Mạng ảo, hậu quả thật

Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk vừa mời chủ tài khoản Facebook Nguyễn Liên đăng ảnh bịa đặt giáo viên ở Hà Tĩnh được điều đi tiếp khách để lập biên bản vụ việc. Tại buổi làm việc, ông Liên đã xin lỗi về việc đăng thông tin, hình ảnh không đúng sự thật và mong được tha thứ.

Việc quan chức điều động giáo viên đi tiếp khách trong tiệc rượu là sai, cần chấm dứt tình trạng này ngay lập tức. Tuy nhiên, không vì thế mà cho phép một cá nhân nào đó thông qua mạng xã hội dùng hình ảnh của một người Trung Quốc để nói đó là hình ảnh xảy ra ở thị xã Hồng Lĩnh kèm những ngôn từ mang tính chất nhục mạ những người có liên quan.

Thời gian qua, một số cá nhân đã dùng mạng xã hội để vu khống, làm ảnh hưởng uy tín, danh dự người khác. Đây là hành vi hết sức nghiêm trọng, đã có một số vụ việc bị xử lý hình sự. Việc xử lý là cần thiết để công dân có ý thức, trách nhiệm với lời nói, hành vi của mình; đồng thời nhằm bảo đảm danh dự, nhân phẩm của mỗi công dân đều được tôn trọng, bảo vệ.

Quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm là quyền cơ bản của công dân đã được hiến định tại điều 20 Hiến pháp. Ngoài ra, điều 34 Bộ Luật Dân sự quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ... Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Còn theo điều 16 Luật Viễn thông, người sử dụng dịch vụ viễn thông chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin truyền, đưa, lưu trữ trên mạng viễn thông. Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định các hành vi bị cấm, trong đó có việc lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân…

Đặc biệt, điều 122 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vu khống mà nếu vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 2 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội với nhiều người thì bị phạt tù từ 1 năm đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng…

Trên đây là một số quy định của pháp luật có liên quan mà người sử dụng internet và mạng xã hội cần biết để tránh gặp rắc rối với pháp luật và điều chỉnh cách ứng xử trên không gian mạng một cách có văn hóa.

Luật sư Ngô Đình Hoàng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/mang-ao-hau-qua-that-20161121224518752.htm