“Ma hút” nơi thượng nguồn sông Mã

GiadinhNet - Sau khoảng 30 giây thao tác, ông Cán thổi từ chiếc ống tre vàng óng ra một mảnh đạn đen kịt.

Trước sự kinh ngạc đến tột độ của những người chứng kiến, ông chậm rãi liếm ngon lành lưỡi dao phay đã được nung đỏ rực trong bếp lửa và thổi phù phù vào vết thương của người bệnh. Học "phép lạ" nơi đất Thượng Lào Vượt qua quãng đường gần 500 cây số, chúng tôi có mặt ở bản Pá Công, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khi trời chiều đã muộn. Nói đến "ma hút" Vi Văn Cán, gã xe ôm bản xứ không cần hỏi lại lần thứ 2 mà rồ ga phóng thẳng một mạch theo đường quốc lộ 4G đưa chúng tôi lạc vào giữa những ngôi nhà sàn rộng lớn của tộc người Xinh Mun hiền lành, hiếu khách. Đã quá quen với sự viếng thăm của những người khách lạ, bà Vi Thị Lệ, vợ ông Cán, đưa chúng tôi vào gian giữa ngôi nhà sàn, cũng là nơi ông Cán đang nằm điều trị căn bệnh liên quan đến não mới phát hiện mấy tháng nay. Nhìn người đàn ông mặt tái xanh đang nằm mệt mỏi trên chiếc đệm mút cũ mèm, chúng tôi không thể hình dung được đây chính là "ma hút" Vi Văn Cán danh tiếng lẫy lừng khắp vùng đất nơi thượng nguồn sông Mã này. Biết chúng tôi là nhà báo lặn lội từ Thủ đô Hà Nội về thăm, ông Cán cố chống chọi với cơn chóng mặt thường trực để ngồi lên tiếp chuyện. Bà Lệ cho biết, ông Cán bỗng dưng bị mệt từ trước Tết Canh Dần. Khi đưa xuống khám ở Bệnh viện 108 ở Hà Nội, các bác sĩ xác định ông bị bệnh não và không thể chữa khỏi. Từ đó đến giờ, ông Cán chỉ nằm bệt một chỗ, những khi có người bị thương đến nhờ hút đạn hoặc hút xương thì phải cố gắng lắm ông mới có thể ngồi dậy chữa cho họ được. Cách đây mấy ngày, có người ở dưới huyện Mộc Châu bị trúng đạn súng săn rất nặng, người nhà lên mời ông xuống cứu nhưng sức khỏe yếu quá nên ông đành phải lắc đầu. Thấy chúng tôi bán tín bán nghi về những lời đồn đại xung quanh khả năng hút đạn bằng ống tre của chồng, bà Vi Thị Lệ xăm xắn chỉ cho chúng tôi xem một bức ảnh treo trên tường chụp một người đàn ông mặc comple và một người đàn bà mặc bộ quần áo truyền thống của người Xinh Mun. Qua sự giới thiệu của bà Lệ, chúng tôi được biết người đàn ông trong ảnh chính là ông Lường Văn Hối, bố đẻ của bà và cũng là thầy truyền nghệ cho người con rể Vi Văn Cán. Bằng chất giọng ngọng nghịu của một người nói tiếng Kinh chưa sõi, bà Lệ kể cho chúng tôi nghe về kỳ duyên học được "phép lạ" của cha bà khi bị quân Pháp bắt đi lính bên đất nước Triệu Voi (Lào). Thời kỳ giặc Pháp xâm lược nước ta, ông Hối cũng như nhiều thanh niên các dân tộc ít người khác đã bị giặc bắt làm lính dõng. Khi quân Pháp nhảy sang xâm lược vùng Thượng Lào, ông Hối bị buộc đi theo và đóng quân tại đó. Trong một lần chiến đấu bị thương, ông và một số đồng đội chạy lạc vào bản người Xinh Mun ở Sầm Nưa và được một thầy phù thủy ra tay chữa trị giúp vết thương. Thấy cả 3 chàng trai trẻ đều cảm phục khả năng chữa bệnh lạ kỳ của mình và muốn xin bái sư học nghệ, ông thầy phù thủy đã thử lòng họ bằng cách lần lượt cho vợ mình vào chỗ ngủ của từng người. Chỉ duy nhất ông Hối không động vào vợ của ân nhân nên ông thầy cho rằng ông là người hiền lành, tử tế nên quyết định thu nhận làm đệ tử. Trong những ngày ở đất Thượng Lào, ông Hối đã được thầy dạy cho cách hút các dị vật trong người bằng ống tre, làm bùa ngải, chế bài thuốc từ lá rừng để chữa các căn bệnh hiểm nghèo. Hút đạn bằng ống tre cứu người Học nghệ tinh thông, ông Hối lại trở về bản làng với vợ con và tiếp tục cuộc sống thanh bần hàng ngày với công việc nương rẫy. Tuy nhiên, mỗi khi trong bản có người bị ốm đau, thương tích, ông lại ra tay cứu chữa giúp mà không nhận một đồng thù lao nào. Đặc biệt, khi súng kíp vẫn còn là "con dao đi rừng" của người dân Tây Bắc thì kỳ nghệ hút đạn bằng ống tre đã đưa danh tiếng "ma hút" Lường Văn Hối nổi danh khắp dải đất vùng biên và lan xa xuống tận các thị thành xa ngái. Khi tuổi già đè nặng đôi vai, ông Hối bắt đầu đi tìm kiếm truyền nhân. Cũng có vài người đạo đức trong sáng được ông lựa chọn nhưng đáng tiếc là không ai có thể đi đến cùng con đường khổ luyện. May mắn sao, cuối cùng người con rể Vi Văn Cán đã được "trời chọn" để giúp ông lưu giữ tuyệt kỹ đời người. Ông Vi Văn Cán kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu gian nan học nghề từ bố vợ. "Yêu cầu đầu tiên để có thể học được tuyệt kỹ của ông cụ là tôi phải kiêng khem rất nhiều thứ. Trong 3 năm đầu, tôi không được ăn thịt chim, thịt khỉ, thịt rắn, thịt ba ba... và không được ở gần đàn bà suốt 2 năm liền. Nếu phạm phải một trong những quy định này thì sẽ mãi mãi không bao giờ học được nữa. Ban ngày, cụ dạy tôi các thủ pháp chữa bệnh, các thủ thuật tiếp nhận linh khí của trời đất. Có những thủ pháp rất lạ như ngồi thiền suốt 1 tháng liền nơi đầu nguồn con suối, thấy bất cứ có vật lạ nào trôi theo dòng nước xuống đều phải đưa miệng hứng lấy. Buổi tối, cụ mới truyền cho tôi các bài chú khấn ma bằng tiếng của thần linh. Đầu tiên ông cụ dạy tôi học cách lấy xương cá, xương gà bị hóc trong cổ họng. Khi nào hút xương động vật thành thục thì mới chuyển sang hút đạn”. Sau 30 năm hành nghề cứu người, ông Cán đã giúp hàng nghìn người hút các dị vật nguy hiểm ra khỏi cơ thể, trong đó phần lớn là đầu đạn, mảnh đạn. Trường hợp ông Cán nhớ nhất là một người ở cao nguyên đá Hà Giang bị dính đến 102 mảnh đạn súng kíp khắp phía trước người. Sau nhiều lần kiên trì tìm và hút, ông Cán đã giành lại được mạng sống cho chàng thanh niên đó. Tiếng lành đồn xa, có thời gian, ngày nào ông cũng đón nhận vài ca trúng đạn hiểm nghèo. Dẫu chữa được nhiều bệnh nhân như vậy nhưng đến nay gia đình ông vẫn sống nghèo nàn, đạm bạc vì ông không lấy tiền công của người bệnh bao giờ. Người bệnh muốn trả công ông thì mang đến bao khoai, tải gạo. Tài sản giá trị nhất trong nhà ông Cán có lẽ là cái tủ lạnh Sanyo do gia đình một người ở Bắc Giang bị đạn bắn vào bụng và ngực. Nhờ ông Cán hút đạn thoát chết nên đã mua tặng. Tuyệt kỹ liếm dao nung đỏ Trong khi chúng tôi đang trò chuyện cùng vợ chồng "ma hút" Vi Văn Cán thì có một người đàn ông đưa người nhà đến tìm ông Cán nhờ chữa bệnh. Người khách muộn này là anh Vũ Xuân Trường ở bản Trại Giống, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Năm 2008, anh Trường đã từng đưa anh vợ mình là anh Vũ Quý Dương ở Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình đến nhờ ông Cán hút giúp 4 mảnh lựu đạn đã nằm trong cơ thể gần 30 năm qua. Tín nhiệm tài nghệ của ông Cán, anh Trường tiếp tục giới thiệu anh Nguyễn Xuân Vịnh, là em họ của mình đang trú tại tổ 3, phường Trường Chinh, TP. Sơn La lên nhờ ông Cán hút giúp những mảnh đạn còn nằm trong cơ thể từ hồi chiến tranh. Trao đổi với chúng tôi, anh Vịnh cho biết: "Trước đây tôi đi bộ đội đóng quân ở Quản Bạ, Hà Giang. Trong một trận chiến đấu với kẻ địch, tôi bị hàng chục mảnh đạn găm vào cơ thể. Khi đưa về bệnh viện cấp cứu thì các bác sĩ bảo có gần 20 mảnh không thể mổ để lấy ra vì nằm gần các dây thần kinh. Từ đó đến nay tôi vẫn chung sống cùng những mảnh đạn này. Cách đây ít lâu, tôi bị đau lưng phải vào bệnh viện khám nhưng chụp chiếu cũng không thấy mảnh đạn vì nó đã bị che lấp. Bị cơn đau lưng hành hạ, tôi mới lặn lội lên đây nhờ thầy Cán giúp đỡ để lấy các mảnh đạn tai ác ra khỏi cơ thể". Trước đó, ông Cán đã hút giúp anh Vịnh 2 mảnh đạn ra ngoài. Do đang ốm nặng nên ông không có đủ sức khỏe để làm liền một mạch như trước mà phải chia ra nhiều lần trong nhiều ngày. Đây là lần thứ 2 ông giúp anh Vịnh hút đạn và cũng là lần chúng tôi may mắn được tận mục sở thị hiện tượng kì lạ này. Anh Vịnh cho biết, ở những nơi mà ông Cán hút đạn ra gần như không nhìn thấy dấu vết vết thương. Khi về nhà, anh cũng không thấy đau đớn hay chảy máu ở những nơi đó. Chỗ bắp chân thấy dễ chịu hơn nhiều dù mới chỉ lấy ra được 2 mảnh đạn. Lấy từ đầu giường nằm ra chiếc mâm tre đựng đồ cúng lễ, ông Cán bê ra phía cửa sổ gian nhà để chuẩn bị những thủ tục khấn bái trước khi hút đạn. Trong khi ông Cán bê bát nước lá tre và cây nến sáp ong lầm rầm những lời khấn khó hiểu, chúng tôi tranh thủ quan sát chiếc mâm đựng đồ cúng của ông. Theo đó, mỗi người đến nhờ ông Cán hút đạn hoặc xương động vật thì phải chuẩn bị đồ cúng gồm 1 sải khăn piêu, 2 sải vải trắng, 2 sải vải đỏ, mấy cân gạo, 2 quả trứng gà, 2 lá tre và 1 cây nến sáp ong. Sau bài khấn, ông Cán bắt đầu đưa cây nến đang cháy đỏ ngậm vào trong miệng vài lần rồi thổi hơi nóng vào bắp chân anh Vịnh, nơi được xác định là có nhiều mảnh đạn đang cư ngụ. Sau khi soi ngọn nến vào bắp chân bệnh nhân để nhìn cho rõ vị trí vết đạn và để "ma nhận diện", ông Cán bắt đầu lấy ra một đoạn ống tre dài khoảng 30cm, một đầu đặt vào chỗ có vết đạn, một đầu ông ngậm vào miệng và bắt đầu hút. Chưa đầy một phút sau, trán ông Cán đã túa mồ hôi. Ông dừng hút, đưa chiếc ống vào miệng một cốc rượu nhỏ và thổi ra một mảnh đạn đen xì trước sự kinh ngạc của chúng tôi. Sự kinh ngạc càng lên tới tột đỉnh khi ông Cán đón con dao phay được nung đỏ rực mà bà Lệ vừa mang từ bếp lên và thản nhiên đưa vào lưỡi liếm. Tiếng xèo xèo của nước miếng khiến cho những người yếu bóng vía không dám nhìn thẳng vào màn biểu diễn có một không hai này. Sau mỗi lần liếm như thế, ông Cán lại thổi hơi nóng vào vết thương của bệnh nhân để vết thương không chảy máu và không đau. Lần thứ 2 cũng với những thủ thuật như lần trước, ông Cán lại hút ra một mảnh đạn nữa và cho vào cốc rượu. Dù đã xem đến lần thứ 2 nhưng chúng tôi cũng không khỏi rùng mình khi ông Cán tiếp tục liếm lưỡi dao nung đỏ ngon lành như đứa trẻ mút que kem. Cơn chóng mặt bất chợt ập đến khiến ông Cán đành phải xin lỗi bệnh nhân để đi nghỉ. Con dao phay trên tay được ông ném vào chậu nước lã để cạnh, rộn lên những tiếng xèo xèo và bốc khói nghi ngút. Chiều các nhà báo, ông lè lưỡi cho chúng tôi xem và đúng là chúng tôi không thể tìm đâu ra một vết tổn thương ở lưỡi và miệng của ông Cán. Giải thích cho hiện tượng lạ này, ông Cán cho biết khi con dao được nung đến độ đỏ rực và người thực hiện việc liếm dao có niềm tin vào thần linh thì sẽ không bị bỏng. Còn nếu nung dở dở ương ương và không đủ niềm tin thì sẽ bị bỏng lưỡi và không bao giờ thực hiện lại được nữa. Nhắm nghiền mắt vì bị cơn đau đầu hành hạ, ông Cán vẫn không quên bày tỏ nỗi lo lắng về việc tìm truyền nhân khi sức khỏe của ông đang ngày một kém đi. Đáng tiếc là 2 người con trai của ông dù đã rất cố gắng nhưng cũng đều không học được tuyệt kỹ của ông ngoại và bố. Ông lo sợ rằng đến một ngày ông về với tổ tiên, tuyệt nghệ của ông sẽ bị thất truyền và sẽ có hàng trăm, hàng nghìn người mất đi cơ hội được chữa bệnh hiểm nghèo. Rời Pá Công khi trời Tây Bắc đã chìm vào màn đêm sâu thẳm, chúng tôi cứ thấy bâng lâng như vừa đi qua một miền thần thoại với những phép lạ diệu kỳ. Không bàn tới những yếu tố tâm linh, chúng tôi nghĩ rằng khả năng hút đạn và liếm dao nung đỏ thổi hơi nóng giúp giảm đau của những "dị nhân" nơi thượng nguồn sông Mã như ông Hối, ông Cán quả là một điều bí ẩn mà khoa học cần quan tâm nghiên cứu. Nếu khả năng chữa bệnh của họ là có thật thì cần phải có biện pháp bảo tồn và phát huy những tuyệt kỹ độc đáo này để phục vụ rộng rãi cho cộng đồng xã hội. Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói, đó là tất cả những độc giả đọc bài viết này đừng cố làm theo những điều ông Cán làm, kẻo mang vạ vào thân, bởi không phải ai cũng có khả năng như vậy. Nguyễn Thắng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/2011012503393164p1146c1151/ma-hut-noi-thuong-nguon-song-ma.htm