Ly hôn sớm ở giới trẻ : Muôn vạn lý do

Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, đời sống vật chất con người dần được nâng cao, việc mưu sinh kiếm sống qua ngày không còn là vấn đề nặng nề với nhiều gia đình trẻ. Nhưng bên cạnh việc đời sống vật chất được nâng cao thì đời sống tinh thần lại đi xuống dẫn đến tình trạng ly hôn xuất hiện nhiều ở các cặp vợ chồng trẻ.

Đường ai nấy đi…

Ly hôn sớm ở các cặp vợ chồng trẻ không còn là vấn đề mới mẻ hiện nay. Lý do dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều phía, không chỉ riêng từ nội bộ gia đình mà còn từ nhiều tác động ngoài xã hội. Kinh tế, đối nội, đối ngoại, áp lực cuộc sống… khiến cho vợ chồng luôn cảm thấy ngột ngạt, khó thở ngay cả trong chính tổ ấm của mình.

Gia đình anh Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1984 và chị Đoàn Thị Hà, sinh năm 1987 (Hưng Yên) đến với nhau tự nguyện. Lấy nhau được 3 năm thì gia đình hai bên hỗ trợ một số tiền để anh chị xây nhà. Nhưng do không tính toán kỹ nên số tiền dự trù bị vượt quá, anh chị đành phải vay lãi ngân hàng. Ngày qua ngày, lãi mẹ đẻ lãi con, số nợ ngày càng lớn mà thu nhập của anh chị còn hạn chế. Thêm nữa lại còn con nhỏ nên cần bao thứ phải chi tiêu.

Gánh nặng kinh tế cứ thế chồng chéo lên gia đình anh chị. Vợ chồng đi làm về mệt mỏi, con quấy khóc, ngân hàng báo nhắc trả lãi hàng, không khí trong gia đình lúc nào cũng căng thẳng. Chỉ cần có một sự bất đồng nhỏ là anh chị có thể sinh ra cãi vã lẫn nhau. Dần dần không chịu đựng được nữa, tình cảm vợ chồng cũng đi xuống, mâu thuẫn ngày càng nhiều, cảm thấy không có khả năng chi trả được số nợ và cuộc sống sau này nên anh chị chọn cách đường ai nấy đi

Ly hôn trong giới trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng

Ly hôn trong giới trẻ có xu hướng ngày càng gia tăng

Đến với nhau qua mai mối, không trên tinh thần tự nguyện như vợ chồng anh Khánh, chị Đoàn Thị D và anh Nguyễn Hữu T tiến tới hôn nhân chỉ sau một thời gian ngắn tìm hiểu. Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ tưởng hạnh phúc viên mãn khi họ sinh đôi hai bé trai xinh xắn, bụ bẫm, khỏe mạnh. Thế nhưng, kể từ khi anh T do ham mê chơi cá độ bóng đá, tụ tập bạn bè thì những bất đồng bắt đầu xảy ra. Anh T không dành nhiều thời gian quan tâm đến vợ con nữa mà sau giờ làm, anh cùng bạn bè tụ tập ở quán bia để cá độ bóng đá, thậm chí có hôm đến khuya anh mới về trong tình trạng say khướt.

Khi trở về nhà lại kiếm cớ gây sự rồi thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với vợ khiến không ít lần chị D ôm con bỏ về nhà ngoại. Vào mùa đá bóng, anh thường xuyên không về nhà và chỉ về khi đã nửa đêm. Sự việc bại lộ khi các đối tượng xã hội đến nhà đòi nợ và siết tài sản vì số nợ anh T cá cược trong mùa giải. Hậu quả, cặp đôi này đã “đường ai nấy đi” sau 3 năm “đầu ấp, tay gối” khi hai đứa con còn chưa đầy 2 tuổi.

Theo những nhà chuyên môn, có bốn nguyên nhân chủ yếu thường dẫn đến ly hôn là bất đồng trong đời sống, ngoại tình, vấn đề kinh tế và bạo lực gia đình, nhưng nguyên nhân chủ yếu là lối sống và ngoại tình. Do không tìm hiểu nhau kỹ trong thời gian yêu nên khi bước vào cuộc sống hôn nhân, có sự va chạm trong đời sống hằng ngày nên những mâu thuẫn bắt đầu từ đấy nảy sinh. Quan điểm và lối sống giữa hai người không hợp nhau nên thường xuyên xảy ra cãi vã.

Bên cạnh đó, nhiều người đàn ông cho rằng việc nhà cửa, bếp núc là của phụ nữ nên họ dồn tât cả việc nhà và chăm sóc con cái cho vợ. Bản thân họ ra ngoài kiếm tiền và cho mình quyền được tự do với các mối quan hệ khác. Trong khi đó, công cuộc bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện nay, hầu hết phụ nữ ra ngoài kiếm tiền như chồng, rất nhiều người phụ nữ có địa vị cao trong xã hội. Khi xuất hiện mối quan hệ ngoài luồng của chồng thì sự chịu đựng của người phụ nữ lên đến đỉnh điểm và kết cục dẫn đến đưa đơn ra toàn.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu gia đình và giới, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/năm, tỉ lệ 30%, tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, Vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng... Nghiên cứu cho thấy, mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.

Nỗi đau không chỉ của người trong cuộc

Vì không chịu được tính trăng hoa và gia trưởng của chồng, chị L (Vĩnh Phúc) đã quyết định nộp đơn ly hôn chồng sau 5 năm chung sống. Nhận được quyền nuôi con nhưng do công việc thường xuyên phải đi công tác xa nên chị phải gửi con về bà ngoại nhờ bà chăm sóc hộ. Con gái chị mới chỉ có 2 tuổi mà phải sống xa cả bố và mẹ, mọi thứ từ a đến z do một tay bà ngoại lo toan. Tuy không thiếu thốn về vật chất nhưng bé lúc nào cũng đòi bố mẹ về chơi. Mỗi cuối tuần bà ngoại đưa ra công viên chơi nhìn thấy các bạn có bố mẹ bên cạnh là bé nhắc bà gọi điện cho bố mẹ về đưa bé đi chơi. Chị L chia sẻ : “Có lần đi công tác xa, gọi điện về cho con, bé khóc nức nở vì nhớ bố mẹ. Bà ngoại nói tối nó tủi thân, cứ ôm chặt lấy bà, mặt buồn rười rượi. Thấy con nức nở qua màn hình điện thoại, mình cũng không kìm được nước mắt mà khóc theo con”

Gia đình chị M anh D chia tay nhau vì lý do “ông ăn chả, bà ăn nem”. Việc anh chị ly hôn khiến bao người ngỡ ngàng. Bản thân anh chị là những người có địa vị trong xã hội, hai bên gia đình môn đăng hộ đối, con cái đều là học giỏi, đạt nhiều thành tích. Nên khi việc anh chị đường ai nấy đi khiến cho mọi người xung quanh không khỏi tiếc nuối vì sự rạn nứt của một gia đình mà ai cũng ao ước. Bố mẹ chị M vì không chịu được sức éo dư luận về việc con gái ngoại tình nên phải bán nhà về quê ở.

Con cái anh chị đều đã lớn, vì vậy chúng chọn cách ở với bố một thời gian rồi lại sang ở với mẹ. Hơn nữa, hai anh chị lại ở cách xa nhau 30km nên việc các cháu phải di chuyển qua lại thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến việc học của các cháu.

Rất nhiều hậu quả để lại sau khi ly hôn mà không phải cặp vợ chồng nào cũng lường hết được. Việc ly hôn đem lại những hệ lụy ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cặp vợ chồng sau ly hôn và nhất là con cái của họ. Sau mỗi cuộc đổ vỡ là những “vết thương lòng” không thể chữa lành cho dù thời gian có qua đi. Hôn nhân tan vỡ không chỉ làm ảnh hưởng đến người thân, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội.

Vì những vấn đề của người lớn mà con trẻ vô tội phải sống trong cảnh thiếu tình thương và sự chăm sóc của bố mẹ. Cho dù bố mẹ, gia đình có cố gắng bù đắp bằng vật chất thì cũng không thể nào xoa dịu được nỗi đau xa cách. Hơn nữa, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con cái trong tương lai.

Để hạn chế tình trạng “ly hôn xanh” ở giới trẻ, bản thân mỗi cặp vợ chồng cần nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng gia đình. Biết yêu thương, lắng nghe và chia sẻ, biết tôn trọng lẫn nhau. Khi có mâu thuẫn xảy ra cần bình tĩnh xem xét đúng sai, cùng nhau giải quyết. Tránh xa các tệ nạn xã hội, mối quan hệ ngoài luồng.

Đặc biệt phải suy nghĩ cho tương lai của con cái. gia đình nội ngoại hai bên cần có sự quan tâm định hướng hôn nhân cho con cái. Sáng suốt, cảm thông để kịp thời góp ý, phân tích đúng sai khi hai người xảy ra mâu thuẫn. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chú trọng đến giáo dục đời sống gia đình thông qua các nghi lễ tôn giáo, phong tục tập quán…nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức, kinh nghiệm trong cuộc sống hôn nhân.

Đức Phúc

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ly-hon-som-o-gioi-tre-muon-van-ly-do-44670.html