Lưu Hữu Phước và những bản hùng ca

Mới đây, tại công viên Lưu Hữu Phước (Ninh Kiều - Cần Thơ) diễn ra liền mấy sự kiện văn hóa, thể thao hết sức sôi động.

Mới đây, tại công viên Lưu Hữu Phước (Ninh Kiều - Cần Thơ) diễn ra liền mấy sự kiện văn hóa, thể thao hết sức sôi động. Đặc biệt trong đó có Hội sách, với chủ đề “Sách và Văn hóa, phát triển và hội nhập”. Các bạn trẻ đều đến thắp hương tưởng nhớ nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và hát những bài ca cách mạng của ông, thể hiện niềm tự hào và vinh dự của người dân sông nước Cần Thơ...

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Một tài năng của miền đất Ô Môi

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sinh năm 1921, tại vùng đất lúa Ô Môi nằm bên sông Hậu Giang, nay là quận Ô Môi thuộc thành phố Cần Thơ. Ông sớm thể hiện năng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Mới 5, 7 tuổi ông đã được gia đình cho đi học đàn kìm, cùng với những bản nhạc cổ Nam Bộ quê hương. Sau đó ông còn được học thêm đàn măng-đô-lin, ghi-ta và tự mày mò học lý thuyết âm nhạc. Mới độ lên 10 ông đã bắt đầu viết những dòng nhạc đầu tiên về quê hương và được gia đình gửi về Sài Gòn học tại trường Petrus Ký (chuyên học tiếng Pháp). Nhóm bạn chơi nhạc mà ông kết thân như Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiếng... rủ nhau lập CLB Học sinh, làm đầu mối hội tụ những học sinh, sinh viên yêu nước, đoàn kết chung lý tưởng sống và dâng hiến cuộc đời cho dân tộc. Chính vào thời gian này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết bài hát riêng cho CLB (1939), để ca vang mỗi khi gặp mặt. Đó là bài Thanh niên hành khúc, do Mai Văn Bộ viết lời bằng tiếng Pháp. Tình yêu quê hương và đất nước rạo rực trong trái tim người nhạc sĩ trẻ. Ông luôn ước vọng tìm thời cơ, để thể hiện giương cao ngọn cờ cứu quốc, đấu tranh chống thực dân xâm lược.

Khi tốt nghiệp tú tài tại Sài Gòn, nhạc sĩ được lên Hà Nội học Trường đại học Y - Dược, thuộc Viện Đại học Đông Dương (1940-1944). Thời gian này là giai đoạn hết sức quan trọng cho cuộc đời hoạt động cách mạng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Do ảnh hưởng của phong trào Mặt trận Bình dân, sinh viên Lưu Hữu Phước nhanh chóng trở thành một trong những cánh chim đầu đàn, lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị của sinh viên Đông Dương. Đặc biệt trong quá trình hoạt động này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có dịp tiếp xúc với một số thành viên của Việt Minh, nên càng tin tưởng con đường đấu tranh cứu nước của tuổi trẻ. Đồng thời, nhạc sĩ thể hiện tinh thần quật khởi của mình qua những hành khúc, với cảm xúc tràn đầy nhiệt huyết. Những bài ca này được phổ biến, trong những ngày tháng hoạt động, với chủ đề về nguồn của sinh viên. Một loạt bài hát nổi tiếng của Lưu Hữu Phước ra đời như: Non sông gấm vóc; Bạch Đằng Giang; Ải Chi Lăng; Hát giang trường hận; Hờn sông Gianh; Hội nghị Diên Hồng... Đặc biệt trong đó có bài Hát giang trường hận sau này trở thành bài Hồn tử sĩ luôn được vang lên trong suốt hơn 70 năm qua.

Sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Lưu Hữu Phước ngày càng phát triển gắn liền với những sóng gió của cách mạng. Cùng với những bài ca về đất nước về dân tộc, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã viết lại lời Việt cho bài Thanh niên hành khúc để hát trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương năm 1942, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, nhằm kêu gọi thanh niên sinh viên hãy xếp bút nghiên để lên đường cứu nước. Bài hát đã được dàn dựng với dàn hợp xướng lớn. Chương trình biểu diễn hừng hực khí thế yêu nước, sôi sục tinh thần sẵn sàng “đáp lời sông núi”, “xếp bút nghiên” lên đường kháng chiến. Đỉnh điểm, vào năm 1943, vở ca kịch Tục lụy của Lưu Hữu Phước đã công khai biểu diễn tại Nhà Hát lớn Hà Nội, thể hiện một bản lĩnh của một chiến sĩ cách mạng tham gia Mặt trận Việt Minh. Ngay năm sau, ông được cử về Nam tham gia vận động cách mạng, tổ chức phong trào sinh viên 3 miền bãi khóa, tham gia cách mạng. Nhóm bạn cũ của thời học phổ thông cùng chí hướng đã tập họp lại, tích cực hoạt động cách mạng và tổ chức được nhiều đoàn, đội sinh viên nô nức lên đường, ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp. Phong trào kéo dài cho đến năm 1945, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ khắp đất nước, cùng với đó là sự ra đời của bài Khúc khải hoàn của Lưu Hữu Phước. Ông trở thành một cán bộ tuyên truyền cách mạng xuất sắc của mặt trận và được phân công làm Giám đốc phòng Xuất bản Nam Bộ, sau khi chính quyền cách mạng được thành lập.

Cũng từ mảnh đất kiên trung Nam Bộ, nhạc sĩ được chính quyền cách mạng đưa ra miền Bắc, thành lập Trung ương Nhạc viện (9/1946), tiền thân của Nhạc viện Hà Nội sau này. Sau đó nhạc sĩ cùng Hội Văn hóa Cứu quốc tản cư đi kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc. Trong giai đoạn trường kỳ kháng chiến, ông đã có nhiều sáng tác được phổ cập rộng khắp như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch (sau này chính là Lãnh tụ ca).

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Thoát nỗi khổ 23 năm Đờm ho, Khó thở, Hen suyễn

Chân dung tượng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Bài ca Giải phóng miền Nam

Sự nghiệp âm nhạc cách mạng của Lưu Hữu Phước được tiếp tục thăng hoa, khi ông được cử vào Nam, giữ chức Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng (năm 1965). Đây là giai đoạn đầy cam go trong chặng đường Đảng và Chính phủ lãnh đạo quân và dân ta đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Cách mạng miền Nam ngày một phát triển rộng khắp, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được đề bạt giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin Văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Lại thêm một lần tài năng của Lưu Hữu Phước được bùng nổ trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt này. Ông có một loạt sáng tác mới, đều là những ca khúc cách mạng như: Tình Bác sáng đời ta, Dưới cờ Đảng vẻ vang; Bài hát Giải phóng quân; Xuống đường... đặc biệt là hai ca khúc Giải phóng miền NamTiến về Sài Gòn. Riêng bài hát Giải phóng miền Nam đã trở thành bài hát chính thức, mang sứ mệnh là Quốc ca của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam khi đó.

Nhưng có sự kiện đáng lưu ý khác gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của ông, chính là việc chính quyền bù nhìn tay sai Việt Nam Cộng hòa đã sửa lại lời bài hát Thanh niên hành khúc của ông để làm Quốc ca của chúng. Vậy là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trở thành tác giả của hai bản Quốc ca của hai lực lượng đối kháng. Thật là trường hợp hy hữu. Đồng thời, sự kiện đó cũng chứng tỏ tài năng xuất chúng của ông, về thể loại âm nhạc tráng ca và hành khúc đầy sôi động. Bên cạnh đó, bài Tiến về Sài Gòn được ông sáng tác mang tính thời đại và dự báo xu thế chiến thắng tất yếu của dân tộc ta. Tâm thế sục sôi và quyết chiến thắng của quân và dân càng ngày càng phát triển mạnh mẽ sau chiến thắng Mậu Thân (1968).

Bài hát ấy đã thôi thúc lòng người trong cuộc chiến đấu sinh tử quyết giành lấy độc lập, quyết Giải phóng miền Nam. Những bài hát đó đã trở thành tác phẩm kinh điển của dòng âm nhạc cách mạng. Quả không ai được như ông. Những ca khúc mang tầm vóc thời đại của ông đã gắn liền với diễn biến lịch sử cách mạng trong từng giai đoạn quan trọng nhất. Nhiều ca khúc của Lưu Hữu Phước tồn tại và phát huy suốt hơn 70 năm qua cho đến ngày nay như: Lãnh tụ ca; Hồn tử sĩ, Lên đàng; Thiếu nữ Việt Nam. Giai điệu và lời ca mang tính thời đại sâu sắc luôn luôn được cất lên trong những dịp trọng đại suốt hơn 70 năm qua.

Một số kỷ vật trưng bày tại Bảo tàng Cần Thơ.

Những kỷ vật còn lại

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được đảm trách nhiều công việc quan trọng trong lĩnh vực văn hóa và âm nhạc. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1975, ông lại tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp âm nhạc cách mạng. Chính ông là một trong những người đầu tiên thành lập Trường Âm nhạc, sau này trở thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (giai đoạn 1954-1965). Ông đã được phong hàm Giáo sư, Viện sĩ Viện Nghiên cứu âm nhạc Quốc gia (1980-1986) và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào đợt đầu tiên năm 1996.

Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất năm 1989 tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Cần Thơ còn lưu giữ được không ít những kỷ vật của ông, trong thời gian hoạt động cách mạng ở miền Nam. Những kỷ vật thân thương như chiếc kính, cây bút và đặc biệt là cây đàn măng-đô-lin đã gắn bó suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Chúng đã được gìn giữ trang trọng bên những bản nhạc viết tay của ông trong thời kỳ chiến tranh, mới thấy xúc động làm sao. Đó là minh chứng gắn kết với sự nghiệp âm nhạc đầy hào sảng của nhạc sĩ miền sông nước Cần Thơ.

Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất cho dòng âm nhạc cách mạng nước ta. Toàn bộ tác phẩm của Lưu Hữu Phước là những mẫu mực, gắn bó với sự nghiệp đấu tranh của dân tộc, trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước giành độc lập và tự do. Những giai điệu thấm đẫm chất thời đại, thể hiện hào khí mãnh liệt của dân tộc trong những giai đoạn phát triển đầy vinh quang. Đó là tính đặc trưng của âm nhạc Lưu Hữu Phước.

Bài và ảnh: Cảnh Linh

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/luu-huu-phuoc-va-nhung-ban-hung-ca-n134517.html