Mảnh đất trống nào cũng xây cao ốc, Hà Nội sẽ ra sao?

Các đại gia say sưa thâu tóm các mảnh đất vàng rồi ồ ạt xây nhà, bất chấp các quy định của Chính phủ, không theo bất kỳ quy hoạch nào, không đếm xỉa đến các định hướng ưu tiên phát triển các Đề án công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe cũng như tuân thủ các đòi hỏi khác về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Đó là câu hỏi đầy cảm thán của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị giao lưu trực tuyến với các địa phương ngày 29.12. Đây có lẽ là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này, người đứng đầu Chính phủ đề cập trực diện đến một trong những vấn đề nhức nhối nhất của Thủ đô Hà Nội (HN): Xây tràn lan, dày đặc các cao ốc ngay giữa nội đô.

Người HN đi xa vài năm quay lại chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng, khi thấy thành phố quê hương ngổn ngang như một đại công trường: những cần cẩu thép vươn ngang dọc, những giàn giáo sáng đèn suốt ngày đêm, và khắp nơi những tòa cao ốc mọc lên.

Hà Nội gần như không còn chỗ trống vì các cao ốc "mọc lên như nấm". I.T - Zing

Cao ốc có thể coi là đỉnh cao của kỹ thuật xây dựng, một thời được coi là biểu tượng của đô thị hiện đại. Nhưng xây cao ốc như HN thì ai cũng thấy là quá nhiều vấn đề.

Buổi sáng tôi đi làm dọc theo đường Lê Văn Lương, nằm ở phía Tây Nam HN. Con đường mới mở chừng dăm bảy năm trước, mới ngày nào còn thông thoáng, nay thường xuyên kẹt cứng. Vào những giờ cao điểm, đi 12km vào trung tâm có thể mất tới 1 giờ 30 phút. Người đổ ra chủ yếu từ các chung cư nằm dọc hai bên đường: từ Dương Nội đến HACC, từ Việt kiều châu Âu, từ Diamon City đến Vinaconex… Hà Nội đầu tư tuyến xe buýt nhanh BRT trị giá hơn 1.000 tỉ đồng cũng chạy dọc tuyến này, nhưng cho đến giờ này có vẻ chẳng có kết quả gì. Người ta bảo mới có khoảng 30% số chung cư quy hoạch hai bên đường được xây dựng, mà ùn tắc đã khủng khiếp như thế này.

Từ đường Lê Văn Lương rẽ một tí vào khu Nhân Chính: Phố Vũ Trọng Phụng dài hơn 1km, 2 xe ô tô tránh nhau còn khó, mà cũng phải chứa hơn 20 tòa chung cư sừng sững. Các phố Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng bên cạnh cũng vậy. Khổ thân ba nhà văn tội nghiệp của chúng ta suốt ngày oằn mình gánh bao nhiêu người xe, tiếng ồn, khói bụi, bê tông, gạch kính... Nắng thì như đổ lửa, mưa lại biến thành sông.

Đi tiếp đến cuối trục Lê Văn Lương - Láng Hạ, gặp triển lãm Giảng Võ. Mảnh đất vàng trên ranh giới hai quận Ba Đình - Đống Đa, nơi tập trung rất đông các cơ quan hành chính và mật độ dân cư vào loại đông nhất hành tinh (hơn 30.000 người/km vuông). Các con đường chung quanh Triển lãm hiện nay như Giang Văn Minh, Kim Mã, Ngọc Khánh, Cát Linh... vốn đã là “điểm nóng” về kẹt xe, tắc đường. Vậy mà nay lại đang có một dự án xây những tòa cao ốc tới 45- 50 tầng tại khu vực này. Không hiểu khi chất thêm hàng chục ngàn người nữa chen chúc trên khu vực này thì sẽ ra sao?

Cách đó không xa là tòa nhà Lotte 65 tầng cao thứ hai Việt Nam (sau tòa nhà Keangnam ở Trung Hòa - Nhân Chính cao 72 tầng) nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh - con đường một thời được coi là đẹp nhất cả nước, nay trở thành nỗi “ác mộng” vì ùn tắc cho tất cả những ai phải đi qua đó mỗi ngày. Vậy mà trớ trêu thay, rất gần tòa nhà Lotte, chỉ cách một con đường, lại đang có một dự án cao ốc nữa.

Theo thống kê, HN hiện có 600.000 ô tô và 6 triệu xe máy, cảnh ùn tắc diễn ra hàng ngày. I.T

Vào năm 2010, người ta thống kê HN có 233 dự án chung cư các loại. Các cấp chính quyền lúc đó hô hào phải đẩy mạnh triển khai việc di dời các nhà máy, trường đại học, công sở... ra khỏi nội đô như một giải pháp để giảm kẹt xe, cứu vãn chất lượng sống cho HN. Vậy mà không hiểu bằng cách nào, thay thế cho các nhà máy lại là các chung cư, thay thế cho bến xe lại là chung cư, thay thế cho công trình công cộng lại là chung cư.

Có ai đó thống kê hộ xem có bao nhiêu nhà máy cũ ở Hà Nội nay đã, đang và sẽ biến thành các dự án khu đô thị với sản phẩm chủ yếu trong đó là chung cư: Cơ khí Trần Hưng Đạo, ô tô Ngô Gia Tự, công cụ số 1, cả khu liên hợp Cao-Xà-Lá...Các đại gia say sưa thâu tóm các mảnh đất vàng rồi ồ ạt xây nhà, bất chấp các quy định của Chính phủ, không theo bất kỳ quy hoạch nào, không đếm xỉa đến các định hướng ưu tiên phát triển các đề án công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe cũng như tuân thủ các đòi hỏi khác về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Người dân sống trong các tòa nhà mới xây đó sẽ đi đi chợ ở đâu? Chữa bệnh ở đâu? Con cái họ có trường học không? Nước sinh hoạt và nước thải, điện, cả đổ rác nữa...? Họ đi đến nơi làm việc bằng đường nào? Những con đường cũng như toàn bộ hạ tầng đô thị có chứa được ngần nấy con người?

Theo số liệu mới nhất, HN hiện có 600.000 ô tô và 6 triệu xe máy. Quy định cho các đô thị văn minh là 3% diện tích phải dành cho bãi đỗ xe, trong khi đó HN mới chỉ đạt 0,3% (bằng 1/10). Quy định diện tích đất dành cho giao thông ở các đô thị văn minh phải đạt 15-25%, trong khi đó nội đô HN mới chỉ đạt hơn 4%... Cách đây 10 ngày, Bí thư Thành ủy HN Hoàng Trung Hải đã phải gọi tình trạng (quy hoạch tổ chức đô thị HN) hiện nay là “thảm họa đang đến trước mặt”.

Tháng 5.2016, HN cho ban hành cái gọi là Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong nội đô. Tưởng như việc xây dựng chung cư sẽ được quản lý tốt hơn. Đáng tiếc thay, nó lại như một văn bản hợp thức hóa cho cái công cuộc xây chung cư hỗn loạn (chữ của chuyên gia Phạm Sỹ Liêm) và tràn lan này.

Thực sự tôi không chống lại các dự án bất động sản của các “đại gia”. Họ đã xây nên nhiều công trình đẹp, họ tạo ra rất nhiều chỗ ở vốn đang rất thiếu cho các gia đình công dân đô thị, họ tạo ra nhiều công ăn việc làm và đóng nhiều thuế... Nhưng mọi sự phải có giới hạn, chứ cứ tình trạng “mảnh đất trống nào cũng xây cao ốc thế này”, thì Hà Nội sẽ ra sao?

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/manh-dat-trong-nao-cung-xay-cao-oc-ha-noi-se-ra-sao-734971.html