Mạnh quyền, yếu thế

Việc bầu chọn Tổng Thư ký (TTK) mới cho Liên Hợp quốc (LHQ) năm nay diễn ra chóng vánh chứ không phức tạp và kéo dài như lo ngại ban đầu.

Tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters).

Tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters).

Các thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, đặc biệt 5 thành viên thường trực với quyền phủ quyết của Hội đồng này là Mỹ, Nga,Trung Quốc, Anh và Pháp đã bất ngờ cùng nhau đề cử ông Antonio Guterres, nguyên Thủ tướng Bồ Đào Nha và cựu Cao ủy LHQ về tỵ nạn, làm ứng cử viên để Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ phê chuẩn thay thế ông Ban Ki-moon, người Hàn Quốc.

Không phủ nhận khả năng và kinh nghiệm của ông Guterres, nhưng đồng thời cũng lại không thể không thấy rằng mọi chuyện không dễ dàng và thuận lợi gì đối với tân TTK LHQ.

Theo Hiến chương LHQ, vị TTK LHQ có quyền hạn rất lớn. Cái khó nhất đối với người này là không bị thành viên nào trong số 5 thành viên thường trực của HĐBA LHQ phủ quyết trong quá trình tuyển lựa vừa qua. Việc phê chuẩn đề nghị nhân sự của HĐBA LHQ ở ĐHĐ LHQ chỉ là chuyện hình thức.

Sau khi đã được ĐHĐ LHQ bầu rồi và chính thức nhậm chức thì vị thế quyền lực của người đắc cử sẽ hoàn toàn khác, ít nhất thì cũng như thế trên danh nghĩa và theo Hiến chương LHQ.

Nhưng trên thực tế thì ông Guterres mạnh về quyền mà yếu về thế. Phía trước là rất nhiều thách thức lớn đối với ông Guterres và đa phần đều là những thách thức mà người tiền nhiệm đã không chèo lái LHQ vượt qua nổi: cuộc chiến tranh ở Syria và vấn đề tỵ nạn, chống khủng bố và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, bảo vệ khí hậu trái đất và thực hiện những Mục tiêu Thiên niên kỷ, cải tổ LHQ và các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Ông Guterres có được quyền nhưng bản thân LHQ lại yếu thế trong việc giải quyết tất cả những việc ấy bởi trong thực chất LHQ mạnh hay yếu, đồng nghĩa với việc ông Guterres rồi đây thành công hay thất bại phụ thuộc vào các thành viên thường trực HĐBA LHQ, trước hết giữa Mỹ và Nga, hợp tác với nhau hay chống đối nhau.

Hiện tại, Mỹ và Nga chống đối nhau nhiều hơn hợp tác và Nga không phủ quyết ông Guterres không phải vì ủng hộ ông Guterres mà vì để đổi lấy những nhượng bộ khác từ các thành viên kia.

Nguyên Lê

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/manh-quyen-yeu-the-d26384.html