Lý lịch bò làm khổ doanh nghiệp

Bộ NN-PTNT không có hướng dẫn cụ thể, cơ quan hải quan lúng túng trong việc xác định lý lịch bò thuần chủng khiến doanh nghiệp lâm vào thế khó, bị “mắc kẹt” ở giữa.

Cần những quy định rõ ràng trong nhập bò thuần chủng để doanh nghiệp phát triển đàn gia súc chất lượng cao Trần Hiếu

Tháng 9.2015, Công ty TNHH Vinaforest nhập về một lô 379 con bò cái giống Brahman đỏ từ Công ty bò Bắc Úc (North Australia Cattle Company), qua cảng Gò Dầu. Công ty đã hoàn tất hồ sơ liên quan và sau khi kiểm tra, Chi cục Hải quan Long Thành cho thông quan lô bò này.

“Bắt giò” lỗi chính tả

Tuy nhiên, sau đó Hải quan Long Thành xác định lại, thông báo hồ sơ xác nhận lý lịch bò giống của Vinaforest không hợp lệ. Cụ thể, giấy xác nhận lý lịch của Hiệp hội Chăn nuôi bò giống Brahman không thể hiện đầy đủ các tiêu chí nhập bò, viết sai chính tả tiếng Anh (sai tên giống bò Brahman...), nên không đủ cơ sở xác định bò thuần chủng. Từ đó, Vinaforest không được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% và chuyển sang áp thuế suất nhập khẩu 5%, tương đương hơn 432 triệu đồng.

Một công ty khác cũng gặp vướng mắc tương tự là Công ty cổ phần con giống Vinacattle. Tháng 11.2015, Vinacattle nhập 16 con bò giống, gồm 11 bò đực Brahman cùng 5 con bò Angus đỏ qua cảng Quy Nhơn và bị áp thuế suất 5%. Sau đó, công ty đề nghị áp thuế suất 0% theo quy định bò thuần chủng, song cơ quan hải quan lúng túng vì không đủ cơ sở xác định là bò giống thuần chủng hay không. Bởi trên giấy xác nhận, Vinacattle thiếu tiêu chí (tiềm năng sản xuất của cá thể vật nuôi và năng suất của bố mẹ, ông bà) tương tự Vinaforest, 2 giấy xác nhận lý lịch hình thức cũng khác nhau.

Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Vinaforest, trước đó Bộ NN-PTNT đã không có quy định cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp (DN) và các chi cục hải quan dựa vào làm cơ sở xác định. “Bắt giò DN lỗi chính tả hay thiếu tiêu chí trên giấy xác nhận, thì đó không phải là lỗi xuất phát từ DN. Bởi nếu có quy định cụ thể trước đó thì DN đã tuân thủ theo và yêu cầu đối tác chú ý. Đằng này cơ quan hải quan cũng “tá hỏa” gửi văn bản nhiều lần sang Bộ NN-PTNT để hỏi về các tiêu chí, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy xác nhận lý lịch, thậm chí không biết giấy xác nhận phải thống nhất về hình thức dựa theo quy định nào”, ông bức xúc. Thậm chí, theo Công văn số 1581 của Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT hướng dẫn, để biết thông tin về từng cá thể giống, mẫu giấy xác nhận lý lịch giống, cơ quan hải quan có thể vào trang web của hiệp hội giống các nước để tham khảo. “Cơ quan ban hành văn bản không có cơ sở đã làm khổ DN”, ông Lâm than.

Thiệt hại cả tỉ đồng

Theo hợp đồng giữa Vinaforest và Công ty bò Bắc Úc, mỗi con bò cái giống thuần chủng nhập về có giá 1.025 USD, tương đương hơn 22,88 triệu đồng, cao hơn giá bò thịt (khoảng 18 triệu đồng/con). Tổng số tiền lô bò nhập về hơn 8,6 tỉ đồng. “Nhập hàng về còn đang tính toán kinh doanh, công ty đã bị cơ quan hải quan thúc giục đóng thuế hơn 432 triệu đồng. Hải quan nói đây là khoản tạm nộp, sau này nếu xác định lại công ty đúng sẽ trả lại. Công ty tôi quy mô nhỏ, chạy ăn từng bữa, nộp hàng trăm triệu như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động. Tôi xin khoan thu hay giảm thu cũng không được. Công ty quá sức mệt mỏi, mất tinh thần khi cả công an kinh tế cũng vào cuộc, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế thuế”, ông bức xúc. Lâm vào thế khó, Vinaforest buộc phải bán đàn bò, chưa kể 18 con bò sổng chuồng lạc rừng, 24 con không đạt tiêu chuẩn làm giống và loại thải... Quá nhiều khó khăn đã khiến công ty lỗ hơn 1 tỉ đồng từ thương vụ đầu tư này”, ông Lâm cho biết.

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, những sai sót như lỗi chính tả chỉ là tiểu tiết mà trong quá trình ra giấy tờ các công ty thỉnh thoảng phạm phải, cơ quan nhà nước không nên “bắt giò” DN. Điều quan trọng cần xác định là sự sai sót chính tả, cũng như trên giấy xác nhận lý lịch con giống, những chỉ tiêu DN còn thiếu theo quy định có đến mức phải chuyển đổi mã số HS (mã phân loại hàng hóa), dẫn đến thay đổi mức thuế suất hay không? Nếu những chỉ tiêu hiện có trên giấy xác nhận đã thể hiện được phần nào là con giống thuần chủng, thì cơ quan nhà nước nên tạo điều kiện thông thoáng cho DN, nhất là trong trường hợp DN nhập hàng về khi quy định hướng dẫn còn chưa cụ thể, rõ ràng, ngay cả cơ quan nhà nước cũng còn vướng mắc, lúng túng.

Bên cạnh đó, thông thường, khi sự việc đang trong quá trình tranh cãi, khiếu nại chưa rõ ràng, thì cơ quan nhà nước có thể tạm thời khoan thu, tránh ảnh hưởng quyền lợi DN, mà chỉ cần DN cam kết nộp nếu việc xác định lại của cơ quan nhà nước là đúng quy định. “DN vẫn còn hoạt động, làm ăn lâu dài, có trốn tránh đi đâu được mà cơ quan nhà nước sợ? Tạo điều kiện cho DN hoạt động chính là nuôi dưỡng nguồn thu cho đất nước, nhất là trong bối cảnh nhiều DN còn khó khăn”, luật sư Xoa phân tích.

Hồng Sương

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/ly-lich-bo-lam-kho-doanh-nghiep-717573.html