Mang hạnh phúc cho những người đẹp bị khiếm khuyết 'khó nói'

Tại hội nghị Phẫu thuật tạo hình- thẩm mỹ toàn quốc diễn ra tại Hà Nội vào ngày 30/9 và 1/10 vừa qua, cả hội trường lặng đi khi nghe các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tạo hình (Bệnh viện Xanh Pôn- Hà Nội) chia sẻ câu chuyện về việc phẫu thuật tạo hình bằng phương pháp cấy niêm mạc miệng giúp mang lại hạnh phúc cho những phụ nữ không có âm đạo bẩm sinh nhờ phát minh hết sức nhân văn của nhóm các nhà khoa học, bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn.

Ảnh minh họa.

Câu chuyện về cô gái Bảo Ngọc (19 tuổi, ở Hà Nội) rất xinh đẹp, thông minh, con gái duy nhất của một gia đình giàu có là một ví dụ. Là con hiếm, gia đình có điều kiện nên khi mang thai cô, cha mẹ cô đã cẩn thận ra nước ngoài khám sàng lọc trước sinh vì thời điểm đó công nghệ sàng lọc trước sinh tại Việt Nam chưa phổ biến và hiện đại như bây giờ.

Những xét nghiệm về thai nhi đều cho chỉ số rất ổn, cô bé Bảo Ngọc ra đời như một tuyệt tác hoàn hảo. Do được chăm sóc tốt nên Bảo Ngọc phổng phao, có biểu hiện dậy thì sớm hơn các bạn gái cùng lứa khi vòng 1 và vòng 3 sớm phát triển hoàn hảo, 12-13 tuổi trông cô đã ra dáng thiếu nữ. Có điều lạ là dù hình thể hoàn thiện vậy nhưng cô bé không thấy hiện tượng kinh nguyệt.

Năm Bảo Ngọc 15 tuổi, người mẹ vì sốt ruột không thấy con gái có nguyệt san nên đưa đi khám, nhưng kết quả siêu âm cho thấy buồng trứng phát triển bình thường, các chỉ số nội tiết tố nữ đều ở ngưỡng “chuẩn” nên gia đình yên tâm, ráng đợi thêm. Do mặc cảm về chuyện tế nhị này nên sau đó Bảo Ngọc đã nói dối mẹ để mẹ cô yên tâm. Mãi đến khi cô trưởng thành và có bạn trai, hai người không thể “vượt rào” đã khiến cô buộc phải tìm đến bác sĩ lần nữa.

Trường hợp của Bảo Ngọc được các bác sĩ xác định mắc chứng “bất sản ống muller” (dị tật không âm đạo bẩm sinh). Theo các nghiên cứu khoa học, trên thực tế, cứ khoảng 6.000-8.000 phụ nữ thì có một trường hợp mắc dị tật này. Những trường hợp không có âm đạo bẩm sinh rất khó phát hiện vì cơ thể vẫn phát triển bình thường, ở ngoài vẫn có âm hộ, nhưng bên trong lại không có âm đạo, không có khoang trống để quan hệ tình dục. Hầu hết các trường hợp chỉ khi đến tuổi dậy thì mới phát hiện không có hiện tượng kinh nguyệt, hoặc khi không thể quan hệ tình dục được mới phát hiện do không có âm đạo.

Theo các chuyên gia, dị tật “bất sản ống muller” rất khó xác định, dù có khám sàng lọc sơ sinh cũng không thể phát hiện ra. Các cô gái mắc chứng này từ nhỏ đến khi dậy thì bình thường như bao người khác, bầu ngực và bộ phận sinh dục hầu hết đến tuổi trưởng thành mà phải trải qua nhiều khâu xét nghiệm mới xác định được. Thực tế, số phụ nữ bị dị tật này ở Việt Nam không hề ít. Nhưng số người tìm đến bác sĩ để khám và tư vấn còn rất nhỏ so với tỉ lệ mắc, có thể do hiểu biết, hoặc do tâm lý phụ nữ Việt Nam ngại để người khác biết những dị tật riêng tư nên số người được chữa trị càng chỉ là rất nhỏ.

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, mấy năm gần đây có khoảng 50 ca đến khám và điều trị. BS. Phạm Thị Việt Dung kể về trường hợp chị Mai Anh (24 tuổi, ở Hải Phòng) đến gặp bác sĩ với tâm trạng rầu rĩ. Mai Anh tâm sự với bác sĩ bản thân rất yêu chồng, rất ham muốn gần gũi nhưng vợ chồng chị không thể nào quan hệ được mà không biết lý do. Nỗi đau đớn, mặc cảm khiến Mai Anh lẩn tránh dẫn đến chồng chị hiểu lầm, tình cảm vợ chồng có nguy cơ tan vỡ.

Còn cô gái trẻ Vũ Hà (20 tuổi, quê Hà Nam) thì đến gặp bác sĩ với tâm trạng hoảng loạn, sau khi cưới, vợ chồng Hà không thể quan hệ tình dục được. Càng thất bại, anh chồng càng cố “làm tới” khiến người vợ bị chấn thương đường tiểu. Vì còn trẻ, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm nên cả hai vợ chồng Hà đều không hiểu nguyên nhân vì sao nhưng cũng không dám đi khám hoặc tâm sự với ai. Chỉ khi Vũ Hà bị chấn thương đường tiểu, nhiễm trùng nặng, buộc phải ra bệnh viện điều trị, cô mới dám tâm sự thật câu chuyện với bác sĩ. Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy, Vũ Hà mắc chứng không có âm đạo bẩm sinh.

Trường hợp của chị Bảo Ngọc, Mai Anh, Vũ Hà… kể trên cũng như hầu hết bệnh nhân đều không biết có bệnh lý này, đến khi biết thì lại không biết điều trị ở đâu. Trước kia, những phụ nữ mắc chứng bệnh này đành phải cam chịu đầu hàng số phận, đổ thừa cho lỗi tại tạo hóa, ngậm ngùi chấp nhận không được thực hiện thiên chức làm mẹ. Nhưng từ năm 2015, Công trình nghiên cứu khoa học về “Quy trình kỹ thuật tạo hình âm đạo bằng niêm mạc miệng” của GS.TS. Trần Thiết Sơn- Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình (Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình –Bệnh viện Xanh Pôn cùng các cộng sự là BS. Phạm Thị Việt Dung và BS. Nguyễn Thị Thu Trang đã mang lại hạnh phúc cho nhiều phụ nữ có khiếm khuyết “khó nói”.

Tại Việt Nam, một trong số ít bệnh viện thực hiện được phẫu thuật tạo hình âm đạo là Bệnh viện Xanh Pôn. Tại Khoa Phẫu thuật tạo hìnhcủa Bệnh viện Xanh Pôn, khi tiến hành tạo hình âm đạo cho các bệnh nhân mắc dị tật bẩm sinh, các bác sĩ đã sử dụng chính niêm mạc miệng của bệnh nhân để cấy vào âm đạo, niêm mạc sẽ dần che phủ và tạo khoang âm đạo mới của bệnh nhân có chiều sâu và đường kính phù hợp. Chỉ sau khoảng một tháng, “công trình” đã hoàn thiện trên cơ thể bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân sau khi được áp dụng kỹ thuật mới này đều đã quan hệ tình dục bình thường, có thể hoàn toàn tự tin lấy chồng, làm tròn thiên chức của người vợ.

Với nghiên cứu mới này, từ tháng 6/2015 đến nay, đã có 12 người phụ nữ bị dị tật âm đạo được phẫu thuật bằng phương pháp ghép niêm mạc miệng tại Khoa Phẫu thuật tạo hình của Bệnh viện Xanh Pôn. Mục tiêu của phẫu thuật này là giúp bệnh nhân quan hệ tình dục được, bảo đảm hạnh phúc cá nhân, ổn định tâm, sinh lý. Các bác sĩ khuyến cáo, với những phụ nữ bị khiếm khuyết “khó nói” này, thời điểm làm phẫu thuật phù hợp nhất là khi bệnh nhân bước vào tuổi dậy thì.

BS. Phạm Thị Việt Dung cho hay, việc phẫu thuật để tạo hình âm đạo là một phương pháp đơn giản, hiệu quả, giúp cải thiện đời sống tình dục cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Kỹ thuật này thực hiện càng sớm thì cơ hội thành công càng cao. Trên thực tế cứ khoảng 4.000-8.000 phụ nữ thì có một trường hợp mắc dị tật này nên ước tính, còn rất nhiều phụ nữ bị dị tật này chưa tìm đến bác sĩ, đang cam chịu bất hạnh của số phận. Vậy nên, những cô gái có các dấu hiệu bất thường như khi dậy thì vẫn không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… hãy tự tin tìm đến các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và có hướng giải quyết phù hợp.

(Tên các bệnh nhân nữ đã thay đổi)

Ngọc Sương

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/mang-hanh-phuc-cho-nhung-nguoi-dep-bi-khiem-khuyet-kho-noi-298697.html