Lưu ý dạy học môn Giáo dục công dân trước kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Thầy Lê Quốc Học - Tổ trưởng tổ Xã hội (Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) - trao đổi những vấn đề đáng lưu ý về dạy và học môn Giáo dục công dân trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Học sinh: Quan trọng là yếu tố tâm lý

Thầy Lê Quốc Học cho rằng, vì lần đầu tiên môn Giáo dục công dân được đưa vào kỳ thi THPT quốc gia nên khó khăn lớn nhất đối với học sinh chính là yếu tố tâm lý; bởi vậy việc trấn an tâm lý học sinh, phụ huynh là vô cùng cần thiết.

Thêm đó, bài học Giáo dục công dân khá dài, nhiều khi không truyền tải hết trong 45 phút học trên lớp; do đó, giáo viên cần yêu cầu học sinh đọc thêm; phát huy khả năng tự tìm tòi, nghiên cứu, suy luận, tổng hợp, khái quát vấn đề.

Cho rằng, hình thức trả lời trắc nghiệm kiến thức về Giáo dục công dân không hoàn toàn xa lạ vì khi tham gia những cuộc thi như an toàn giao thông, phòng chống ma túy … học sinh đã được làm quen với hình thức này, thầy Lê Quốc Học lưu ý, học sinh cần làm chủ được kiến thức cơ bản, bình tĩnh, chủ động.

Trong quá trình học, ôn luyện nên chia thành từng khía cạnh (từng chủ đề) có nội dung gần gũi như gia đình, giao thông, luật pháp, biến đổi khí hậu, môi trường,… để học có tính hệ thống; đến mảng kiến thức nào làm chủ được mảng kiến thức đó.

“Hiện nhiều học sinh còn học theo kiểu thụ động, đối phó với thi cử nên rất khó lĩnh hội kiến thức và hiệu quả không cao.

Thực ra, Giáo dục công dân rất dễ học. Nếu biết liên hệ, liên kết, kiến thức của Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý có thể giải quyết được nhiều nội dung trong môn Giáo dục công dân.

Học sinh chịu khó đọc, xem các phương tiện thông tin đại chúng cũng giúp ích rất nhiều cho môn học” - thầy Lê Quốc Học nhắn nhủ.

Giáo viên: Nên khái quát những chủ điểm lớn

Với giáo viên, thầy Lê Quốc Học cho rằng, đầu tiên phải đảm bảo kiến thức cơ bản lớp 12, bám chắc kiến thức lớp 12; từ kiến thức đó, thầy cô trong tổ bộ môn bắt đầu xây dựng đề cương. Sau đó là hệ thống những kiến thức liên hệ thực tế, xây dựng câu hỏi liên hệ thực tế như vấn đề môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.... Bởi giáo dục công dân thực tế là giáo dục ý thức của công dân với Tổ quốc, gia đình, xã hội…

Khi giảng dạy, giáo viên lưu ý cho học sinh được bày tỏ quan điểm, tư duy, suy nghĩ; hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức của các môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, kiến thức từ báo đài… để học sinh có thể làm tốt kiến thức Giáo dục công dân.

Lưu ý tiếp theo là khả năng vận dụng kiến thức. Phần này thuộc về kĩ năng, các thầy cô nên quan tâm hơn vì khả năng vận dụng của nhiều học sinh còn hơi yếu và chưa linh hoạt. Chỉ khi vận dung kiến thức linh hoạt từ bài giảng vào thực tế, các em mới có thể tháo gỡ nhiều tình huống khác nhau.

Nhấn mạnh việc từ nội dung sẽ ảnh hưởng đến phương pháp, thầy Lê Quốc Học cho rằng, để dạy học môn Giáo dục công dân đạt hiệu quả, giáo viên nên khái quát những chủ điểm lớn. Ví dụ, trong chương trình sách giáo khoa lớp 12 có các chủ điểm lớn liên quan đến xã hội, pháp luật, hiến pháp… Nội dung hiến pháp mới chưa đi vào sách giáo khoa, giáo viên cần cập nhật những nội dung này để học sinh nắm được những thay đổi.

“Các thầy cô cũng cần tập trung vào kiến thức trọng tâm, khắc sâu kiến thức cơ bản để từ đó học sinh có nền tảng mở rộng” - thầy Lê Quốc Học chia sẻ.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/luu-y-day-hoc-mon-giao-duc-cong-dan-truoc-ky-thi-thpt-quoc-gia-2403606-v.html