“Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrein”: Cho những người lớn thèm trẻ lại

Đứa trẻ nào mà chẳng thả tâm hồn lửng lơ để mơ mộng về một thế giới bí ẩn, nhiệm màu nào đó song hành cùng cuộc sống thực tại. Đó chắc hẳn phải là thế giới kỳ lạ mà những đứa trẻ đều mong muốn được dấn thân nhập cuộc để bóc tách từng ẩn số thú vị. Nếu từng là đứa trẻ giàu trí tưởng tượng như thế, “Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrein” sẽ là chiếc vé quay ngược thời gian, giúp bạn du hành trên con tàu trở về tuổi thơ.

“Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrein” được chuyển thể từ cuốn Miss Peregrine’s Home for Peculiar Children của Ransom Riggs. Vì thế, ngay khi rục rịch kế hoạch lên sóng, bộ phim đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của những người yêu thích bộ tiểu thuyết ăn khách này. Trong tiểu thuyết của Ransom Riggs, mỗi người đọc đều tự hình dung về một trại trẻ mồ côi kỳ quái, ma mị của riêng mình nhờ những con chữ biết vẽ. Tuy nhiên, từ con chữ đến điện ảnh không hề đơn giản.

“Ngày xửa ngày xưa, có một câu bé tên là Abe…” đó là câu nói quen thuộc của ông nội Abe dẫn dắt câu bé Jacob đến với những câu chuyện lạ kỳ trước giờ đi ngủ. Cứ thế từng ngày câu lớn lên theo những câu chuyện của ông với niềm tin tưởng về sự tồn tại của một thế giới bí ẩn với những người bạn có khả năng đặc biệt. Có lẽ chúng ta cũng có một tuổi thơ như thế, được lắng nghe những câu chuyện nhiệm màu và thắc mắc về một thế giới bí ẩn nào đó liệu có thực? “Mái ấm đặc biệt của cô Peregrine” không còn là cuộc phiêu lưu của riêng câu bé Jacob mà là cuộc dấn thân của tất cả đứa trẻ trên thế giới, hay chăng còn là của những người lớn đang thèm được trẻ lại.

Hơn nửa đầu bộ phim, đạo diễn Tim Burton cố gắng dẫn dắt người đọc về trại trẻ ma quái của cô Peregrein với những người bạn có khả năng đặc biệt. Mỗi người xem sẽ có cảm nhận khác nhau. Với những người từng đọc tiểu thuyết, bộ phim sẽ khiến trại trẻ hiện lên rõ nét, sinh động, các nhân vật trở nên gần gũi hơn. Tuy nhiên, bộ phim lại là điều mới mẻ với những người chưa từng biết đến bộ tiểu thuyết. Phong cách ma mị của Tim phần nào có tác dụng với những thước phim mang đậm gam màu tro lạnh, với những bức hình đen trắng vintage của những đứa trẻ lạ kỳ. Tuy nhiên, có vẻ như ông đuối tay so với những tác phẩm hoạt hình nổi tiếng trước đó. Hầu hết tuyến nhân vật đều rời rạc, chắp vá đối với những người chưa đọc tiểu thuyết

Dẫu vậy, điểm xuyến trong phim có những chi tiết thú vị. Ví dụ như biểu tượng “vòng thời gian” mang ý nghĩa đặc biệt trong suy nghĩ của tôi. Kẻ trộm duy nhất trong cuộc đời không chịu bất cứ sự trừng trị nào đó là thời gian. Chúng ta đều bị “lấy trộm” thời gian và buộc phải chấp nhận với quy luật khắc nghiệt này. Tôi cũng như Jacob và bao đứa trẻ khác trên toàn thế giới, rồi cũng sẽ phải rời bỏ thế giới tuổi thơ như một điều tất yếu của cuộc sống, rồi cũng sẽ “lớn lên, yêu một ai đó, kết hôn, và già đi…” Tuy nhiên, có một nơi mà mọi người đều trẻ mãi không già, vạn vật vẫn tinh khôi, vẹn nguyên như thuở sơ khai, thời gian sẽ không bao giờ trôi chảy, đó là trại trẻ của cô Peregrein hay chăng đó là thế giới tuổi thơ của tất cả người lớn trên thế giới này.

Thế giới tuổi thơ là nơi không quy luật khắc nghiệt này với chạm tới. Quả thật vậy, trong mỗi chúng ta, tuổi thơ là phạm trù vĩnh cửu. Len lỏi trong những vách đá tối để kiếm cánh cổng bước vào vòng thời gian như Jacob, hay bằng một cách nào đó, chúng ta hoàn toàn có quyền được trở về quá khứ để một lần “tắm thơ”, một lần trở về với thế giới của những đứa trẻ “đặc biệt” trong chính quan niệm của mỗi cá nhân. Thế giới tuổi thơ của tôi, không có cặp đôi song sinh mặc áo trắng kín mít, một cô gái nhẹ tênh như một quả bóng, nhưng cũng có những kỷ niệm, ký ức “đặc biệt” và “thần kỳ” theo cách tôi tưởng tượng.

Tim Butorn đã giúp người xem được một lần bước chân len trong những khối đá cạnh bờ biển xứ Wales để bước vào vòng thời gian của trại trẻ thần kỳ. Nhưng do mạch phim yếu, nên ngay cả phần thắt nút rồi bùng nổ bằng cuộc đụng độ giữa những đứa trẻ và phe Hỗn rồng vẫn kém hấp dẫn và không như kỳ vọng của những người từng đọc truyện. Đó không phải trận đấu gay cấn với các tình tiết hồi hộp. Phe Hỗn rồng được xây dựng đáng sợ bao nhiêu ở nửa đầu, thì phần cuối phim trở nên … ngu ngốc, kém cỏi và mở nhạt bấy nhiêu. Thậm chí, Hỗn rồng giống như đang “nhường nhịn” để lũ trẻ chiến thắng một cách dễ dàng. Cảnh chiến đấu giữa đám trẻ ít nhiều khiến người xem liên tưởng đến “Ở nhà một mình” phiên bản “nửa vời”.

Những rung động cảm xúc đầu đời giữa Jacob và cô bé bóng bay Emma cũng chưa làm khán giả “đã”. Trong khoảng thời gian có hạn, phải truyền tải nhiều nội dung phim, đạo diễn buộc phải lược giản một số tình tiết truyện. Phần cuối của phim khi những đứa trẻ giải quyết vấn đề của vòng thời gian đôi phần gây khó hiểu với những người chưa đọc truyện. Phần kết khá viên mãn, không gợi mở một vài tình tiết mới để hé lộ với người đọc những phần nổi tiếp có thể của phim.

Bộ phim chưa hẳn hoàn hảo với những fan cứng của bộ tiểu thuyết gốc mang nhiều kỳ vọng lớn. Với cá nhân người viết, bộ phim đã mang đến những trải nghiệm độc đáo, kích hoạt chuyến tàu trở về hành trình tuổi thơ màu nhiệm. Không có công thức chuẩn chung cho tuổi thơ để quy chiếu sự đúng hay sai, đo lường rằng hoàn hảo hay thiếu sót. Có một tấm vé để được hóa bé và đắm mình trong thế giới thần kỳ, ma mị, để được thỏa với niềm tin thuở nhỏ rằng tồn tại những người bạn có năng lực đặc biệt, vậy nên tôi trở về.

Hà Ngân

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-giai-tri/%e2%80%9cmai-am-la-ky-cua-co-peregrein%e2%80%9d-cho-nhung-nguoi-lon-them-tre-lai