Mắc nhiều bệnh vì dùng nước nhiễm thạch tín

Tình trạng nguồn nước nhiễm thạch tín (asen) ở nhiều vùng nước ta đã được cảnh báo, nhưng chưa ai khẳng định được mức độ gây hại đối với sức khỏe con người. Mới đây, lần đầu tiên một nghiên cứu bài bản về ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng, do nguồn nước nhiễm asen tại khu vực đồng bằng sông Hồng, đã cho thấy thực trạng đáng lo ngại về các bệnh lý từ rối loạn sắc tố da, dầy sừng, rối loạn vận mạch, đến biến chứng thai sản và ung thư.

Hà Nội có người bị bệnh do nước nhiễm thạch tín cao nhất Thấy bàn tay, chân có những vết chai sần màu vàng, nhiều người dân ở Gia Lâm, Hà Nội, ít để ý và tưởng đó là vết chai do cầm nắm, lao động…, hay những vết đậm, nhạt xen kẽ li ti, khó nhìn thấy bằng mắt thường, do thay đổi sắc tố da, (còn gọi là bệnh "bầu trời sao" vì nhìn rất giống bầu trời đêm khi soi trên kính lúp), nhiều người không phát hiện ra và cho là do tuổi tác… Chỉ tới khi có đoàn kiểm tra tới, nhiều người mới giật mình, biết mình bị dầy sừng, rối loạn sắc tố da do dùng nước nhiễm thạch tín. Nếu không được phát hiện kịp thời và làm sạch nguồn nước sinh hoạt, bệnh có thể dẫn tới ung thư da và nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Là thành phố Thủ đô, nhưng Hà Nội (không bao gồm địa bàn Hà Tây cũ) lại là 1 trong 3 địa phương có tỷ lệ người mắc bệnh từ nguồn nước sinh hoạt, ăn uống nhiễm asen cao nhất. Đây là điều đáng ngạc nhiên và báo động về tình trạng sử dụng nước sinh hoạt thiếu an toàn của người dân. Mức độ nhiễm asen trong nguồn nước ngầm ở Hà Nội còn thấp hơn nhiều địa phương khác, nhưng nguồn nước này lại không được xử lý tốt trước khi dùng trực tiếp ăn uống sinh hoạt. Đây chính là nguyên nhân gây ra tỷ lệ bệnh tật cao cho người dân Hà Nội, tập trung ở huyện Gia Lâm. Cùng với Hà Nội, Vĩnh Phúc và Nam Định cũng có số người mắc bệnh vì nước nhiễm thạch tín cao nhất. Cần sớm xử lý nguồn nước sinh hoạt Đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long là hai khu vực có nguồn nước nhiễm asen cao nhất ở nước ta. Trong đó, 8 tỉnh tả ngạn và hữu ngạn sông Hồng (gồm Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường chọn khảo sát, do tập trung nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước nhiễm thạch tín cao. Thăm khám cho người dân bị bệnh do dùng nước nhiễm thạch tín ở Vĩnh Phúc. GS.TS Nguyễn Khắc Hải, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường, kiêm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên cho biết, nếu ở mức độ cho phép, thạch tín là nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể, nhưng sẽ gây hại cho sức khỏe con người, nếu asen trong nước có hàm lượng trên 10 microgram/lít dùng ăn uống và trên 50 microgram/lít dùng sinh hoạt. Trong khi đó, có tới 77,6% mẫu nước ngầm ở 8 tỉnh tả, hữu sông Hồng có tỷ lệ nhiễm asen trên 50 microgram/lít. Đặc biệt, 4 địa phương có tỷ lệ này trên 100 microgram/lit là Hà Nam (tập trung ở huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân), Vĩnh Phúc (Vĩnh Tường, Yên Lạc), Nam Định (Mỹ Lộc, Nam Trực) và Hà Tây cũ (Thường Tín, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ). Theo GS.TS Nguyễn Khắc Hải, để xử lý nguồn nước nhiễm asen, trước mắt chỉ cần giải pháp đơn giản, dễ làm, giá thành rẻ, là dùng bộ lọc bể cát giá khoảng 1 triệu đồng, có thể sử dụng lâu dài, nếu phải thay quả lọc giá chỉ vài chục ngàn đồng. Riêng nguồn nước nhiễm asen ở vùng có đá ong như Phúc Thọ (Hà Tây cũ), khó phát hiện vì nước vẫn có màu trong, thì cần thiết kế bộ lọc riêng. Tuy nhiên, nếu để từng hộ tự lắp bộ lọc nước, sẽ là khó kiểm soát chất lượng của nước sinh hoạt đã qua xử lý. Theo nhóm nghiên cứu, có tới hơn 70% hộ dân đồng ý với phương án xây dựng khu cấp nước tập trung cho từng thôn, xã, có thu phí, do trung tâm y tế dự phòng và nước sạch địa phương kiểm soát chất lượng. Để làm được điều này, rất cần có sự mạnh dạn vào cuộc của chính quyền các địa phương, đơn vị, cá nhân vì sức khỏe chung của cộng đồng. Theo nghiên cứu, có 4,6% người dân ở vùng sử dụng nước nhiễm thạch tín bị rối loạn sắc tố da, 3,6% bị dầy sừng, 32% bị rối loạn vận mạch, 32% có các biến cố về thai sản, 4% có khối u. Nhiều người có dư lượng asen tích tụ trong nước tiểu, trong tóc cao, có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm sau này. Rất cần có những nghiên cứu sâu hơn để khẳng định chính xác mức độ ảnh hưởng của nước nhiễm thạch tín, nhưng theo các chuyên gia, đây là tỷ lệ mắc bệnh cao và rất cao. Nước nhiễm asen có thể dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư da, phổi, bàng quang…, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đến thai nhi và trẻ sơ sinh.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/6/132881.cand