Lưu ý khi dùng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh sởi

Theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh sởi là do virus gây nên, không cần dùng thuốc bệnh có thể tự khỏi. Chỉ khi bệnh có biến chứng bội nhiễm mới dùng kháng sinh.

Tuy nhiên, phải có sự chỉ định của bác sĩ để dùng đúng thuốc, đúng liều lượng.

Điều đáng lo ngại là bệnh sởi thường bắt đầu với sốt nhẹ, kèm theo các triệu chứng ho, chảy nước mũi, đau họng, mắt đỏ. Sau đó 2-3 ngày mới bắt đầu có ban đỏ. Vì thế, ngay từ những ngày đầu, nhiều bà mẹ thấy con ho, sốt lại cho rằng con bị viêm họng nên tự ý “kê đơn” kháng sinh cho con. Trong trường hợp này bệnh sởi, không những không khỏi mà còn khiến trẻ mệt mỏi hơn, hậu quả lâu dài là trẻ bị kháng kháng sinh.

Khi trẻ mắc sởi, cách điều trị chủ yếu là chăm sóc, đảm bảo vệ sinh, tránh ra gió và chế độ dinh dưỡng tốt. Hạ sốt cho trẻ bằng các thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol. Nếu trẻ ho nhiều có thể cho uống các thuốc long đờm. Sát trùng mắt mũi cho trẻ bằng các dung dịch nước muối.

Các bác sĩ cũng lưu ý, nhiều cha mẹ thường kiêng nước, kiêng gió, không lau chùi, vệ sinh cho trẻ, thậm chí kiêng ăn thịt cá khi thấy trẻ bị tiêu chảy. Do sốt, đổ mồ hôi, lại không được vệ sinh nên trẻ ngứa ngáy, gãi xước các vết ban, gây bội nhiễm. Cha mẹ cũng hay đun nước lá, bôi thuốc Nam cho con. Đây cũng là các nguyên nhân gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường huyết… Vì thế, khi con bị bệnh sởi, cha mẹ chỉ cần cho con nghỉ ngơi nơi kín gió. Vệ sinh cơ thể cho trẻ hàng ngày bằng nước ấm, súc miệng bằng nước muối hàng ngày…

Tuấn Kiệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/loi-song-suc-khoe/luu-y-khi-dung-thuoc-ho-tro-dieu-tri-benh-soi/20140212103240947p1c31.htm