Lý do nên dừng ngay việc gắp thức ăn cho người khác khi dùng bữa

Văn hóa ăn uống của người Việt là gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự tôn trọng và hiếu khách nhưng dám cá bạn sẽ dừng ngay hành động này sau khi biết những nguy hại khôn lường của chúng.

Trong suy nghĩ của người Việt, việc gắp thức ăn cho bạn bè, người thân, trẻ em... là thể hiện tình cảm và sự hiếu khách, tôn trọng lẫn nhau. Nhưng ít người chú ý đến mặt trái của nó. Dưới đây là 3 lý do bạn nên dừng ngay việc gặp thức ăn cho người khác trong bữa ăn.

Là một cực hình đối với người được gắp

Có người lấy đũa mình đang ăn để gắp cá, thịt... bỏ vào chén của người cùng bàn hoặc gắp rau, hải sản cho vào nồi lẩu và nhúng đũa đè rau xuống nồi. Có người lấy muỗng hoặc vá múc nước trong nồi lẩu để nêm nếm, xong lại lấy cái muỗng đó khuấy nồi lẩu rồi nếm tiếp, rồi múc lẩu cho vài người. Những hành động đó vô tình làm cho đối phương "chết khiếp".

Tương tự vậy khi bạn gắp thức ăn cho họ nhưng lại đúng món họ không thích hay cần phải kiêng ăn nhưng vì do người khác gắp cho nên rất khó từ chối, đôi khi vì vấn đề vệ sinh, người kia cũng không thích lắm nhưng không tiện nói ra. Hiển nhiên lòng tốt của bạn lại trở thành “vô duyên”, gây khó chịu cho người khác. Nếu có ý định gắp thức ăn, bạn nên hỏi khéo trước khi để thức ăn vào bát người khác. Đó là quy tắc lịch sự tối thiểu khi ăn uống.

Con đường ngắn nhất dẫn đến việc lây lan các căn bệnh nguy hiểm mà chúng ta không ngờ tới

Thực tế, theo nhiều nghiên cứu đã công bố, số lượng vi khuẩn trong khoang miệng của mỗi người khoảng gần 80 triệu, trong đó nhiều vi khuẩn gây bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, thường lây qua đường ăn uống chung.

Chia sẻ thêm về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng đũa, muỗng mình đang ăn để gắp cho người khác, BS Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM) cho biết khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn gây bệnh. "Viêm gan A, viêm gan E, viêm loét dạ dày, tiêu chảy... có thể lây lan qua đường ăn uống chung", BS Phương nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virút gây viêm gan A lây truyền chủ yếu qua đường phân - miệng, một người lành ăn phải thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm mầm bệnh (phân của người bệnh) sẽ mắc bệnh viêm gan A. Virút cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc vật lý gần gũi với người nhiễm, nhưng khả năng ít hơn nhiều.

Nguy cơ đối mặt với viêm gan, viêm loét dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP

Theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam (VNAGE), thì Việt Nam có trên 80% dân số bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây là vi khuẩn gây nên các bệnh về dạ dày và đường tiêu hóa lây truyền chủ yếu qua ăn uống. Điều này cũng nói lên rằng, việc gắp thức ăn cho người khác là một yếu tố góp phần vào những con đường truyền nhiễm bệnh tật từ đường ăn uống cho con người.

Theo Giáo sư Nguyễn Khánh Trạch, Chủ tịch Hội Nội khoa Việt Nam đã từng cho biết: Việc gắp thức ăn cho nhau rất nguy hiểm, có thể dẫn đến lây các bệnh qua đường tiêu hóa, viêm gan A, đặc biệt là vi khuẩn HP - một loại vi khuẩn gây viêm loét dạ dày, lâu ngày tiến triển thành ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP lây lan qua rất nhiều đường khác nhau, nhưng HP có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh, lan truyền qua người lành chủ yếu thông qua đường ăn uống. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HP trong cộng đồng nước ta rất cao là do thói quen chung đụng thức ăn trong ăn uống.

Vì thế, để tránh nguy cơ đối mặt với các bệnh trên, bạn cần từ bỏ thói quen xấu như uống chung rượu, chung nước chấm, dùng chung đũa...

Nếu khi có ý định gắp thức ăn cho người khác bạn nên:

- Dùng vật dụng riêng, không phải đồ dùng của bất kì ai để gắp thức ăn cho người khác.

- Không dùng những vật dụng gắp đồ sống để gắp thức ăn cho người khác.

- Có thể quay đầu đũa để gắp thức ăn cho người khác

- Khi đi ăn tiệc, liên hoan có thể yêu cầu thêm vật dụng sạch để chuyên dùng gắp thức ăn sẽ đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm hơn rất nhiều.

 Theo Hanh Nguyen/Thethaovanhoa

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/suc-khoe/ly-do-nen-dung-ngay-viec-gap-thuc-an-cho-nguoi-khac-khi-dung-bua-214186/