M.Mitchell - tác giả cuốn tiểu thuyết 'Cuốn theo chiều gió' nghĩ gì?

Ở Việt Nam, cuốn tiểu thuyết cổ điển nước ngoài được phổ biến nhất có lẽ là Những người cùng khổ của nhà văn lãng mạn Pháp Victor Hugo (Vichto Huygô). Cuốn tiểu thuyết nước ngoài hiện đại được phổ biến nhất có lẽ là Cuốn theo chiều gió của nữ nhà văn Mỹ Mitchell (Mít-sen) (1900-1949).

Cả hai tác phẩm của Hugo và Mitchell đều đi sâu thêm vào quần chúng nhờ điện ảnh.

Có điều khác nhau giữa hai nhà văn: Victor Hugo thuộc loại nhà văn cự phách của Pháp, viết rất nhiều tác phẩm, Mitchell chỉ là một nhà viết tiểu thuyết Mỹ hấp dẫn, cả đời viết có một tác phẩm văn chương. Bà Margaret Mitchell viết Cuốn theo chiều gió (1936) trong một thời gian dài điều trị ở bệnh viện.

Margaret Mitchell và chiếc máy đánh chữ hiệu Remington dùng để soạn thảo Cuốn theo chiều gió.

Tác phẩm văn học Cuốn theo chiều gió được giải thưởng văn học Pulitzer (Pulitzơ) năm 1937, được dịch sang ba chục thứ tiếng và bán được trên hai mươi triệu bản. Phim Cuốn theo chiều gió là tác phẩm của nhà sản xuất điện ảnh Selznick hơn là của đạo diễn V.Pleming. Phim “hái ra tiền” trong mấy chục năm được chiếu đi chiếu lại ở nhiều nước trên thế giới. Hai tài tử nổi danh là Vivien Leigh và Clark Gable. Tác phẩm nói lên nỗi đau khổ của con người bị số phận vùi dập, rất thích hợp với tâm trạng đau buồn của công chúng Mỹ vào những năm 30 của “cuộc đại khủng hoảng kinh tế”. Cùng một số phim khác, tác phẩm cũng mang lại sự an ủi cần thiết đã khiến cho người Mỹ trong thập kỷ 30, công nghiệp điện ảnh Mỹ phát triển, không bị khủng hoảng như những ngành khác. Cũng vì lý do ấy, loại tiểu thuyết lịch sử như Cuốn theo chiều gió được độc giả tìm đọc để giải khuây trong thời gian đại khủng hoảng kinh tế.

Truyện viết theo bút pháp hiện thực, nhưng nhiều chi tiết lịch sử bị bóp méo và có những đoạn trữ tình hơi “sướt mướt”, “mêlô”.

Truyện kể về cuộc đời ba chìm bảy nổi của một cô gái thuộc giới điền chủ giàu sang miền Nam trong bối cảnh Cuộc nội chiến Nam - Bắc (1860-1865) và công cuộc xây dựng lại sau chiến tranh. Scarlett đẹp sắc sảo, có cá tính, bướng bỉnh, thực tế, hay lợi dụng người khác. Một cô gái trắng trợn như vậy lại yêu say đắm và một cách vô tư lý tưởng anh chàng đẹp trai hiền lành Ashley. Mối tình tuyệt vọng vì Ashley lại lấy cô em gái dịu hiền của cô là Melanie mà cô rất thương mến, vả lại rồi Ashley cũng chết trận. Hai lần bị góa, Scarlett cuối cùng lấy Rhett, một người ngang tàng, vụ lợi nhưng cơ bản tốt bụng, tính tình cũng gần giống như mình. Scarlett xây dựng lại cơ nghiệp bị chiến tranh tàn phá, chứng kiến cái chết của đứa con gái yêu thương, hắt hủi chồng và cuối cùng yêu chồng, quên mối tình thời niên thiếu.

Ngẫm cho cùng, Cuốn theo chiều gió là một tác phẩm “phản tiến bộ” vì nó tô vẽ cho giới địa chủ miền Nam và bênh vực chế độ nô lệ. “Một huyền thoại trước nội chiến, vẫn còn phổ biến mãi cho đến Cuốn theo chiều gió của Michell, miêu tả những người lao động bất đắc dĩ (nô lệ) ấy là được ăn mặc đầy đủ và đối đãi tử tế. Bức tranh ấy hẳn có thể phù hợp với một số đồn điền, vì những chủ nô chỉ có những lúc nào đó mới ngu xuẩn đến mức tự mình lại đi phá hoại vốn đầu tư của mình bằng cách bắt nô lệ đói và ngược đãi họ. Nhưng thể chế nô lệ, trong những trường hợp tốt đẹp nhất, cũng khó mà có thể sạch sẽ được, và hình ảnh “người da đen sung sướng” là một hư cấu có ý đồ”. (Theo Ted Tuleja, American history in 100 nutshells).

Riêng cái tên Cuốn theo chiều gió cũng gợi vang bóng một thời vàng son. “Gone with the wind” là một thành ngữ có nghĩa:

1. Chuyện như gió cuốn đi, không còn để lại gì.

2. Chuyện định làm lại thôi, hão huyền.

Do đó, dịch tiếng Việt “Gone with the wind” thì chưa thật sát nghĩa vì ý chính là “theo chiều”, chứ không phải “gió cuốn mất đi”.

Trong tác phẩm, nhất là trong phim gây ấn tượng nhất là những hình ảnh trận đánh Atlanta thành phố của liên quân miền Nam bị tướng Sherman cho tiêu hủy.

Sau đây là một số suy nghĩ của Mitchell:

Ngày mai sẽ là một ngày khác.

Cũng như các người chồng khác, anh ta thất vọng vì nhìn thấy vợ mình quá thông minh.

Em yêu hỡi, em có ý nghĩ trẻ con quá. Em tưởng tượng là chỉ cần nói “Em rất tiếc” để tất cả những lỗi lầm, tất cả những sự đau khổ có thể xóa khỏi trí nhớ, để tất cả những vết thương cũ được rửa sạch độc hại xưa.

Cuộc đấu tranh ấy mà, giống như uống rượu sâm banh. Nó nhanh chóng làm say những kẻ hèn nhát cũng như những người anh hùng. Bất cứ tên ngu độn nào cũng có thể hành động dũng cảm trên chiến trường là nơi người ta không có cách nào chọn giữa can đảm và cái chết.

Rốt cuộc thì xảy ra các điều đã tưởng xảy ra nghĩa là: mỗi khi một nền văn minh đổ sụp, những người thông minh và can đảm chấp nhận sự thách thức còn những kẻ khác thì sẽ bị loại trừ.

Không có khả năng sẵn có dám nhìn sự thật trần truồng, đó là một sự tự nguyện. Trước khi có chiến tranh, cuộc đời đối với tôi cũng hư ảo như những cái bóng của đèn kéo quân. Và tôi thích nó như vậy. Tôi không thích những cái gì rõ nét. Tôi muốn cái gì cũng hơi mờ mờ.

Hữu Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mmitchell-tac-gia-cuon-tieu-thuyet-cuon-theo-chieu-gio-nghi-gi-n124203.html