Mảng tối trong bệnh viện

GD&TĐ - Vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu ngày một sáng tỏ nhờ những thông tin người dân cung cấp. Lãnh đạo bệnh viện này cũng đã chính thức xin lỗi gia đình bệnh nhi và người dân. Từ vụ việc trên hé lộ nhiều mảng tối đang tồn tại trong bệnh viện.

Xã hội hóa bị lạm dụng

Chủ trương xã hội hóa được khuyến khích từ năm 2008 trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế, giáo dục. Đây được coi là cú hích để các bệnh viện thu hút nguồn vốn, đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, xã hội hóa không chỉ là kêu gọi tư nhân đầu tư vào các công trình của bệnh viện công mà bản thân các bệnh viện cũng có thể chủ động kêu gọi đầu tư bằng cách vay vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc mua sắm trang thiết bị.

Từ quy định trên, nhiều bệnh viện đã mạnh dạn xã hội hóa dưới nhiều hình thức. Điển hình như Bệnh viện Nội tiết Trung ương vay vốn xây dựng cơ sở mới. Bệnh viện Nhi Trung ương, Việt Đức cũng vay vốn để xây dựng cơ sở 2, xây dựng tòa nhà kỹ thuật cao. Cùng với đó là hàng loạt bệnh viện tư nhân ra đời.

Sau gần 10 năm thực hiện, xã hội hóa lĩnh vực y tế cũng xuất hiện nhiều bất cập. Do cơ chế chính sách, công tác quản lý chưa rõ ràng nên phần lớn việc huy động vốn tập trung chủ yếu ở thành phố lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nơi thì bệnh viện chen bệnh viện, nơi thì mong mãi chẳng có bệnh viện mới nào.

Ngay trong bệnh viện, xã hội hóa cũng không đồng đều ở các lĩnh vực. Kết quả khảo sát của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, xã hội hóa chỉ tập trung vào lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh. Minh chứng rõ nhất cho việc làm trên là kêu gọi tư nhân đầu tư máy móc và chia phần trăm cho bệnh viện. Bệnh viện công lại có máy móc tư nhân nên xảy ra tình trạng nhân bản kết quả như ở Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) mấy năm trước đây.

Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, lãnh đạo bệnh viện cũng từng bị tấn công mà nguyên nhân do tỷ lệ chia giữa bệnh viện - tư nhân không thống nhất. Còn tại Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), cơ quan bảo hiểm phát hiện chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30 - 40%, trong khi bình quân của cả nước chỉ trên 20%. Hay giá dịch vụ y tế các bệnh viện tự xây dựng, nhiều khu vực không kiểm soát giá, thu chênh lệch với bảo hiểm y tế quá lớn.

Không chỉ xã hội hóa trang thiết bị y tế, nhiều bệnh viện còn bán khoán căng tin bệnh viện, bãi trông giữ xe, chỗ đỗ taxi, thậm chí cả xe vận chuyển người bệnh cho tư nhân. Đây là lý do khiến tình trạng giá vé trông xe trong bệnh viện cao hơn nhiều so với quy định của Nhà nước. Taxi trong bệnh viện phần lớn là độc quyền nên người bệnh không có sự lựa chọn khác. Còn xe vận chuyển bệnh nhân, có lẽ chỉ những thông tin về vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu những ngày qua cũng đủ nói lên nhiều điều.

Minh bạch, công bằng

Theo mục tiêu của ngành Y tế, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân phải đạt con số 26, thậm chí 39 giường/vạn dân. Để đạt được mục tiêu này, ngoài đầu tư của Nhà nước thì xã hội hóa là phần không thể thiếu để giảm tải, tháo gỡ khó khăn cho bệnh viện công nhưng cũng cần có sự minh bạch và công bằng với bệnh viện tư.

Động thái đầu tiên của ngành Y là yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế chấn chỉnh lại công tác vận chuyển người bệnh ra/vào cơ sở khám chữa bệnh. Theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, Bộ yêu cầu các bệnh viện, Sở Y tế rà soát và gỡ bỏ ngay (nếu có) các quy định nội bộ về hạn chế người bệnh và người nhà lựa chọn dịch vụ vận chuyển người bệnh ra viện, xin về… trong trường hợp không cần trợ giúp y tế. Đối với các trường hợp chuyển viện, cấp cứu cần sự trợ giúp y tế, phải giải thích cho người bệnh cần sử dụng xe chuyên dụng (xe cứu thương bệnh viện, xe vận chuyển cấp cứu 115).

Trường hợp người bệnh tự chọn dịch vụ vận chuyển phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm về an toàn người bệnh. Đào tạo nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử cho đội ngũ nhân viên bệnh viện, bao gồm cả nhân viên bảo vệ. Quy định rõ trong Hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ điều khoản về giao tiếp ứng xử với người bệnh và người nhà người bệnh. Giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp nhân viên bảo vệ có hành vi gây khó khăn, phiền hà cho người bệnh ra vào cơ sở khám chữa bệnh.

Về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Y tế cần có cơ chế rõ ràng về việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh và nhà đầu tư. Bên cạnh đó cũng cần có quy định với người đứng đầu bệnh viện áp dụng mô hình trên để tránh tình trạng buông lỏng quản lý gây thất thoát cho Nhà nước thiệt hại cho người bệnh hoặc không cho xã hội hóa phát triển.

Về phía địa phương, đại diện Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền đề nghị thành phố nên có cơ chế hỗ trợ về đầu tư, mặt bằng nhằm giảm giá thành, thu hút bệnh nhân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đối với các bệnh viện có yếu tố nước ngoài, tăng cường quản lý việc đầu tư các trang thiết bị y tế, tạo điều kiện để các cơ sở ngoài công lập có thể tiếp cận các chính sách của thành phố…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/mang-toi-trong-benh-vien-2033810-b.html