Lưu ý nhà trường, giáo viên khi triển khai đánh giá học sinh tiểu học

Từ 6/11/2016, Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30 có hiệu lực thi hành. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp - bà Nguyễn Thúy Hà - chia sẻ những lưu ý cụ thể, giúp các nhà trường, giáo viên trên địa bàn thuận lợi hơn trong triển khai những nội dung mới.

Lưu ý trong đánh giá thường xuyên, định kì

So với Thông tư 30, về đánh giá thường xuyên, các tiêu chí đánh giá trong Thông tư 22 đã được rút gọn. Sở GD&ĐT lưu ý gì với giáo viên trước thay đổi này?

- Về đánh giá thường xuyên, các tiêu chí đánh giá đã được rút gọn so với Thông tư 30. Do đó, giáo viên cần căn cứ vào tình hình thực tế của học sinh để đưa ra nhận xét thích hợp.

Tại điểm a, khoản 2, điều 6 của Thông tư 22: Trong quá trình đánh giá thường xuyên, “giáo viên dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết”; không yêu cầu giáo viên phải đánh giá toàn bộ học sinh trong lớp mà có thể tập trung vào những học sinh có biểu hiện đặc biệt (tiến bộ vượt bậc hoặc có những nhược điểm cần lưu ý giúp đỡ trong quá trình học tập); khuyến khích giáo viên có nhận xét đều đặn cho học sinh nhằm đảm bảo tốt sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường.

Giáo viên có biện pháp cụ thể giúp đỡ học sinh kịp thời; tổ chức, giúp học sinh sửa sai, tránh sửa sai hộ cho học sinh trên các sản phẩm của học sinh. Lời nhận xét trên vở hoặc trên sản phẩm phải thật sự giúp học sinh biết tự khắc phục để tiến bộ ở các bài sau.

Bà Nguyễn Thúy Hà

Trong Thông tư 22, quy định về đánh giá định kì cũng có thay đổi so với Thông tư 30. Trước những thay đổi này, tại Đồng Tháp, các trường tiểu học, giáo viên cần lưu ý điều gì khi triển khai thực hiện?

- Về đánh giá định kì, tại điểm a, khoản 2, điều 10 (Đánh giá định kì về học tập) và khoản 3 (Đánh giá định kì về năng lực, phẩm chất) của Thông tư 22 đã có thay đổi so với Thông tư 30.

Theo đó, đánh giá định kì về học tập theo 3 mức “Hoàn thành tốt”, “Hoàn thành” và “Chưa hoàn thành”; đánh giá định kì về năng lực phẩm chất theo 3 mức “Tốt”, “Đạt” và “Cần cố gắng”.

Do đó, thủ trưởng các đơn vị cần chỉ đạo cho các trường hướng dẫn giáo viên xây dựng kế hoạch đánh giá, ra đề kiểm tra đánh giá học sinh cho phù hợp với các tiêu chí trên.

Tại điểm c, khoản 2, điều 10 của Thông tư 22 về “Đề bài kiểm tra định kì” được thiết kế theo 4 mức: Mức 1 (nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kĩ năng đã học); mức 2 (hiểu kiến thức, kĩ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân); mức 3 (biết vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống); mức 4 (vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lí trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt).

Theo đó, đề kiểm tra định kì và ma trận đề kiểm tra cần được thiết kế bám sát các mức nhận thức trên, tỉ lệ tương đối giữa các mức nhận thức là mức 1 - biết chiếm 20%; mức 2 - hiểu chiếm 40%; mức 3 - vận dụng chiếm 30%; mức 4 - vận dụng sáng tạo chiếm 10% nội dung đề kiểm tra.

Việc thiết kế ma trận đề và ra đề theo 4 mức độ nhận thức nêu trên, các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn trước đây để vận dụng, triển khai thực hiện. Thủ trưởng các đơn vị có thể tổ chức tập huấn, hội thảo,... nhằm nâng cao năng lực ra đề kiểm tra cho cán bộ quản lí, giáo viên.

Tại điểm d, khoản 2, điều 10 của Thông tư 22 có quy định “bài kiểm tra được trả lại cho học sinh”.

Như vậy, sau khi hoàn tất việc chấm bài kiểm tra của học sinh và tiến hành nhập điểm vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, giáo viên chủ nhiệm có thể giao bài kiểm tra cho phụ huynh vào buổi họp phụ huynh thường kì.

Sau 3 đến 5 ngày, giáo viên thu bài kiểm tra lại và nộp cho lãnh đạo nhà trường. Nếu phụ huynh có nhu cầu giữ lại bài kiểm tra, giáo viên sẽ tiến hành sao lưu lại bài tùy theo trường hợp cụ thể. Các đơn vị cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh thông hiểu mục đích việc nhà trường lưu lại bài kiểm tra của học sinh.

Tại điểm b, khoản 1, điều 19 của Thông tư 22, giáo viên cần thông báo riêng cho cha mẹ học sinh về kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh, không công bố kết quả của từng học sinh trước lớp và tránh so sánh học sinh này với học sinh khác.

Không sử dụng Sổ theo dõi chất lượng học sinh từ năm học 2017 - 2018.

Sở GD&ĐT có lưu ý gì các nhà trường trong việc ghi các loại sổ sách khi thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 22?

- Trước hết, về ghi Học bạ theo mẫu quy định của Thông tư 22 cần chú ý những điểm sau:

Các nội dung của Học bạ được ghi theo hướng dẫn đính kèm vào cuối năm học. Không bắt buộc học sinh phải sử dụng học bạ theo mẫu mới, chỉ sử dụng học bạ mẫu mới đối với học sinh mới nhập học (lớp 1).

Nếu sử dụng mẫu học bạ cũ, các trường có thể chỉnh sửa như sau: Phần “Các môn học và hoạt động giáo dục”, có thể kẻ thêm cột Mức đạt được vào bên trái cột Điểm KTĐK.

Phần “Các năng lực” và “Các phẩm chất”, bỏ các ô “Đạt” và “Chưa đạt”, đồng thời kẻ thêm cột “Mức đạt được” vào bên phải cột “Năng lực”; đồng thời cột “Nhận xét” chỉ cần ghi nhận xét chung, không cần phải nhận xét riêng từng năng lực và phẩm chất.

Hàng thứ 4 của cột “Phẩm chất” được sửa lại thành “Đoàn kết, yêu thương”.

Phần “Nhận xét” chỉ cần ghi một nhận xét chung cho năng lực hoặc phẩm chất, không cần ghi riêng cho từng tiêu chí.

Bảng Tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục được sử dụng một cách linh hoạt trên cơ sở đảm bảo thông tin về kết quả đánh giá giáo dục của học sinh, nội dung đánh giá được ghi theo hướng dẫn đính kèm.

Trong trường hợp giáo viên ghi sai nội dung một cột nào đó, có thể sửa lại ở phần cột Ghi chú kèm theo chữ kí xác nhận của giáo viên. Khuyến khích giáo viên sử dụng công nghệ thông tin trong việc ghi nội dung của Bảng tổng hợp; khuyến nghị các trường sử dụng khổ giấy A3 khi in Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục.

Không bắt buộc sử dụng bộ công cụ đánh giá, tuy nhiên, các trường có thể sử dụng bộ công cụ này như một kênh tham chiếu trong quá trình đánh giá học sinh nếu cần thiết tùy thuộc vào tình hình thực tế của đơn vị.

Từ trước tới nay, sổ liên lạc không phải là một hồ sơ bắt buộc do Bộ GD&ĐT quy định nhưng tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều thực hiện để giữ mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình.

Sự liên lạc giữa nhà trường với gia đình là rất cần thiết. Do đó, đối với những học sinh đã có sổ liên lạc, các trường tiếp tục thực hiện để tránh lãng phí; nhưng thủ trưởng các đơn vị phải hướng dẫn và thống nhất cách ghi chung sao cho phù hợp.

Đối với những học sinh chưa có sổ liên lạc, các trường tùy điều kiện của nhà trường và cha mẹ học sinh lựa chọn hình thức phù hợp (phần mềm, giấy báo, tin nhắn, điện thoại,...) nhằm đảm bảo có thông tin liên lạc giữa nhà trường với cha mẹ học sinh một cách hiệu quả.

Giáo viên chủ nhiệm là người ghi vào Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục do giáo viên chủ nhiệm dạy nhiều môn, có thời gian gần gũi học sinh hơn, nhận thấy rõ được sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Tuy nhiên, trong quá trình dạy học của các giáo viên không làm công tác chủ nhiệm, các giáo viên này cũng phải theo dõi, chịu trách nhiệm đánh giá quá trình học tập, rèn luyện và kết quả học tập của học sinh đối với môn mình dạy, hoạt động giáo dục theo quy định để phối hợp với giáo viên chủ nhiệm thực hiện việc đánh giá học sinh.

Xin cảm ơn bà!

Năm học 2016 - 2017, các trường tiểu học tại Đồng Tháp sử dụng Sổ theo dõi chất lượng học sinh như sổ ghi chép cá nhân của giáo viên để theo dõi học sinh. Giáo viên chủ nhiệm có thể chỉ cần ghi 1 năm 4 lần: giữa kì I, cuối kì I, giữa kì II, cuối năm. Nếu giáo viên đã sử dụng Sổ theo dõi chất lượng sinh thì không cần thiết sử dụng sổ ghi chép cá nhân. Không sử dụng Sổ theo dõi chất lượng học sinh kể từ năm học 2017 - 2018.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/luu-y-nha-truong-giao-vien-khi-trien-khai-danh-gia-hoc-sinh-tieu-hoc-2691818-v.html