Ma trận tin nhắn “bẫy” khách hàng: Vì sao không kiện?

“Các nhà mạng vẫn liên quan tới các cơ quan nhà nước kia nên quyền lợi các bên còn nhập nhằng”.

Nhà mạng cố tình gây nhầm lẫn?

Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) vừa đưa ra cảnh báo về vấn đề vi phạm quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) trên điện thoại di động.

Cục Quản lý Cạnh tranh thừa nhận, trong thời gian gần đây, báo chí có phản ánh về việc mốt số nhà mạng đang 'ăn chặn' tiền của người tiêu dùng thông qua việc tự động cài đặt, đăng ký và gia hạn dịch vụ giá trị gia tăng mà người tiêu dùng không biết hoặc khó có thể kiểm soát. Điều này đã gây ra nhiều lo ngại cho những người tiêu dùng đang sử dụng điện thoại di động.

Từ thực tế đó, Cục Quản lý Cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng cần phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin để khai thác sử dụng các dịch này phục vụ hiệu quả cho cuộc sống, đồng thời tránh được những hành vi xâm phạm quyền lợi của mình.

Nhiều người dân bị móc túi vì chiêu trò của các nhà mạng. Ảnh minh họa.

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, LS Lê Cao (Đoàn LS Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo LS Lê Cao, hiện nay các giao dịch hợp đồng bằng phương thức điện tử hiện đại càng trở nên phổ biến, trong đó các nhà mạng viễn thông như là chủ thể “cầm cái” trong các giao dịch liên quan đến việc sử dụng dịch vụ mạng viễn thông, có những biểu hiện rõ ràng cho thấy các hành vi của các nhà mạng cố tình gây nhầm lẫn khiến khách hàng bị “bẫy”, do đó không chỉ cứ đẩy trách nhiệm cẩn trọng cho người tiêu dùng.

“Theo quy định tại Điều 48 Luật Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thì Bộ Công thương có trách nhiệm lớn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chứ không chỉ cảnh báo. Trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền của Bộ. Do đó Bộ cũng cần xem xét các hành vi gây nhầm lẫn về dịch vụ của các nhà mạng, đây là hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 10 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010”, LS Lê Cao nhấn mạnh.

Nhìn ở góc độ quản lý, LS Lê Cao khẳng định, Bộ Công thương, Bộ và các cơ quan ngang bộ liên quan, UBND các cấp … là những cơ quan được liệt kê trong luật có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, người tiêu dùng thường phải tự bảo vệ lấy mình.

“Những hành vi cố tình gây nhầm lẫn về dịch vụ để thu lợi rõ ràng là phạm pháp nhưng các nhà mạng thường lại là con đẻ của bộ ngành này, cơ quan nhà nước kia nên quyền lợi các bên còn nhập nhằng. Các nhà mạng hiện nay mang danh doanh nghiệp nhưng cũng kiểu các doanh nghiệp được cưng chiều, họ không những khó thấy bị xử lý mà như các khuyến cáo một phía vừa qua thì tội lỗi do người tiêu dùng phải gánh đỡ”, LS Cao nêu nhận định.

Cùng đưa ra nhận định, LS Lê Nguyễn Lê Vi (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, Cục quản lý cạnh tranh chưa giám sát chặt chẽ, còn nhiều kẽ hở để các nhà mạng lợi dụng khai thác người tiêu dùng.

“Cơ quan quản lý nhà nước ăn lương từ nguồn ngân sách của dân thì phải có trách nhiệm giám sát, làm việc một cách cụ thể, rõ ràng, không cho các nhà mạng tự gửi tin nhắn tới người tiêu dùng, khách hàng.

Về phía nhà mạng tôi cũng cho rằng việc làm đó là không đúng. Bởi vì chưa có sự đồng ý của khách hàng mà máy tự động tính tiền cước phí chứng tỏ còn nhiều vấn đề bất cập”, LS Lê Vi nói.

Người dân e ngại khởi kiện

Nhắc về câu chuyện nhà mạng “bẫy” người tiêu dùng, LS Lê Cao khẳng định hành vi gây nhầm lẫn cho khách hàng là bị cấm. Về nguyên tắc nếu gây nhầm lẫn mà gây ra các giao dịch với khách hàng thì các giao dịch này bị vô hiệu do nhầm lẫn.

Do đó, không xác lập các quyền nghĩa vụ và người tiêu dùng có không có nghĩa vụ thanh toán tiền cho giao dịch bị vô hiệu do nhầm lẫn, người tiêu dùng cũng có thể khởi kiện bên có lỗi trong việc để xảy ra các giao dịch này phải bồi thường các thiệt hại.

Tuy nhiên, điều LS đoàn Đà Nẵng e ngại là nhà mạng thường rất chắc ăn cầm tiền trước của khách hàng. Hơn nữa họ lại có quyền ngừng cung cấp dịch vụ khi người tiêu dùng không thanh toán tiền cho các giao dịch nhầm lẫn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ma-tran-tin-nhan-bay-khach-hang-vi-sao-khong-kien-3319839/