Mạng xã hội và ông Donald Trump

Những ngày này, những trang mạng xã hội lớn nhất thế giới như Facebook và Twitter đang đối mặt với hàng loạt cáo buộc rằng đã trở thành công cụ đắc lực để các ứng viên Tổng thống Mỹ vận động tranh cử trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức diễn ra ngày 8/11 vừa qua. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những tin tức giả mạo được lan truyền trên Facebook cũng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của các cử tri Mỹ.

“Thật điên rồ khi nghĩ Facebook làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử”

Trước những nhận định và chỉ trích về việc những nội dung chia sẻ trên Facebook đã làm ảnh hưởng đến sự lựa chọn cuối cùng của các cử tri Mỹ, từ đó kéo theo sự thay đổi trong kết quả bỏ phiếu tại quốc gia này, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã lên tiếng phủ nhận. Phát biểu tại Hội nghị về truyền thông Techonomy đang diễn ra tại thành phố Half Moon Bay (bang California, Mỹ), CEO Mark Zuckerberg của Facebook cho rằng những nhận định cho rằng mạng xã hội Facebook làm ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ là vô căn cứ. “Cá nhân tôi nghĩ rằng ý tưởng về việc các tin tức giả mạo trên Facebook, với một số lượng rất nhỏ các nội dung, làm ảnh hưởng phần nào đó đến kết quả của cuộc bỏ phiếu, là một ý tưởng điên rồ”.

CEO của Facebook cũng cho rằng một trong những lý do mà tin tức giả mạo trên mạng xã hội này không làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc bỏ phiếu là bởi lẽ các tin tức này làm ảnh hưởng đến cả Donald Trump lẫn Hillary Clinton, thay vì chỉ nhắm vào một đối tượng nhất định. “Tại sao bạn nghĩ rằng các tin tức giả mạo chỉ nhắm vào một bên mà không phải là cả hai?”, Zuckerberg nhận xét. CEO của Facebook cũng cho biết mình thực sự rất lo ngại về việc Facebook có thể làm ảnh hưởng đến dân chủ và các vấn đề chính trị quan trọng, đồng thời cho biết Facebook sẽ làm tốt hơn trong tương lai để cải thiện cách thức phân phối tin tức đến người dùng. “Tôi thực sự quan tâm đến điều này. Tôi muốn những điều chúng tôi làm sẽ có tác động tốt đến thế giới và tôi muốn mọi người có một sự đa dạng về thông tin”, Zuckerberg chia sẻ.

“Mạng xã hội là yếu tố then chốt”

Là một mạng xã hội với tiêu chí kết nối mọi người, rõ ràng Mark Zuckerberg không hề mong muốn Facebook dính líu quá nhiều đến chính trị. Tuy nhiên cha đẻ của Facebook không thể đảm bảo rằng vấn đề chính trị lại không phải là một chủ đề được bàn luận hết sức sôi nổi lên Facebook và rằng rõ ràng dù muốn hay không, thực tế vẫn chỉ ra rằng Facebook đã có ảnh hưởng không nhỏ vào kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa diễn ra. Bản thân Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump, trong đoạn video hé lộ nội dung cuộc phỏng vấn tỷ phú Donald Trump trên chương trình “60 phút” của CBS phát sóng ngày 13/11, đã thừa nhận “mạng xã hội là yếu tố then chốt” giúp ông giành chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nhà tài phiệt New York chia sẻ khi ai đó đưa ra những câu chuyện không hay hoặc thiếu chính xác, ông luôn có cách để chống lại: tận dụng sức mạnh của mạng xã hội. Trump cho biết Twitter, Facebook và Instagram của ông có tổng cộng 28 triệu người theo dõi. Đây là lợi thế giúp ông chiến thắng tại những vòng bỏ phiếu sơ bộ và kể cả cuộc tổng tuyển cử, bất chấp việc các đối thủ “chi nhiều tiền” hơn ông. “Tôi đã thắng. Tôi nghĩ mạng xã hội có quyền lực mạnh hơn so với số tiền mà họ bỏ ra”, ông Trump nói. Vị tỉ phú New York khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ đắc lực trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới.

Báo in thất thế, mạng xã hội chiếm thế thượng phong

Đó nhận định mà bất cứ nhà quan sát nào cũng có thể đưa ra khi nhìn lại toàn bộ tiến trình truyền thông cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump không phải là gương mặt ưa thích của báo chí Mỹ. Trong số 100 tờ báo in hàng đầu của Mỹ, chỉ có 2 tờ đứng về phía ông. Có những tờ báo đã tuyên bố phá lệ lịch sử hàng chục, thậm chí cả trăm năm của mình để lên tiếng phản đối ứng viên đảng Cộng hòa. Còn nếu so sánh với đối thủ Hillary Clinton, người được hơn 200 tờ báo ưu ái, thì ông Trump chỉ nhận được sự ủng hộ của hơn 20 tờ, trong đó có những tờ chỉ ủng hộ mang tính nửa vời. Tuy nhiên, chiến thắng đầy bất ngờ của tỷ phú New York vào ngày 8/11 đã giáng một đòn mạnh mẽ vào những nỗ lực bêu xấu ông Trump của báo chí Mỹ trong suốt mùa bầu cử, khiến cho hàng nghìn tay bút cảm thấy khó xử khi từng tốn biết bao giấy mực để cảnh báo dư luận về một hiện tượng bất thường mang tên Donald Trump.

Trong khi đó, mạng xã hội đã là công cụ không thể thiếu để các ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump tận dụng tối đa cho chiến dịch tranh cử của mình. Donald Trump sử dụng Facebook và Twitter cho chiến dịch tranh cử của mình nhiều hơn so với bà Hillary Clinton. Donald Trump cũng sử dụng Facebook thường xuyên hơn so với bà Clinton. Ông Donald Trump cũng gia nhập mạng xã hội Twitter sớm hơn 4 năm so với bà Clinton, số lượng thông tin đăng tải nhiều hơn gấp 3 lần bà Clinton và ông Trump cũng có 13 triệu người theo dõi trên Twitter so với 10 triệu người theo dõi của bà Clinton.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/mang-xa-hoi-va-ong-donald-trump/