Masan phủ nhận việc đưa tiền cho Vinastas công bố 'nước mắm nhiễm thạch tín'

Trong khi dư luận đang hoang mang về thông tin “nước mắm nhiễm thạch tín” thì thật tình cờ và nhanh chóng, 2 thương hiệu nước mắm của Masan đã kịp tung quảng cáo về đạt chuẩn an toàn.

Ngày 17/10 vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố một kết quả khảo sát cho thấy: Có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định của quy chuẩn Việt Nam về hàm lượng asen (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước mắm.

Thông tin này sau đó đã vấp phải phản ứng dữ dội từ phía các nhà khoa học, các chuyên gia cũng như các nhà sản xuất nước mắm truyền thống. Đa phần đều khẳng định nước mắm làm từ cá nên có chứa asen hữu cơ là hoàn toàn bình thường và ít độc. Trong khi đó, asen độc là asen vô cơ. Điều này cho thấy công bố của Vinastas thực chất là chiêu “đánh lận con đen”.

Trên thực tế, dù Vinastas chưa công bố danh tính 150 nhãn hiệu nước mắm nằm trong khảo sát, thì danh sách này được cho là đã bị rò rỉ tại một vài diễn đàn và mạng xã hội trên internet. Trong đó, nhiều loại “nước mắm truyền thống” thường được quảng bá có độ đạm cao thì nằm trong nhóm chứa asen vượt ngưỡng quy định. Ngược lại, một số nhãn hiệu được xem là “nước mắm công nghiệp” thì nằm trong nhóm an toàn.

Asen có trong cá nguyên liệu làm nươc mắm là hữu cơ và không độc hại. Ảnh: Đình Hòa

Cùng lúc người tiêu dùng đang hoang mang về mức độ an toàn nước mắm thì nhanh chóng, 2 thương hiệu nước mắm của Masan đã kịp tung quảng cáo về việc đạt chuẩn an toàn thạch tín.

Trên một số tờ báo giấy số ra ngày 20/10, quảng cáo của 2 thương hiệu nước mắm Chin-Su hương cá hồi và nước mắm Nam Ngư khẳng định: “Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn”.

Đồng thời, quảng cáo cũng cho biết, từ năm 2011, theo Quy định, tất cả các sản phẩm nước mắm Chin-Su, Nam ngư đã công bố và đạt chuẩn an toàn thạch tín.

Không chỉ dư luận hoài nghi mà giới chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi: Mục đích của việc Vinastas khảo sát, công bố thông tin “nước mắm nhiễm asen” một cách mập mờ, không khách quan là gì?. Phải chăng Masan trả tiền cho cuộc khảo sát nhằm đưa sản phẩm nước mắm của mình cạnh tranh với các sản phẩm nước mắm truyền thống?.

Nhằm cung cấp đến bạn đọc thông tin đa chiều, sáng 22/10, PV Báo Gia đình & Xã hội đã liên hệ đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan. Trả lời chúng tôi qua điện thoại, bà Nguyễn Trịnh Trang, phụ trách truyền thông - Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan cho rằng đơn vị này đang bị dư luận hiểu nhầm.

“Không có việc Masan bỏ tiền cho Vinastas khảo sát hàm lượng thạch tín trong nước mắm”, bà Trang cho hay.

Về câu hỏi Masan đang quảng cáo và chuẩn bị tung ra thị trường thêm những sản phẩm nước mắm “đạt chuẩn an toàn thạch tín”, bà Trang cho biết: “Thời điểm này, Masan không đưa ra thị trường sản phẩm nào mới cả”.

Quảng cáo nước mắm đạt chuẩn an toàn thạch tín của Masan.

Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng việc Vinastas công bố thông tin “nước mắm nhiễm asen” và Masan rầm rộ quảng cáo “nước mắm an toàn” là có vấn đề.

Theo PGS.TS Thịnh, có một sự trùng hợp giữa quảng cáo mới này với các công bố nước mắm có chứa hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng.

“Ở Việt Nam từng xảy ra nhiều vụ như vậy. Nghĩa là bên cạnh với việc phê phán chất lượng của sản phẩm này thì quảng cáo cho sản phẩm kia để dành thị phần. Tôi cho rằng để khẳng định chính xác thì việc này các cơ quan chức năng cần vào cuộc thẩm định và đưa ra kết luận chính xác”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Với thông điệp “đạt chuẩn an toàn thạch tín”, vị chuyên gia khẳng định đây lại là một tuyên bố không rõ ràng. “Asen hiện nay có 2 dạng là asen hữu cơ và asen vô cơ. Ai làm nước mắm từ cá cũng đều có asen hữu cơ và không hề độc hại với sức khỏe con người. Vấn đề chúng ta quan tâm ở đây là asen vô cơ, đồng nghĩa với thạch tín. Phải nói rõ là asen nào thay vì cứ mập mờ như vậy”, PGS.TS Thịnh chỉ rõ.

Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, đại diện nhiều doanh nghiệp nước mắm bức xúc cho biết đây là lần đầu tiên nước mắm truyền thống của Việt Nam đứng trước một sự việc tai hại như thế này. Theo các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống, thông tin không rõ ràng, thiếu chính xác và thiếu căn cứ của Vinastas đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cũng cho hay, hiệp hội này đang cân nhắc việc kiến nghị các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và có thể là Bộ Công an làm rõ thông tin nước mắm chứa asen vượt ngưỡng.

Công bố nước mắm chứa thạch tín: “Làm hại doanh nghiệp mắm truyền thống"

GiadinhNet - Luật sư Hoàng Nguyên Hồng, cựu chuyên viên cao cấp của Ủy ban Kiểm tra TƯ cho rằng việc Vinastas công bố kết quả khảo sát “nước mắm nhiễm asen” không khách quan đã gây hại cho những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

Cao Tuân

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/masan-phu-nhan-viec-dua-tien-cho-vinastas-cong-bo-nuoc-mam-nhiem-thach-tin-2016102210334653.htm