M&A: hãy kỳ vọng thôi, đừng viển vông!

Chưa bao giờ mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bán lẻ lại sôi động như những năm gần đây. Nhiều doanh nghiệp đã thành công khi có thêm nhà đầu tư chiến lược, hoặc bán doanh nghiệp với mức thu lãi cao. Trong một số trường hợp doanh nghiệp khi bán cổ phần hãy chấp nhận giá phù hợp, thay vì đòi hỏi những mức giá “trên trời”, để thương vụ có thể thành công như mong đợi. Đó là chia sẻ của ông Richard Fitton, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty tư vấn cho những thương vụ M&A ngành bán lẻ lớn nhất gần đây với TBKTSG.

Ông Richard Fitton.

TBKTSG: Những chuyển biến nào trong hoạt động M&A của ngành bán lẻ ông cho là đáng nhớ nhất trong các năm qua?

- Ông Richard Fitton: Tôi cho rằng yếu tố đầu tiên phải nói đến là sự chuyển biến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và cả trong nước về việc sở hữu cổ phần của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Họ đã thực sự hào hứng hơn với lĩnh vực này. Trong con số hơn 4 tỉ đô la Mỹ cho các thương vụ M&A năm 2015, có đến 38% đến từ lĩnh vực tiêu dùng bán lẻ. Con số này hứa hẹn sẽ tiếp tục cao hơn trong 2016.

Những công ty lớn trong nước như Masan và Vingroup rất tích cực trong lĩnh vực M&A bên cạnh nhiều công ty nước ngoài.

Xu hướng dịch chuyển này được cảm nhận rõ ngay tại công ty của chúng tôi (VCSC). Chúng tôi đã tư vấn cho các thương vụ như bán cổ phần của Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim cho Central Group, một công ty bao bì trong nước bán cổ phần cho Korean Dongwon Group, một công ty phân phối thực phẩm trong nước bán cho tập đoàn Kato Sangyo đến từ Nhật Bản. Và chúng tôi cũng đã hoàn tất thương vụ bán chuỗi siêu thị lớn thứ hai tại Việt Nam, Big C cho Central Group, thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay với giá trị hơn 1 tỉ euro.

TBKTSG: Liệu “chợ” M&A trong lĩnh vực bán lẻ có thể tiếp tục nhộn nhịp trong các năm tới không?

- Tôi nghĩ “chợ” này trong các năm tới sẽ còn mua bán sầm uất hơn so với hiện nay.

Đối với kênh bán lẻ hiện đại, với ngành thực phẩm và phi thực phẩm đều có chặng đường dài để đi tiếp. BHai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn, ở Việt Nam, thực sự nhiều người vẫn đang mua thực phẩm và các mặt hàng khác tại các chợ hay cửa hàng tạp hóa. Vì vậy tôi cho rằng vẫn có nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư tại các thành phố như Cần Thơ, Hải Phòng, các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, nơi bắt đầu có sự chuyển dịch sức mua từ kênh bán lẻ truyền thống sang hiện đại, dù chưa lớn. Đơn cử như Saigon Coop đang đi đầu trong việc chuyển dịch địa bàn hoạt động, liên tục mở siêu thị tại các tỉnh trong các năm gần đây và có hệ thống siêu thị lớn nhất nước.

Tôi nghĩ rằng trung tâm mua sắm hiện bắt đầu quen thuộc với nhiều người, đó là cơ hội lớn. Hiện nay chúng tôi cũng đang tiếp tục tư vấn thực hiện các thương vụ mua bán sáp nhập trong mảng bán lẻ hiện đại.

TBKTSG: Thưa ông, vì đâu mà Việt Nam lại trở thành điểm đến của dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ trong khi thị trường Thái Lan, Malaysia đang rất nhộn nhịp?

- Theo tôi, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam vì tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, quy mô dân số lớn, GDP/đầu người ngày càng tăng, (tầng lớp trung lưu sẽ phát triển gấp ba lần kể từ 2012 đến 2020) ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng. Điều này góp phần báo hiệu cho chu kỳ sinh lời dài hạn cho các nhà đầu tư nắm bắt được cơ hội.

Trong điều kiện kinh tế toàn cầu hiện nay với lãi suất ngày càng trở nên kém hấp dẫn ở các nước phương Tây và Nhật Bản, tình hình kinh tế và chính trị bất ổn ở các quốc gia BRICs (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), và bất ổn chính trị ở các nước ASEAN như Thái Lan và Malaysia, đã khiến nhà đầu tư chuyển hướng sang các thị trường cận biên như Việt Nam, tìm kiếm cơ hội sinh lời và một thể chế chính trị ổn định.
Việc bỏ trần sở hữu nước ngoài (FOL) dành cho các công ty niêm yết, giúp các nhà đầu tư nước ngoài có sự linh hoạt hơn trong việc mua/bán cổ phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư tài chính cũng sẽ giúp các hoạt động M&A ngày càng gia tăng.

TBKTSG: Các lĩnh vực khác có được thụ hưởng các tín hiệu tích cực như trên không, thưa ông?

Mảng logistics, bao gồm cả phân phối, sẽ tiếp tục là một mục tiêu hấp dẫn đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Thái Lan. Diễn biến này sẽ tiếp tục gia tăng khi ngày càng có thêm các hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra các mảng như năng lượng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, dược, nội thất, sản xuất công nghiệp... cũng sẽ có cơ hội M&A.

Nhận thấy những tiềm năng trên, nên VCSC cũng đang kết nối để mang lại những cơ hội đầu tư vào thị trường trong tất cả các lĩnh vực cho các nhà đầu tư. Hiện tại chúng tôi đang thực hiện tư vấn hai thương vụ IPO lớn của hai doanh nghiệp Việt Nam, là hãng hàng không Vietjet Air và một doanh nghiệp bất động sản khá lớn tại TPHCM là Novaland. Chúng tôi dự kiến sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn.

TBKTSG: Bức tranh của ông vẽ ra rất sáng màu, nhưng đâu phải thương vụ nào cũng có thể thành công?

- Đúng vậy, cũng có một số thương vụ đàm phán M&A thất bại, chủ yếu là do hai bên không thỏa thuận được giá chuyển nhượng, cũng có thể do tình hình tài chính của bên bán không minh bạch. Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức rõ về sự cần thiết của việc quản lý tài chính hiệu quả. Một bảng cân đối kế toán lành mạnh là điều kiện tiên quyết nếu muốn tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp và thu hút các nhà đầu tư. Quy trình này cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt. Việc lựa chọn các công ty kiểm toán có uy tín là một khởi đầu tốt, và bổ nhiệm một Giám đốc tài chính (CFO) có năng lực và kinh nghiệm sẽ tạo thêm giá trị khi bán cổ phiếu.

Qua quá trình đàm phán, nhiều doanh nghiệp bán cổ phần dễ bị xao nhãng hoạt động kinh doanh chính, mà tập trung vào việc M&A, do đó, việc kinh doanh bị ảnh hưởng, gây khó cho nhà tư vấn như chúng tôi khi cố gắng giữ giá trị thương hiệu cho họ trước bên mua. Chú ý vào việc kinh doanh chính để giữ vững các chỉ số tốt là rất quan trọng khi doanh nghiệp muốn bán lượng lớn cổ phần cho đối tác.

Việc M&A với một đối tác nước ngoài để bán được doanh nghiệp giá cao là mong muốn của nhiều doanh nghiệp Việt. Song, nhiều doanh nghiệp khi chuyển giao lại kỳ vọng vào những mức giá “trên trời” vì cho rằng doanh nghiệp mình xứng đáng được giá cao, truyền thông cũng tác động lớn đến tâm lý này của doanh nghiệp vì vậy đến lúc đối tác mua chào giá mua hợp lý thì họ lại chần chừ. Theo kinh nghiệm, chúng tôi cũng sẽ kiểm soát cả kỳ vọng của phía doanh nghiệp muốn bán về mức giá hợp lý mà họ có thể nhận được khi M&A.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152355/ma-hay-ky-vong-thoi--dung-vien-vong.html/