Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Cần cách tiếp cận 'Từ đầu nguồn xuống biển'!

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam là trường hợp rất điển hình cho thực trạng quản lý tài nguyên nước ở nước ta theo kiểu chia cắt theo ngành/địa phương chứ chưa quản lý ở cấp lưu vực, dẫn đến mâu thuẫn/xung đột lợi ích

LTS: Sau khi đưa tin tỉnh Quảng Nam dự định cho đặt nhà máy thép Việt Pháp ở thượng nguồn sông Vu Gia và xây dựng đập ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện nhưngđều gặp phải những phản ứng từ phía TP Đà Nẵng, ngày 13/10, báo Infonet nhận được bài viết của nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) bàn về việc quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam. Xin trân trọng giới thiệu bài viết cùng bạn đọc (Tít bài do tòa soạn đặt):

Bờ biển cửa Đại (Hội An) sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu do các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông suối, không cho cát và bùn đổ về (Ảnh: HC)

Bờ biển cửa Đại (Hội An) sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu do các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông suối, không cho cát và bùn đổ về (Ảnh: HC)

Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam là trường hợp rất điển hình cho thực trạng quản lý tài nguyên nước ở nước ta theo cách tiếp cận truyền thống, tức là quản lý kiểu chia cắt theo ngành/địa phương chứ chưa quản lý ở cấp lưu vực và chưa gắn kết giữa quản lý lưu vực sông với quản lý vùng bờ biển.

Ngày 21/11/2015, tại TP Hội An (Quảng Nam), trong khuôn khổ chương trình Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF), Ban Điều phối quốc gia MFF Việt Nam (NCB), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam (IUCN) và Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) của CHLB Đức phối hợp tổ chức đối thoại bàn tròn cấp cao về chủ đề Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển”.

Theo Ban tổ chức, cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển” (From Ridge to Reef) còn khá mới mẻ ở Việt Nam, bởi lưu vực sông và vùng bờ biển vốn có mối quan hệ tương tác nhưng lâu nay việc quản lý lưu vực sông và việc quản lý vùng bờ biển nước ta vẫn được tiến hành riêng lẻ, dẫn đến mâu thuẫn/xung đột lợi ích giữa các ngành/các lĩnh vực và giữa người sử dụng nước ở thượng nguồn với người sử dụng nước ở hạ nguồn.

Thực ra, cách tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển” mới mẻ nhưng không hề xa lạ với người Việt nói chung, người Quảng nói riêng. Người Quảng xưa từng có câu “Ai về nhắn với bạn nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” nói về giao thương hai chiều giữa trên nguồn với dưới biển, còn người Việt xưa cũng luôn ý thức rằng “Thượng điền tích thủy hạ điền khan” - Ruộng phía trên cao mà tích nước thì ruộng phía dưới thấp phải chịu khô hạn...

Có điều ngày nay, những cách nghĩ và ứng xử đầy ý thức cộng đồng như vậy cứ bị mai một dần bởi các lợi ích cục bộ, dẫn đến an ninh nguồn nước ở Việt Nam - một thứ an ninh phi truyền thống - đang bị đe dọa nghiêm trọng không chỉ trong quan hệ với các lân bang mà còn trong quan hệ nội bộ các địa phương của từng lưu vực.

Đà Nẵng (với cửa Hàn) và Hội An (với cửa Đại) cùng ở hạ nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn nên đều nằm trong tình trạng báo động đỏ về an ninh nguồn nước. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ mất cửa Đại và cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến bờ biển cửa Đại sạt lở nặng trong mấy năm qua chủ yếu do các nhà máy thủy điện thượng nguồn sông Vu Gia và Thu Bồn ngăn sông suối, không cho cát và bùn đổ về. Riêng với Đà Nẵng, an ninh nguồn nước không chỉ bị uy hiếp trên đường từ sông ra biển mà còn bị uy hiếp trên đường từ biển vào sông.

Đó chính là tình trạng nhiều năm qua, do các nhà máy thủy điện này liên tục chặn dòng, không trả nguồn nước về hạ du, dẫn đến Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi sản xuất nước sạch phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của TP Đà Nẵng - gặp nhiều khó khăn, nhiễm mặn với mức độ năm sau cao hơn năm trước.

Đến mùa hè năm 2015, nước sông Cầu Đỏ đã biến thành nước… biển, đồng thời đạt kỷ lục nhiễm mặn (năm 2013 độ mặn cao nhất là 6961 mg/l, năm 2014 độ mặn cao nhất là 11.727 mg/l, năm 2015 độ mặn cao nhất là 13.568 mg/l). Có nghịch lý là trong khi các nhà khoa học đang lao tâm khổ tứ để nghiên cứu biến nước biển thành nước ngọt phục vụ ngư dân đánh bắt xa bờ, thì ở đây chỉ cần “thượng… nguồn tích thủy” theo kiểu chỉ-biết-lợi-mình là nước sông Đà Nẵng lập tức biến thành… nước mặn.

Quản lý theo lưu vực sông không mới, nhiều nước đã thực hiện theo một số mô hình khác nhau, chẳng hạn mô hình cơ quan quyền lực lưu vực sông, điển hình như Tổ chức Quyền lực sông Tennessy ở Mỹ hay Ủy ban sông Trường Giang ở Trung Quốc (mô hình thứ nhất), hoặc mô hình Ủy ban quản lý lưu vực sông phổ biến ở các nước đang phát triển (mô hình thứ hai)...

Tại khoản 1 Điều 3, Luật Tài nguyên nước năm 2012 cũng đã nêu rõ: “Việc quản lý tài nguyên nước phải bảo đảm thống nhất theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với quản lý theo địa bàn hành chính”.

Tại cuộc đối thoại bàn tròn cấp cao về chủ đề Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Đà Nẵng - Quảng Nam: Một cách tiếp cận “Từ đầu nguồn xuống biển” như nêu trên, 3 diễn giả là PGS,TS Nguyễn Chu Hồi; TS Đào Trọng Tứ và thạc sĩ Bùi Thị Thu Hiền đã đề xuất thành lập Ủy ban Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ biển Đà Nẵng - Quảng Nam (gọi tắt là Ủy ban sông Vu Gia - Thu Bồn) theo mô hình thứ hai, cơ cấu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban sông Vu Gia - Thu Bồn nhiệm kỳ 2 năm.

Cho dù mô hình nào thì cũng phải tính đến thực lực/thực quyền của tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý lưu vực sông theo hướng tiếp cận “từ đầu nguồn xuống biển”. Quan sát mô hình tổ chức và hiệu quả hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gọi tắt là Ủy ban sông Đồng Nai) là cơ quan điều phối và giải quyết các vấn đề mang tính liên ngành, liên vùng trong hoạt động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững lưu vực hệ thống sông Đồng Nai được Thủ tướng Chính phủ thành lập vào cuối năm 2008, cũng với cơ cấu Chủ tịch UBND các tỉnh trong lưu vực luân phiên làm Chủ tịch Ủy ban sông Đồng Nai nhiệm kỳ 2 năm, dường như không thực sự hiệu quả như mong đợi.

Bằng chứng là tháng 3 năm nay, lãnh đạo Ủy ban sông Đồng Nai khẳng định không hề biết gì về việc tỉnh Đồng Nai cấp phép cho dự án “Cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai”- tức là dự án lấp sông Đồng Nai từng gây xôn xao dư luận.

Đáng chú ý, Thời báo Kinh tế Sài Gòn điện tử ngày 13/11/2015 đăng bài “Lập ủy ban bảo vệ, sông Đồng Nai vẫn giãy chết”, nêu rõ: Hoạt động của Ủy ban sông Đồng Nai đã đi một chặng đường gần 10 năm - đủ dài để tìm ra một giải pháp cứu sông Đồng Nai, nhưng nếu vẫn duy trì cách làm việc “họp nhiều, hành động chẳng bao nhiêu” như thời gian qua thì hàng chục triệu dân trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thuộc 12 tỉnh, thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Đắc Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận vẫn khó có thể trông đợi có sự cải thiện nào đối với chất lượng dòng nước sông Đồng Nai, cơ hội “sống sót” của dòng sông Đồng Nai vẫn trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”!

Trông người mà ngẫm đến ta, và trong bối cảnh nền hành chính công quyền còn nhiều bất cập hiện nay, chúng tôi cho rằng, phương án tối ưu là các ủy ban quản lý lưu vực sông trong đó có Ủy ban sông Vu Gia - Thu Bồn nên theo mô hình thứ nhất và trực thuộc Chính phủ, nếu không như thế rất dễ biến tổ chức này thành hữu danh vô thực!

BÙI VĂN TIẾNG

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/luu-vuc-song-vu-gia-thu-bon-can-cach-tiep-can-tu-dau-nguon-xuong-bien-post211352.info