Mang văn lên bán chợ trời

Chợ không phải là xấu. Chợ là sự phát triển từng bước văn minh của nhân loại. Chợ làng truyền thống của chúng ta đẹp đấy chứ. Bằng chứng là hình ảnh chợ Tết đã vào rất nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật. Có điều, xây dựng một cái chợ văn minh cũng khó như xây dựng một ngôi làng. Nó cần rất nhiều trí tuệ, tâm đức và trình độ tổ chức. Nhưng để xã hội cũng như văn chương nghệ thuật tiến lên thì không có con đường nào khác.

Chợ không phải là xấu

Sau khi tôi đăng bài "Làng văn giữa chợ văn" (Văn nghệ Công an số 178, ra ngày 18/6/2012), có bạn đọc điện thoại trao đổi rằng: "Anh nên đổi thành "Chợ văn giữa làng văn" vì xưa nay chợ nhỏ hơn làng". Thành thật cảm ơn bạn đã đọc bài và trao đổi. Đúng là trước đây chợ nhỏ hơn làng, thậm chí là chợ rất nhỏ so với làng. Nhưng bây giờ hình như không phải thế. Bây giờ là thời kinh tế thị trường, tất cả là thị trường mà. Cả làng là thị trường, cả nước là thị trường. Thậm chí cả thế giới là thị trường. Thị trường là nơi buôn bán, hay nói nôm theo dân gian đó là chợ. Thế thì cái làng tất nhỏ hơn cái chợ rồi. Cái làng văn cũng nhỏ hơn cái chợ văn bạn ạ.

Đầu thế kỷ trước, thi sĩ Tản Đà đã từng than rằng: "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" và khát vọng "mang văn lên bán chợ giời". Có lẽ đấy là khát vọng của giới cầm bút chân chính của mọi thời là: Văn chương nghệ thuật cần được định giá đúng, vị trí của người cầm bút cũng cần được khẳng định. Trên thực tế, nửa sau của thế kỷ XX, văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ đã được cách mạng đẩy lên vị trí rất cao. Vị tổng chỉ huy của cuộc cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Văn học nghệ thuật là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Nhà thơ Chế Lan Viên cũng rất tự hào: "Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy". Cái thời ấy, thơ văn nghệ thuật đồng nghĩa với sự cao quý, các nhà thơ nhà văn, các nhạc sĩ, họa sĩ, ca sĩ được đề cao. Họ thực sự là những hình ảnh đẹp trong trái tim của quần chúng nhân dân.

Tranh thủ bán sách tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong Ngày thơ Việt Nam .

Vâng, "cái gì cũng có một thời". Thời nay là thời kinh tế thị trường. Đúng theo triết học duy vật biện chứng, thượng tầng kiến trúc của xã hội phải là hình bóng của hạ tầng kinh tế. Cưỡng lại thế nào được. Hạ tầng cơ sở đã là thị trường, đã là chợ, thì thượng tầng kiến trúc, trong đó có văn chương nghệ thuật tất phải là thị trường mà thôi. Có điều, chúng ta phải xây dựng cái chợ cho nó văn minh, ít nhất cũng phải tổ chức như các siêu thị, định giá và niêm yết công khai. Chứ đừng để bát nháo kiểu chợ trời, mọi giá trị bị đảo lộn, tranh cướp và chụp giật. Thế thì mới cần có lãnh đạo, có tổ chức, có quản lý thường xuyên được kiểm tra cho một thị trường có trật tự.

Nhà thơ Vũ Đức Dật (1942-1992) trong bài thơ "Nguyễn Bính và tôi" sáng tác năm 1990 đã viết rằng: "Một câu thơ không thể tính bằng tiền". Khi ấy giao thời cũng được đánh giá cao, bây giờ thấy không hoàn toàn đúng nữa. Không có gì là vô giá, tất cả đều có thể định giá được. Có điều phải công bằng, công tâm và phải có một tầm nhìn, có trình độ cao. Chứ cứ tình trạng "hàng xịn tồn kho, hàng xô đắt giá, hàng giả lên ngôi" như hiện nay thì thật đau lòng. Tại sao những nhạc sĩ lừng danh như Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân thì sống nghèo khổ, mà những ca sĩ trẻ hát bài hát của các ông thì lại được trả cátxê rất cao? Tại sao những tác phẩm văn chương đích thực thì lại không bán được mà những cuốn sách chưa phải là tác phẩm văn chương thì lại bán chạy? Tại sao lại để lớp trẻ nhảy loạn lên theo nhạc Rốc, nhạc Pốp mà lạnh nhạt với dân ca Quan họ được nhân loại vinh danh? Chả lẽ các cơ quan quản lý lại không có trách nhiệm gì trong vấn đề này?

Chợ không phải là xấu. Chợ là sự phát triển từng bước văn minh của nhân loại. Chợ làng truyền thống của chúng ta đẹp đấy chứ. Bằng chứng là hình ảnh chợ Tết đã vào rất nhiều tác phẩm văn chương nghệ thuật. Có điều, xây dựng một cái chợ văn minh cũng khó như xây dựng một ngôi làng. Nó cần rất nhiều trí tuệ, tâm đức và trình độ tổ chức. Nhưng để xã hội cũng như văn chương nghệ thuật tiến lên thì không có con đường nào khác.

Quản lý làng và quản lý chợ

Ở bài trước tôi đã nói đến quản lý làng bằng hương ước, quản lý làng văn bằng lề luật bất thành văn. Quản lý làng nói chung là dễ, bởi những cư dân của làng bao giờ cũng có ý thức tự giác để không ế mặt với dân làng, vì họ sống ở đấy và chết cũng ở đấy. Vì thế làng văn trước đây rất êm ả, thanh bình. Ai làm được một chút gì cũng mừng. Tôi còn nhớ một báo cáo của đại hội văn học nghệ thuật của tỉnh Hải Hưng trước đây (nay là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên) mang tiêu đề "Có nụ mừng nụ, có hoa mừng hoa". Trời ơi, trân trọng tài năng đến thế thì thật là tình nghĩa cao đẹp, những người viết văn làm thơ lúc ấy thật là hạnh phúc. Bạn bè văn chương chờ đón từng bài thơ, từng truyện ngắn, từng bài phê bình của nhau. Và hình như nhân dân toàn tỉnh cũng chờ đón... giống như nhân dân cả nước chờ đón thơ của Hồ Chủ tịch, thơ của Tố Hữu mỗi độ xuân về. Nhắc lại một thời hoạt động văn học, nghệ thuật mà thấy tiếc nhớ, mà thấy ấm lòng, mà thấy tự hào. Thảo nào, nhiều người cứ ước ao "Bao giờ cho đến ngày xưa?", dẫu biết đấy là điều trái ngược với quy luật của đời sống. Nhiều người kể lại nhà thơ Vũ Cao khi là Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội có nói: Làm quản lý là không quản lý gì cả?! Bởi các nhà văn khi ấy rất tự giác, họ tự xấu hổ khi làm việc không có chất lượng, họ tự sống với lương tâm mình. Vì thế quản lý làng văn là dễ nhất trong các lĩnh vực quản lý.

Bây giờ quản lý chợ văn khó hơn nhiều. Những người vào chợ chẳng ai biết họ từ đâu đến. Có người cả đời không biết làng văn là gì, nay về hưu bỗng mang văn ra bán. Có những vị làm quản lý, thấy cái mác nhà thơ cũng hay hay thế là sáng tác ồ ạt, cho ra đời liên tiếp những tập thơ. Có những cô ca sĩ, người mẫu, giở đủ chiêu trò mà chưa nổi được, liền cũng viết sách làm thơ tình dục câu khách... Chợ văn thật là xôm! Tôi đã từng nghe một cây bút trẻ đăng đàn tự nhận thơ mình là hay nhất trong các lớp thơ trẻ. Rồi có cả những nhà văn đã một thời nổi tiếng nay đâm ra viết lăng nhăng cũng tự khoe tác phẩm sắp ra đời của mình sẽ là bước ngoặt của lịch sử văn chương... Việc đánh bóng tuổi tên làm nhiễu loạn văn đàn thật không còn giới hạn nào nữa. Các ông bầu xô văn chương cũng giở đủ chiêu đủ trò để đề cao, quảng cáo cho phe nhóm của mình. Thế thì có giời mà quản lý! Muốn xã hội trật tự, chợ họp có nề nếp thì bao giờ cũng phải do cả hai yếu tố: người tham gia hội họp và người quản lý hội họp. Một mặt nào buông lỏng, phá vỡ thì cũng dẫn đến nhiễu loạn.

Tiêu chuẩn hàng hóa văn chương nay mới thật khó thống nhất. Hai tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm vừa qua (2011) thì nhà thơ Trần Mạnh Hảo và nhà văn Nguyễn Hiếu nói thẳng tưng rằng không phải là thơ. Thế mới thấy khó cho các nhà quản lý. Bao giờ văn chương Việt Nam có được Hoài Thanh mới của mình?

Nhưng cuộc sống không ngừng lại, tất cả các dòng sông vẫn chảy. Chợ văn giai đoạn tới còn tiếp tục xô bồ, hàng hóa sẽ mỗi ngày mỗi nhiều, chất lượng hàng hóa sẽ đủ loại, cả hàng hiệu và hàng chợ; và sẽ nhiều hàng chợ được bày bán ở khu vực hàng hiệu. Cũng chẳng có gì là khó hiểu. Đó là quy luật của thị trường. Nhưng phải hạn chế sự loạn chuẩn, vì sự hỗn loạn sẽ phá tan cả làng và chợ. Đó là trách nhiệm của các nhà quản lý

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/diendan/2012/7/57234.cand