Ma trận số liệu kinh tế Trung Quốc

“Số liệu về tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc khá êm ái mà bạn không thể tìm thấy điều đó ở các nền kinh tế lớn khác”. Nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics châu Á nhận định.

Từ lâu, nhiều nhà đầu tư có quan điểm hoài nghi đã đặt ra những câu hỏi xung quanh tính xác thực của các số liệu kinh tế Trung Quốc , đặc biệt là tốc độ tăng trưởng GDP thực .

Trong khi phải đối mặt với nhiều vấn đề trở ngại như biến động giá dầu cực mạnh trong khoảng 35-114 USD/thùng, xuất khẩu chuyển từ tăng trưởng sang suy giảm, thị trường chứng khoán bất ổn và có lúc rơi vào khủng hoảng, Trung Quốc báo cáo một lộ trình giảm đều đặn khiến các quốc gia khác không khỏi nghi ngờ. Trong 6 quý tính đến quý 4/2015, tốc độ tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc lần lượt là 7,1%, 7,2%, 7%, 7%, 6,9%, và 6,8%.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào số liệu về tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa, bức tranh kinh tế Trung Quốc lại hiện lên với một tông màu khác.

Độ chênh lệch giữa tăng trưởng GDP thực (đường màu xanh) và tăng trưởng GDP danh nghĩa (đường màu hồng).

“Trong khi tốc độ tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc giảm 0,2% so với quý III năm ngoái, tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa tăng 1,3%. Điều đó giải thích lý do tại sao giới chức lại đang kìm nén một đà kích thích tăng trưởng mạnh”. Harrison Hu – nhà kinh tế trưởng tại Royal Bank of Scotland tại Singapore nhận định.

GDP danh nghĩa là tổng sản phẩm quốc nội bao gồm giá trị sản lượng hàng hóa và dịch vụ cuối cùng tính theo giá hiện hành. Do vậy GDP danh nghĩa còn gọi là GDP theo giá hiện hành và sự gia tăng GDP danh nghĩa hàng năm có thể có yếu tố lạm phát. Theo đó, GDP thực tế được đưa ra nhằm điều chỉnh lại những sai lệch như sự mất giá của đồng tiền trong việc tính toán GDP danh nghĩa để có thể ước lượng chính xác hơn số lượng hàng hóa dịch vụ thực sự tạo thành GDP.

Nhưng Harrison Hu lại nhận định: “Tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc phản ánh chính xác hơn tốc độ tăng trưởng GDP thực. Tốc độ tăng trưởng thực có vẻ đã được làm mượt”.

Giới làm chính sách Trung Quốc nên nhìn vào tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa để cân nhắc, đưa ra những động thái trong hiện tại và tương lai cho phù hợp. Từ chỉ số này có thể thấy ở thời điểm hiện tại Trung Quốc không cần phải nới lỏng quá nhiều. Tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể sẽ duy trì đà tăng cho đến hết quý II/2017.

Khác biệt về tăng trưởng GDP danh nghĩa tại các tỉnh Trung Quốc.

Hôm thứ 3, Tổng Cục thống kê Trung Quốc công bố bộ số liệu về tốc độ tăng trưởng ở cấp địa phương trong giai đoạn nửa đầu năm 2016. Theo đó, GDP danh nghĩa phân hóa rõ ràng tại một số tỉnh thành. Các tỉnh vành đai sắt như Sơn Tây và Liêu Ninh có tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm mạnh đến -2%, trong khi Phúc Kiến có tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa tăng đến 13%. Tốc độ tăng trưởng GDP thực và GDP danh nghĩa tại một số tỉnh thành cũng tồn tại một khoảng cách lớn.

Khác biệt giữa tăng trưởng GDP thực và GDP danh nghĩa tại một só tỉnh.

Bên cạnh đó, sự chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa và tốc độ tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc còn cho thấy hạn chế trong việc sử dụng công cụ đo đạc truyền thống (GDP thực) trên toàn cầu. Sự nổi dậy của thương mại điện tử và những nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ như Airbnb khiến cho việc định giá một sản phẩm trở nên khó khăn.

Đối với Harrison Hu, tăng trưởng GDP danh nghĩa là một công cụ tốt để dự đoán cả xu hướng mang tính chu kỳ và xu hướng mang tính cấu trúc. Ông cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vào cuối năm sẽ chịu áp lực giảm tốc tăng cường và sau đó sẽ có một "hỗ trợ nhỏ", thay vì cắt giảm lãi suất hoặc tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Anh Sa

Theo Trí thức trẻ/Bloomberg

Nguồn CafeF: http://cafef.vn/ma-tran-so-lieu-kinh-te-trung-quoc-20160825125137646.chn