Mắc ca và 3 câu hỏi từ Tây Nguyên

Làm cách nào để tránh được họa mắt ghép giả trên cây mắc ca? Tôi sẽ bán “nữ hoàng hạt khô” cho ai? Và ai sẽ bảo hiểm, hỗ trợ vốn vay cho chúng tôi? – Đó là 3 câu hỏi lớn mà phóng viên NTNN ghi nhận trong 4 ngày cùng các chuyên gia Hiệp hội Mắc ca Việt Nam điền dã dọc theo 4 tỉnh Tây Nguyên để gặp gỡ, lắng nghe và trao đổi với những người tiên phong trồng mắc ca.

Bài 1: Đừng ham rẻ mua “mắt ghép giả”

Trong 4 ngày, đã có 2 hội thảo đầu bờ do Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức, trực tiếp hướng dẫn cụ thể, giải đáp chi tiết qua 2 vòng: Tại hội trường xã và tại vườn cây mắc ca của nông dân. Hàng trăm nông dân của huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) và Krông Năng (Đăk Lăk) hào hứng tham gia.

Mắt ghép ảo, tội nợ thực

Vườn mắc ca xanh tốt nhưng ít trái của ông Nguyễn Việt Hùng được kết luận là mua phải giống kém chất lượng. Ảnh: Thanh Sa

Chúng tôi đến Lâm Đồng vào giữa tháng 9, khi mùa thu hoạch chính của mắc ca năm 2016 ở đây đang bước vào những ngày cuối. Rất nhiều nông dân mảnh đất cao nguyên này phấn chấn vì được mùa mắc ca. Anh Nguyễn Hữu Việt (ở thôn Phúc Thọ 2, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà), có 200 cây mắc ca đã cho thu hoạch được hơn 2 tấn hạt, thu về hơn 200 triệu đồng. Anh Trần Phúc Nguyên (ở huyện Đam Rông) có vườn cây 4-5 tuổi đã cho thu hoạch bình quân 5-6kg hạt/cây, tổng thu mùa bói năm nay đã được hơn 1 tấn, bán ra hơn 100 triệu đồng. “Tôi sẽ trồng thêm 500 cây nữa, tất cả đều xen với cà phê...” – anh Nguyên cười sảng khoái, tự tin nói với chúng tôi.

Nhưng niềm vui được mùa không đến với tất cả mọi người. Một số người trồng mắc ca ở xã Liên Hà, huyện Lâm Hà lại rầu rĩ vì cây không có quả, hoặc quả rất ít. Chẳng hạn như anh Nguyễn Việt Hùng, dù vườn cây đã 5 năm tuổi, nhưng lác đác vài trái. Anh Hùng cho hay, 5 năm trước, lúc mua cây giống của một công ty đến xã bán cây, anh và một số người trong xã mua theo hợp đồng chung. Khi nhận cây, thấy có biểu hiện mắt ghép sơ sài, vết khứa và quấn giấy bóng sơ sài, anh Hùng và một số người có ý kiến, công ty trên cho người đến kiểm tra, có xác nhận nhiều cây không có mắt ghép, nhưng sau đó họ cũng không ghép lại cho anh. Lúc đó anh mua để trồng xen vào cà phê, độ quan tâm cũng chưa nhiều, nên cứ để vậy đến nay. Từ 50 cây trồng xen vườn cà phê vào năm 2011, đến nay trong vườn anh chỉ còn 10 cây. “Giá mua cây hồi đó là 55.000 đồng/cây, chúng tôi đã thanh toán 50% (27.500 đồng/cây) và giao kèo khi có quả sẽ trả hết tiền giống. Đến nay cây không có quả, công ty ấy không đòi trả tiếp nữa... Tôi dự kiến chặt bỏ nốt 10 cây giống kém này, sau đó sẽ mua 200 cây giống tốt về trồng mới xen vào cà phê” - anh Hùng cho hay.

Ông Đoàn Văn Thực, cũng ở xã Liên Hà, khi tham gia hội thảo đầu bờ đã nêu thẳng với chúng tôi tên của đơn vị bán giống cho mình là Công ty Đức Anh và cho biết hiện ông chỉ còn 8 cây, 3 cây có trái, 5 cây không có trái. Lúc mua giống, ông thấy bán rẻ 30.000-40.000 đồng/cây nên mua (trong khi giá thị trường cho mỗi cây ghép tốt là 80.000 đồng/cây). Một số nông dân cùng rơi vào cảnh tương tự ông Hùng và ông Thực đã hỏi các chuyên gia cách phân biệt mắt ghép thật và giả, nông dân có tự ghép được không? Với cây thực sinh đã trồng 4-5 năm, nếu không chặt bỏ mà ghép lại được không?

Thảo luận trực tiếp với hơn 200 nông dân huyện Lâm Hà, GS Hoàng Hòe – Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam chia sẻ, nguyên nhân chính dẫn đến các vườn mắc ca không ra quả kể trên là do bà con mua phải giống dởm, giống kém chất lượng của một số tổ chức, cá nhân tham lợi và gian lận.

Thủ đoạn của bọn họ là bán cây thực sinh với giá rẻ đến mức chỉ bằng 50% giá thị trường. Do không có vườn cây đầu dòng, hoặc vườn cây đầu dòng không đủ mắt ghép, họ dùng dao khía vài đường trên thân cây con, tạo hình như cây ghép thật. Thậm chí, có thể lấy luôn “mắt ghép” từ chính cây giống đó rồi ghép trở lại với gốc cũ, về bản chất vẫn là từ một thân cây thực sinh; hoặc cắt mắt ghép của cây giống này ghép chéo vào cây giống khác cho nhanh, nhưng không phải mắt ghép từ cây đầu dòng. Nếu nông dân ham rẻ mua vào, tốn công chăm sóc mấy năm trời không có trái rồi chặt bỏ, thì không còn là rẻ nữa, mà tính ra là quá đắt.

“Tại Úc, Nam Phi và gần chúng ta hơn là Trung Quốc, Thái Lan cũng đã từng trải qua giai đoạn này, và giờ đây nông dân các nước đó đã thông minh hơn, biết chủ động tìm đến những cơ sở có uy tín để mua cây giống. Ngay với nước ta, nạn cây giống dởm cũng từng xảy ra với cà phê và một số cây khác. Giờ đây người trồng cà phê đã khôn hơn rất nhiều trong khâu chọn giống” - GS Hòe cho biết thêm.

Nhận diện, ngăn chặn “liên kết ngầm”

Tại hội thảo đầu bờ, các chuyên gia từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khuyến cáo bà con nông dân nên tìm đến những công ty giống có vườn cây mắc ca đầu dòng có quy mô thương mại, được Sở NNPTNT chứng nhận mới mua (ở Tây Nguyên có thể đến Công ty Vinamacca ở huyện M’Đrăk, Đăk Lăk; ở miền Bắc có thể đến Công ty Đầu tư Xuất nhập khâu nông lâm sản ở Ba Vì, Hà Nội...).

Nếu cơ sở bán giống nào không có chứng nhận của Sở NNPTNT thì không nên mua. Vì khoản đầu tư hàng chục, hàng trăm triệu đồng, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng trong hàng chục năm, tại sao bà con phải tiếc một cuộc điện thoại hỏi chuyên gia hoặc cơ quan chức năng? Hơn nữa, khi mua bán cây giống, người mua có quyền đàm phán hợp đồng và giao kết nội dung bảo đảm cây có quả và bao tiêu đầu ra. Nông dân chỉ nên chấp nhận thanh toán đủ 100% giá trị hợp đồng sau khi cây có quả (sau 3- 4 năm). Những doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng sẵn sàng cam kết điều này.

Liên quan đến nội dung hợp đồng mua cây giống, trong hội thảo đầu bờ ở Lâm Hà, chúng tôi được biết có một công ty đã đến bán giống mắc ca tại một số xã của huyện này cách đây 5 năm, có làm hợp đồng bán giống. Người mua thanh toán 50% khi nhận cây, đến khi có trái mới thanh toán hết 50% còn lại. Tuy nhiên, gần đây, bằng cách nào đó, đơn vị này đã thanh lý hợp đồng mà chấp nhận không thu nốt số tiền cây giống nông dân còn nợ. Điều này đồng nghĩa người đã bỏ tiền mua giống không còn cơ sở để yêu cầu trách nhiệm của công ty bán giống, khi cây không ra quả như trường hợp anh Hùng, anh Thực.

Thực tế này đặt ra vấn đề cần có sự hỗ trợ của đại diện chính quyền địa phương, đoàn thể chính trị xã hội cơ sở, hoặc các chi nhánh của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong việc giúp người dân nâng cao nhận thức về hợp tác làm ăn thông qua hợp đồng kinh tế. Cùng với quy hoạch và kế hoạch phát triển cây mắc ca, lãnh đạo các địa phương từ cấp xã, cấp huyện cho đến cấp tỉnh được trông đợi sẽ có tiếng nói quan trọng trong kiểm soát chất lượng mắc ca giống hoặc tham gia đại diện, làm chứng cho giao dịch cây giống giữa công ty và người dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Ngọc Long - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức (Đăk Nông):

Hướng dẫn chọn giống rất cần thiết!

Theo quy hoạch của tỉnh Đăk Nông, cây mắc ca sẽ trồng tập trung tại huyện Tuy Đức với diện tích hơn 10.000ha. Để thực hiện quy hoạch này, trước mắt, UBND huyện nói riêng và các ngành chức năng nói chung đang khuyến cáo nông dân phát triển một cách thận trọng, không trồng ồ ạt... Đồng thời địa phương tích cực tuyên truyền nhân dân thận trọng khi mua giống mắc ca. Việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân trong việc chọn giống là hết sức cần thiết, khuyến cáo nông dân chọn những giống đáng tin cậy nhất để trồng, tránh thiệt hại về sau.

Duy Hậu (ghi)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/mac-ca-va-3-cau-hoi-tu-tay-nguyen-712634.html