Lụt không chỉ là... lụt

TP.HCM ngập lụt, rồi đến miền Trung. Miền Trung thì lụt chồng lụt, lũ chồng lũ. Các báo và mạng xã hội lại rào rào đưa tin, ảnh những người nông dân cơ cực trong nước lụt, và rồi cũng ào ạt những chuyến hàng cứu trợ, của cả Nhà nước, tập thể và cá nhân. Và rồi lại cũng cãi nhau om sòm về cứu trợ, từ cách cứu đến nội dung cứu, từ chuyện phong bì đến mì tôm, từ cách seo-phi đến giấu mặt không lên báo…

Năm nào lũ lụt cũng gây thiệt hại nặng nề với người dân miền Trung. Ảnh: Internet

Vấn đề là năm nào cũng lũ lụt như thế, có điều hình như năm sau mạnh hơn năm trước, năm sau “rộn ràng” hơn năm trước.

Khác với TP.HCM. TP.HCM chỉ là lụt, từ từ lụt, dân vẫn chống chọi được, chưa cơ cực lắm. Chỉ xe cộ để dưới hầm chung cư là hỏng. Còn Miền Trung thì có người chết, có tất cả tài sản cuốn phăng chỉ trong chớp mắt. Có nước mắt, rất nhiều nước mắt, nước mắt người và cả nước mắt… bò.

Thực ra thì những người dân ở đấy, họ đã quen, và biết chắc chắn, thời gian ấy, sẽ có lụt, sẽ có lũ về, và họ đều có ý thức để... chạy lụt, để đối phó, để sống chung. Hàng ngàn năm rồi, họ ở đấy và chịu đựng. Những người nông dân còn đặt cả tục ngữ, ca dao, thành ngữ để nhớ lụt nhớ bão mà. Như cái câu: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Trời hành cơn lụt hai ba tháng mười”, chính xác đến từng ngày cụ thể nhé, dù chỉ là truyền khẩu…

Vậy tại sao giờ họ chịu đựng không nổi, khiến cả xã hội phải vào cuộc, khiến chúng ta những ngày này không thể yên ổn dẫu có khi chả dây mơ rễ má gì?

Đơn giản, giờ rừng không còn nhiều, rồi thủy điện giăng tứ bề. Những người dân ở vùng thường xuyên bị lũ lụt ấy, dù nắm rất chắc quy luật để... sống chung, nhưng giờ đành bó tay vì bị động.

Ngày xưa rừng còn nhiều, nó như cái thùng khổng lồ của thiên nhiên tích nước lại đấy, rồi phân phối, rồi điều tiết, chỉ khi nào hãn hữu, đầy quá, nó mới tràn xuống, cũng rất từ tốn và nhã nhặn, bởi mùn, bởi rễ, bởi cây, bởi rất nhiều thứ tạo thành rừng, cản lại. Và khi ấy thì những người ở vùng rốn kia đã biết để mà đề phòng. Giờ, bằng rất nhiều “cố gắng” và sự“phấn đấu” hết mình, chúng ta đã biến Tây Nguyên từng hùng vĩ, từng là đại ngàn, thành những vùng trọc khổng lồ, đến mức cứ trên núi mưa đến đâu là nước ào ạt cuồn cuộn chảy xuống đồng bằng, ngay lập tức, xiết và khủng khiếp. Con người chỉ còn cách nhìn và bất lực.

Rồi thủy điện. Họ có những cái hồ rất lớn chứa nước để chạy tuốc-bin. Mùa khô thì họ tích nước, khiến dân không có nước xài, cây trồng khô hạn, khi mưa, họ... xả nước để cứu đập. Nói cho công bằng, như thủy điện Hố Hô chẳng hạn, nếu họ không xả nước thì hậu quả còn khủng khiếp hơn nữa. Vấn đề là phải ngay từ đầu, chúng ta phải thấy, có cần phải làm nhiều thủy điện trong tình thế cụ thể như thế không? Các dòng sông hiện nay bị băm vằm các kiểu để làm thủy điện. Có một thời chúng ta hân hoan rằng làm thủy điện là rẻ nhất, an toàn nhất, môi trường sạch nhất. Thực tế thì, nó tàn phá môi trường khủng khiếp, nó phá rừng khủng khiếp, nó chống lại tự nhiên khủng khiếp… Có cảm tưởng hiện nay ai cũng làm thủy điện được. Nhà nhà thủy điện, người người thủy điện, cả những người chưa phân biệt thế nào là điện 220V với 110V, chưa biết cái Stato với Roto nó khác nhau thế nào?

Trước tự nhiên, con người vô cùng nhỏ bé. Và xin những người đang kiêu hãnh và ngông cuồng đòi hỏi chinh phục tự nhiên kia, hãy biết khiêm nhường trước tự nhiên vĩ đại.

Ở Tây Nam Bộ, dân ta đã sống chung với lũ và đã thành công. Có hồi ta chủ trương “trị thủy” ở đấy, kết quả, lũ không về, dân đói. Lũ chính là nguồn sống của những người dân đất chín rồng. Vậy ở miền Trung, ta có thể xây dựng kế hoạch sống chung với bão lũ không? Tại sao lại phải chống, khi mà năm nào nó cũng về, năm nào cũng thế. Đã từng có những nhà chống bão, hầm chống bão... nhưng hình như chưa được phát huy lắm. Bao nhiêu công trình ngàn tỉ đắp chiếu phủ bụi, nhưng đã có công trình nào ra môn ra khoai nghiên cứu việc sống chung với bão lụt cho dân miền Trung chưa? Từ kỹ năng sống đến phương tiện sống, từ ý thức tồn tại đến thái độ tiếp nhận thời tiết v.v...

Vậy nên, lụt không chỉ là... lụt, nó là cách nghĩ, là kỹ năng. Ngay như cái vụ cháy quán karaoke khủng khiếp vừa xảy ra ở Hà Nội kia, đành rằng có lỗi từ nhiều phía, nhưng cũng phải nhìn lại hai việc, một là với kiểu quy hoạch nhà ống ở phố 5 mét rộng nhân 20 mét dài (có nơi còn nhỏ hơn nhiều) thì thoát hiểm ở đâu khi cháy. Và hai là, kỹ năng thoát cháy của dân ta đến đâu. Nghe nhiều chuyên gia nói, 95% dân ta không biết cách thoát khỏi đám cháy?

Lụt ở miền Trung cũng thế. Cứ cái cách nhăm nhăm “cải tạo” rồi “chống lụt”, “chống bão” như hiện nay có khi lại làm cho lưu tốc của lũ cao hơn. Rồi dân vùng lũ, thường xuyên bị lụt, mà lại không biết... bơi để mỗi lần lũ về lại có người chết đuối?

Hình như chúng ta càng cố chống bão lụt thì bão lụt lại càng mạnh, thiệt hại càng lớn? Trời ạ, chả lẽ cái “hình như” ấy lại đúng?

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/lut-khong-chi-la-lut-720476.html