M.U trước bài toán về tương lai của David Moyes

(Bình luận bóng đá) - Ở Premier League, trường hợp của Arsene Wenger có thể coi là hi hữu. Chiến lược gia người Pháp đã gắn bó với Arsenal kể từ năm 1996. Sự kiên nhẫn mà “Pháo thủ” giành cho “Giáo sư” đã mang lại những thành tựu đáng kể. Song, điều tương tự có lẽ không xảy ra với David Moyes.

Chelsea đang thăng hoa cùng Hazard… Balotelli nhận con gái: Fico xúc tiến kế hoạch “đào mỏ” bị dang dở

Cuộc đối đầu giữa Arsene Wenger và David Moyes rất thú vị khi xem xét đến thời gian làm việc của hai vị chiến lược gia này. Wenger đã gắn bó với Arsenal gần hai thập kỷ, trong khi Moyes chỉ bắt đầu công việc ở M.U chưa đầy một năm.

Không thể nói rằng Wenger không trải qua những giai đoạn khó khăn với Arsenal. Khoảng hơn hai năm trước, hội CĐV của Arsenal đã làm bản kiến nghị dài bảy trang giấy để “kể tội” vị chiến lược gia người Pháp, đồng thời yêu cầu lãnh đạo CLB sa thải ngay ông thầy này.

Tuy nhiên, bất chấp thời gian dài “khát” danh hiệu, lãnh đạo Arsenal vẫn giành cho “Giáo sư” sự ủng hộ gần như tuyệt đối. Cụ thể, người nắm nhiều cổ phần nhất của Arsenal, tỷ phú Stan Kroenke không ít lần công khai lên tiếng bảo vệ Wenger trước sự phẫn nộ từ CĐV.

M.U trước bài toán về tương lai của David Moyes

Rõ ràng, là một người biết tính toán, Stan Kroenke có thể thấy những lợi ích mà Wenger đã và đang mang lại. CLB đã gần như thoát khỏi nợ nần sau khi xây dựng SVĐ Emirates, đồng thời họ liên tục góp mặt tại Champions League.

Dẫu vậy, mô hình mà Arsenal đang theo đuổi không thể là hình mẫu để M.U học tập. Tức là, Moyes cũng không thể có nhiều thời gian và sự ủng hộ như Wenger đã và đang nhận được.

Đôi khi, kiên nhẫn là nhu nhược

Bóng đá hiện tại là một ngành kinh doanh nhiều tỷ đô-la. Một CLB đỉnh cao phải đảm bảo nguồn thu cực kỳ lớn nhằm duy trì hoạt động. Muốn đạt được điều này, họ phải liên tục chinh phục danh hiệu hòng thu hút CĐV.

Đội bóng càng có lượng CĐV đông đảo, họ càng trở thành thương hiệu đắt giá và nhận được những khoản tiền kếch xù từ bản quyền truyền hình, tài trợ áo đấu… Tất cả là một vòng khép kín. Như vậy, bất cứ một công đoạn này gặp trục trặc, chuỗi dây chuyền sẽ không thể hoạt động.

Đối với đội bóng chịu sức ép nợ nần như M.U (theo báo cáo tài chính tạm tính niên khóa 2013, “Quỷ đỏ” đang nợ khoảng 350 triệu bảng), họ không được phép thất bại trên mặt trận kinh doanh.

Nói cách khác, M.U buộc phải giữ vững hình ảnh của đội bóng thành công nếu không muốn rơi vào khủng hoảng. Vì lý do này, M.U không thể cho Moyes nhiều thời gian. Đối diện với nguy cơ không được dự Champions League mùa sau, tình hình kinh doanh của M.U chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Họ sẽ mất khoản tiền thưởng lớn từ UEFA (trên dưới 50 triệu bảng), đồng thời không còn là đích đến hấp dẫn dành cho các ngôi sao. Từ đó, đội bóng càng trở nên yếu hơn trong những năm tiếp theo.

Tom Simmons

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/bong-da/binh-luan-bong-da/mu-truoc-bai-toan-ve-tuong-lai-cua-david-moyes-3000942/