Mạng truyền dẫn viễn thông có thể dự báo được thời tiết

Ngoài chức năng truyền dẫn thông tin, mạng truyền dẫn vô tuyến (sóng vi ba) còn có thể được sử dụng như một công cụ dự báo thời tiết cho kết quả chính xác hơn, với chi phí rẻ hơn.

Mạng vi ba là mạng truyền dẫn vô tuyến sử dụng bước sóng từ 1mm - 1m, tương ứng với tần số dao động từ 300 GHz - 300 MHz. Như vậy, hiện các mạng truyền dẫn vô tuyến di động hiện nay đều có thể gọi là mạng truyền dẫn vi ba.

Điều này có thể sẽ gây ngạc nhiên cho nhiều người, nhưng thực tế nó đã xảy ra. Năm 2015, hãng viễn thông Ericsson đã cùng hợp với nhà khai thác di động Hi3G và Viện Khí tượng và Thủy văn Thụy Điển thực hiện dự án Microweather, sử dụng mạng truyền dẫn vi ba để dự báo thời tiết. Dự án được triển khai thử nghiệm tại thành phố Gothenburg, Thụy Điển và hiện mạng vi ba đang được sử dụng như một công cụ để giám sát và đánh giá lượng mưa.

Cơ chế hoạt động của nó như thế nào? Khi có mưa, tín hiệu truyền dẫn giữa hai trạm sẽ có sự thăng giáng. Sự thăng giáng này sẽ được sử dụng để ước tính mật độ mưa tại khu vực đó.

Việc sử dụng mạng truyền dẫn vi ba để dự báo thời tiết được cho là có ưu điểm hơn so với sử dụng radar thời tiết hoặc là sử dụng các máy đo lượng mưa. Ví dụ như so với phương thức sử dụng radar thời tiết thì mạng viba cho kết quả về độ phân giải, độ chính xác về thời gian và không gian cao hơn, trong khi chi phí thấp hơn.

So sánh giữa vi ba với các phương thức dự báo thông thường (SEK là đơn vị tiền tệ của Thụy Điển)

Bản đồ mật độ mưa của radar thời tiết (bên trái) và vi ba (bên phải)

Với mật độ trạm vi ba dày đặc của các nhà mạng viễn thông, việc tận dụng nó để cung cấp các thông tin về dự báo thời tiết là hoàn toàn khả thi, giúp tiết kiệm cả về chi phí trong khi hiệu quả mang lại vẫn cao.

PV

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/thi-truong/201611/mang-truyen-dan-vien-thong-co-the-du-bao-duoc-thoi-tiet-548574/