép để thừa người ở vị trí này mà vẫn tuyển thêm người ở vị trí khác”.

Trao đổi với Lao Động, một cán bộ Công đoàn ngành giáo dục cho rằng: “GV cấp THCS và Tiểu học đã được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, đã có kinh nghiệm công tác; nay được đào tạo thêm về nghiệp vụ sư phạm Mầm non thì sẽ đảm đương tốt nhiệm vụ. Đặc thù của GV Mầm non là mỗi GV là một người mẹ; các GV có tình yêu thương trẻ em thì đều có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tại huyện Đô Lương, đã vận động 29 GV hợp đồng tự nguyện đăng ký học nghiệp vụ Mầm non. Những GV này được hỗ trợ chi phí đào tạo và được bố trí công tác ổn định trong bậc Mầm non.

Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, đây là cơ hội rất tốt cho những GV hợp đồng có một công việc, tương lai ổn định trong ngành giáo dục.

Chi cho giáo dục hết 65% tổng thu ngân sách

Theo Cục Thống kê Nghệ An, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước đạt 10.310 tỷ đồng; chi ngân sách ước 22.637 tỷ đồng. Trong đó, chi sự nghiệp kinh tế 1.762,9 tỷ đồng; chi sự nghiệp giáo dục đào tạo 6.764,7 tỷ đồng (chiếm 65% tổng thu ngân sách); chi sự nghiệp y tế 2.220,6 tỷ đồng; chi đảm bảo xã hội 981,7 tỷ đồng, và chi quản lý hành chính 3.140,7 tỷ đồng…

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/mat-can-doi-nghiem-trong-co-cau-doi-ngu-giao-vien-tai-nghe-an-dau-la-loi-giai-617217.bld