Lý do Thủ tướng Nhật Bản gặp ngay Tổng thống đắc cử Trump

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không lãng phí bất cứ khoảng thời gian nào sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông Abe dự kiến sẽ gặp ông Trump ở New York trong tuần này, chỉ gần 10 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tạp chí “The Diplomat” mới đây đã đăng bài viết có tựa đề “Ông Abe gặp ông Trump. Tại sao vào lúc này?”, nội dung như sau:

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không lãng phí bất cứ khoảng thời gian nào sau khi ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Ông Abe dự kiến sẽ gặp ông Trump ở New York trong tuần này, chỉ gần 10 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Tại sao ông Abe lại vội vàng như vậy? Có thể lý do là ông Abe đang cố che đi sự hớ hênh của mình khi tháng 9 vừa qua, trong chuyến thăm New York tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông đã dành thời gian cho cuộc gặp riêng với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, mà không có cuộc gặp sau đó với ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một cuộc họp báo ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều người nghĩ rằng, cuộc gặp với bà Clinton như là một chỉ dấu cho việc ông Abe phán đoán ứng cử viên đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Có lẽ vì điều này mà ông Abe hoặc cố vấn của ông cảm thấy, việc Thủ tướng Nhật Bản là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chúc mừng Tổng thống đắc cử Donald Trump là chưa đủ, mà cần phải gặp ông Trump đầu tiên, trước bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào nhằm bù đắp cho cho sự hớ hênh trên.

Cũng có thể là một lý do khác: Cuộc gặp sớm với ông Trump thể hiện sự lo lắng của chính phủ Nhật Bản về những chính sách của chính quyền Trump tương lai đối với nước này bởi trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thường nhắc đến Nhật Bản theo hướng tiêu cực. Ông Trump nói rằng chính phủ Mỹ có thể yêu cầu Nhật Bản trả tất cả các chi phí nếu Tokyo muốn quân đội Mỹ ở lại nước này. Ông Trump cũng cho rằng việc mở rộng sự răn đe hạt nhân của Mỹ nhằm bảo vệ các đồng minh - là Hàn Quốc và Nhật Bản - khiến Mỹ phải gánh gánh nặng tài chính quá lớn. Điều này đã tạo ra sự đồn đoán rằng ông Trump khuyến khích Nhật Bản phát triển vũ khí hạt nhân.

Đáng chú ý, ông Trump thường xuyên đề cập tới các hiệp định thương mại tự do và cho rằng các hiệp định này cần phải đàm phán lại, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi hiệp định bởi có một sự không công bằng đối với Mỹ, trong đó bao gồm cả Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây sẽ là yếu tố bất lợi cho chương trình nghị sự về kinh tế và thương mại của ông Abe. Vì vậy, Thủ tướng Nhật Bản muốn nghe trực tiếp quan điểm của ông Trump về những tuyên bố liên quan.

Trên thực tế, việc xác định khi nào gặp tổng thống Mỹ mới đắc cử là một quyết định khó khăn đối với lãnh đạo các nước, khi những vị trí quan trọng liên quan đến chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, bởi nếu từ cuộc gặp trong giai đoạn này mà xác định các chính sách đối ngoại thì có thể dẫn đến sai lầm.

Một ví dụ là năm 2001, khi ông George W. Bush trở thành tổng thống Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Roh Moo-hyun đã rất mong muốn trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên gặp tổng thống đắc cử của Mỹ. Ông Roh Moo-hyun tháng 3 năm đó đã có chuyến thăm Mỹ, khi ông Bush nhậm chức chưa đầy 100 ngày.

Trong giai đoạn này, các vị trí chủ chốt liên quan tới chính sách đối ngoại tại châu Á của Mỹ vẫn chưa được bổ nhiệm. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo đã không thể thành công. Ấn tượng trong buổi gặp ban đầu với người đồng cấp Hàn Quốc, người luôn trì hoãn các chính sách cụ thể, đã khiến mối quan hệ Mỹ-Hàn trong suốt nhiệm kỳ của ông Bush khá mờ nhạt.

Đối với Tổng thống Mỹ đắc cử hiện nay, các vị trí trong chính phủ mới của ông còn thiếu sự chuẩn bị hơn so với ông Bush giai đoạn đó, thậm chí ông còn chưa được chuẩn bị để hội đàm với một nhà lãnh đạo nước ngoài. Các vị trí chủ chốt như an ninh và đối ngoại của Mỹ vẫn chưa có dự kiến chắc chắn, và cũng chưa có nhân sự dự kiến cho chính sách đối ngoại với châu Á. Có rất nhiều việc mà Tổng thống đắc cử Trump cần phải làm trước khi có một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Trong giai đoạn này, một cuộc gặp sớm của ông Abe có thể phản tác dụng.

Như vậy, trường hợp tốt là cuộc gặp sớm với Tổng thống đắc cử Trump sẽ giúp ông Abe xây dựng mối quan hệ cá nhân. Ông Abe có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Trường hợp xấu là cuộc gặp sẽ biến thành một buổi hội đàm, trong đó Tổng thống đắc cử Trump chưa chuẩn bị và cũng chưa có một bản tóm lược về mối quan hệ Nhật-Mỹ giống như ông tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, nhưng lần này ông sẽ phải nói trực tiếp với ông Abe.

Ấn tượng của cuộc gặp đầu tiên có ý nghĩa quan trọng quyết định. Điều này đặc biệt đúng đối với nhiều nhà lãnh đạo. Hy vọng cuộc gặp đầu tiên của ông Abe với ông Trump sẽ không phải là việc làm “vội vàng lãng phí”.

TTK

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-thu-tuong-nhat-ban-gap-ngay-tong-thong-dac-cu-trump-20161116102835528.htm