Mang con chữ đến với học sinh nghèo dân tộc Mông

Vượt qua hàng chục km đường đất dốc núi, quanh co để đến trường dạy học hay mua thêm đồ dùng học tập, xin quần áo, giày dép, cặp sách… cho học sinh đã trở thành việc làm quen thuộc với các thầy cô giáo ở Trường tiểu học Đạo Viện, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Với sự tâm huyết, nỗ lực của các thầy, cô giáo, việc học của trẻ em nơi đây luôn được đảm bảo, con đường đến trường của các em cũng vơi bớt khó khăn.

Cô và trò ở điểm trường Ngòi Nghìn, Trường Tiểu học Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) khắc phục khó khăn bám trường bám lớp.

Sau gần 1 giờ đồng hồ vượt qua con đường dốc, núi, chúng tôi đến điểm trường Ngòi Nghìn, thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện, một trong những điểm trường khó khăn nhất của Trường tiểu học Đạo Viện, với 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông và đều thuộc hộ nghèo.

Thầy giáo Hoàng Văn Chính, giáo viên dạy tại điểm trường cho biết: Điểm trường có hai lớp. Lớp 1, 2 học ghép và một lớp 3 với tổng số 31 học sinh. Vì học sinh đều là người dân tộc thiểu số ít khi tiếp xúc với người ở ngoài thôn nên tiếng Việt rất hạn chế, do đó việc làm đầu tiên của các thầy, cô giáo ở đây là dạy các em nói tiếng Việt, sau đó mới đến dạy chữ.

Thầy Chính là giáo viên người dân tộc Mông đầu tiên ở huyện Yên Sơn. Là người con của Ngòi Nghìn nên thầy hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả cũng như phong tục tập quán đồng bào mình. Ngay từ nhỏ đã ước mơ mang “con chữ” về dạy cho trẻ em trong thôn nên thầy Chính nỗ lực học tập, thi đỗ vào khoa Giáo dục tiểu học - Trường Cao đẳng sư phạm Tuyên Quang.

Sau khi tốt nghiệp, thầy xin về dạy ở Ngòi Nghìn. Với “lợi thế” là biết tiếng Mông nên trong quá trình dạy, bài nào nói tiếng Việt mà các em không hiểu thầy sẽ giải thích bằng tiếng Mông, sau đó nói lại bằng tiếng Việt. Bên cạnh đó, để các em học yếu theo kịp được chương trình học, ngoài dạy thêm theo quy định 2 buổi/tuần, thầy còn dành thêm 2 buổi/tuần để dạy thêm cho các em.

Ông Giàng Seo Nhà, Trưởng thôn Ngòi Nghìn cho biết: Đường vào thôn rất khó đi nhưng các thầy cô giáo vượt qua khó khăn đó về đây dạy cho học sinh biết cái chữ, mua thêm đồ dùng học tập cho các em nữa. Người dân trong thôn cảm ơn các thầy cô giáo nhiều lắm…

Thầy Trần Hải Nam vượt khó bám trường cùng các em học sinh ở điểm trường Đoàn Kết, Trường Tiểu học Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Chia tay với thầy và trò ở điểm trường Ngòi Nghìn, chúng tôi đến điểm trường Đoàn Kết, Trường Tiểu học Đạo Viện, ở thôn Làng Phào. Điểm trường có 5 giáo viên, trong đó có 2 giáo viên đã gắn bó trên 20 năm.

Năm nay đã bước sang tuổi 50, cô Đinh Thị Luyến được Ban giám hiệu trường chuyển về dạy tại điểm trường trung tâm cho cô đỡ vất vả vì tuổi đã cao nhưng cô vẫn “xung phong” đi dạy ở điểm trường Đoàn Kết. Cô Luyến chia sẻ: Chính tình thương yêu đối với học sinh, mong muốn được dạy cho các em những bài học đầu tiên khi bước vào đời là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn để “bám lớp, bám trường”. Tuy từ nhà vào điểm trường chỉ có 6 km nhưng đường đi lại rất vất vả, những năm trước đây, để đến lớp tôi phải đi bộ từ 5 giờ 30 phút, vượt qua 11 đoạn suối. Vài năm trở lại đây, khi các cây cầu nhỏ được xây dựng, các thầy cô đã có thể đi xe máy đến điểm trường.

Cô Luyến cho biết thêm: Học sinh học tại điểm trường 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Hơn 25 năm gắn bó với học sinh tại đây là hơn 25 năm khó khăn, vất vả nhưng đầy niềm vui và kỷ niệm. Kỷ niệm về những ngày nhịn cơm trưa để đến nhà học sinh vận động phụ huynh cho các em đi học; hay mỗi lần đi đâu thấy có quần áo, giày dép, cặp sách của ai không dùng đến thì các cô lại xin về cho các em có hoàn cảnh khó khăn ở lớp…

Giờ thể dục của các em học sinh điểm trường Đoàn Kết, Trường Tiểu học Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang).

Hiện nay, chuyện học sinh phải nghỉ học giữa chừng đã không còn nhưng vì gia đình nghèo nên nhiều em phải đi học trong cảnh thiếu thốn đủ thứ từ cái bút, thước kẻ, compa… cho đến áo ấm. Vì vậy, với các cô giáo ở điểm trường, niềm vui không chỉ là dạy chữ cho các em mà còn đến từ việc học sinh được đi học đầy đủ, không em nào phải đi chân đất đến lớp, phải chịu lạnh vì không có áo mặc khi mùa đông về.

Cô Nguyễn Thị Tuyết, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đạo Viện cho biết: Trường có 4 điểm trường, 19 cán bộ giáo viên và 229 học sinh, trong đó gần 80% là học sinh dân tộc thiểu số hoàn cảnh rất khó khăn. Các điểm trường nằm cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn; đa số là con em đồng bào dân tộc nói tiếng Việt kém, nhận thức hạn chế. Để khắc phục khó khăn cũng như đảm bảo công tác dạy và học cho cả thầy và trò, những năm qua, trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề để tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất; trước khi bắt đầu năm học mới thầy cô đều tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy thêm miễn phí 2 buổi/tuần cho học sinh chưa hoàn thiện kiến thức, kỹ năng để các em theo kịp chương trình học. Mặc dù, hiện nay cơ sở hạ tầng tại các điểm trường đã được xây dựng kiên cố nhưng cơ sở vật chất như bàn ghế… còn thiếu thốn. Do đó, trường rất mong được các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ để học sinh có điều kiện học tập tốt hơn.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Tý (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/mang-con-chu-den-voi-hoc-sinh-ngheo-dan-toc-mong-20161117080145353.htm