Masan công khai ý định thâu tóm toàn bộ công ty sở hữu mỏ vonfram lớn nhất thế giới

Tập đoàn Masan vừa công bố ý định chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu của Công ty cổ phần Tài Nguyên Masan (MSR) - công ty sở hữu mỏ vonfram lớn nhất thế giới, để nâng tỷ lệ sở hữu từ 72,7% lên 100%.

Dự án Núi Pháo do Tập đoàn Masan đang tiến hành hoạt động khai thác (Ảnh Internet)

Công ty cổ phần Tài nguyên Masan (MSR) được thành lập ngày 27.4.2010 với mục tiêu thực hiện hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên của Tập đoàn Masan.

Ngày 29.7.2015, công ty này được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận hồ sơ đăng ký công ty đại chúng.

MSR có một công ty con là Công ty TNHH Masan Tài Nguyên - Thái Nguyên (MRTN). Còn MRTN lại nắm giữ 85% cổ phần tại Công ty TNHNN Khai thác chế biến Khoáng sản Núi Pháo - công ty vừa bị tố gây ô nhiễm trong thời gian gần đây.

MSR cũng đóng vai trò là công ty đầu mối trong hoạt động quản lý và khai thác khoáng sản tại dự án Núi Pháo - mỏ đa kim có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới

Theo kế hoạch, Masan sẽ chào mua toàn bộ cổ phiếu MSR với giá 15.500 đồng/cổ phiếu để gia tăng tỷ lệ sở hữu đang ở mức 72,7% lên 100%. Masan dự kiến đợt chào mua sẽ kết thúc trước quý 4.2016.

Kế hoạch chào mua công khai dự kiến sẽ áp dụng cho toàn bộ cổ đông phổ thông của MSR trên cơ sở tự nguyện, cho phép các cổ đông hiện hữu có thể hiện thực hóa khoản đầu tư của mình theo giá trị sổ sách của MSR hoặc tiếp tục tham gia vào giai đoạn phát triển chiến lược tiếp theo của MSR.

Được biết, ngoài Masan, còn có một công ty khác đang sở hữu 20,04% cổ phần của MSR là Công ty MRC Ltd. - một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Moubt Kellett. Còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ sở hữu tỷ lệ không đáng kể.

Theo tiết lộ của Masan, Công ty MRC Ltd cũng có ý định bán lại cổ phần tại MSR trong đợt chào mua công khai này như là một phần kế hoạch tổng thể của quỹ trong việc tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Masan dự định cấp vốn cho kế hoạch chào mua công khai của công ty con thông qua sự kết hợp giữa một khoản nợ 2 năm trị giá 35 triệu USD và phát hành 12 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 95.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, Masan sẽ thu về 1.140 tỉ đồng.

Trước đó, vào năm 2010, Masan đã mua lại Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và sở hữu dự án mỏ Núi Pháo trước nguy cơ chủ dự án cũ là Quỹ đầu tư Dragon Capital bị thu hồi giấy phép.

Đến tháng 3.2011, nhà đầu tư Mount Kellett đã bỏ ra 100 triệu USD để sở hữu 20% vốn điều lệ MSR kèm thỏa thuận quyền chuyển đổi cổ phần.

Mới đây, người dân huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã phản ánh Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo gây ô nhiễm môi trường

Ngày 14.7, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về các vấn đề môi trường liên quan đến hoạt động của công ty này.

Tại buổi làm việc, Bộ TN&MT đã thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện về tài nguyên môi trường của Công ty Núi Pháo.

Bộ TN&MT cũng yêu cầu Công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của công ty gây ra. Đồng thời lập kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải theo quy định.

Duyên Duyên

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/masan-cong-khai-y-dinh-thau-tom-toan-bo-cong-ty-so-huu-mo-vonfram-lon-nhat-the-gioi-46398.html