'Lướt' chợ đặc sản Campuchia ở Sài Gòn

Khu chợ Lê Hồng Phong (TP HCM) thành lập được hơn 20 năm nay, là chợ duy nhất tập trung tất cả các mặt hàng 'đặc sản' được 'nhập' từ Campuchia.

Tiểu thương của chợ hầu hết là người Việt từng sinh sống tại Campuchia hoặc người Việt gốc Khơ Me. Nơi đây được người dân hay gọi là "Chợ Campuchia", "Chợ Miên".

Đường đến chợ Campuchia này là thẳng vào con hẻm 374/51 đường Lê Hồng Phong, quận 10 TP HCM hoặc đi từ chợ Hồ Thị Kỷ vào. Từ ba con đường huyết mạch của quận 10 là Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ và Hùng Vương rẽ vào các hẻm nhỏ dẫn vào chợ Hồ Thị Kỷ đều có thể hỏi đường đi đến chợ Campuchia vì người dân chung quanh ai cũng rành rẽ.

Các món đặc sản Campuchia ở chợ hầu hết là chè bánh, khô, cá, rau quả, bún, mắm, thốt nốt và các nhu yếu phẩm “nhập” từ bên kia biên giới.

Hàng trăm loại khô cá, nhái, rắn, tôm, từng bịch, xếp thành từng xấp, treo từng dãy với đủ thứ màu sắc hấp dẫn. Từng thau ba khía đầy vun, mùi mắm nồng đượm khiến ai đi ngang khu chợ cũng muốn mua về thưởng thức. Đặc trưng của các loại khô ở chợ được làm từ hàng chục loại cá, tôm khác nhau đánh bắt từ Biển Hồ có giá từ 250.000 đến hơn 400.000 đồng/kg tùy từng loại, mua “sỉ và lẻ” đều có.

Chợ Campuchia nổi tiếng nhất là các đặc sản khô cá nước ngọt, thịt dày mà lại ít xương hoặc xương mềm. Cá lóc hầu như là loại khô cá phổ biến nhất, được chế biến thành nhiều món khô khác nhau với nhiều cách phơi hoặc kích cỡ.

"Giá thấp như cá lóc, cá sặc, nhái phơi khô thì tầm 200.000 đồng đến hơn nửa triệu đồng mỗi ký. Đặc biệt có những loại khô giá đến cả triệu bạc một ký như khô cá tra Biển Hồ, dịp lễ, Tết “cháy hàng” không có mà bán" - Chị Ngọc - sạp bán cá khô - cho biết.

Sạp khô của Chị Ngọc kiêm luôn quán bún "num-bo-chóc" mang tên Tư Xê một góc lớn ngay ngã tư giữa trung tâm chợ, đồng thời là quán bún num bo chóc nổi tiếng nhất Sài Gòn. Nhiều người Campuchia thèm vị quê nhà hoặc người có gốc gác Khmer miền Tây các vùng như An Giang, Trà Vinh cũng thường lui tới quán này thưởng thức bún "bài bản" đúng cách nấu của người Khmer. Món bún chỉ mở bán vào buổi sáng đến tầm 10 giờ trưa, chiều chỉ bán khô.

Chị Ngọc cho biết: Quán bún nổi tiếng do mẹ chị là bà Tư Xê để lại. Chị có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt, hiện quán bún được mẹ truyền lại cho chị Mai cách nấu và "bí quyết" gia truyền, với hương vị món bún hoàn toàn mang đậm bản sắc của đất nước Chùa Tháp. Thành phần chính của bún num bo chóc là mắm bò hóc và ngải bún (một loại củ có hình dáng và màu sắc như củ nghệ).

Quán còn có dãy hũ lớn đựng mắm bò hóc, một thau ngải bún và trái chúc (một loại quả đặc trưng của vùng Bảy Núi, An Giang, vị như trái chanh) luôn được nhập về mỗi ngày để bán, một trái chúc giá khoảng 7000đ đến 10.000đ tùy trái. Được biết, tất cả các nguyên liệu làm bún đều được người nhà sang tận Campuchia lấy hàng về.

Tuy một số loại hàng có thể đặt gửi lên từ miền Tây nhưng Chị Ngọc cho biết: "Có khác biệt giữa những nguyên liệu này so với những thứ sẵn có ở Việt Nam. Ví dụ như cá làm mắm phải là cá đánh bắt ở Biển Hồ. Trái chúc cũng vậy, ở An Giang tuy có nhưng không đều mùa, và giá thành lại đắt hơn nhiều so với hàng đại trà ở Campuchia".

Thấy khách hàng xem thử một gói khô gồm những con cá nhỏ xíu bằng ngón tay út xếp lớp trên kệ, chị Hai Nhỏ sạp bên cạnh nhiệt tình giới thiệu: "Cá trèn bầu, ngọt ngay luôn, bỏ xương ăn ngon. Cá trèn bầu bên mình thường to, còn ở bên ấy đem về con nhỏ nhỏ, sậm đen như vầy mà vị lại ngọt hơn".

Chị Hai bán sạp kế bên, tay cầm mớ lá sầu đâu, tận tình chỉ khách cách làm gỏi với loại lá này: Với giá khoảng 7.000 đồng một bó, cộng thêm ít kho cá trèn bầu và ít thịt ba chỉ là có thể làm món gỏi kho trèn sầu đâu, món dân giã của người Khmer. Lá sầu đâu là một trong những món rau tươi luôn được khách đặt mua ở chợ này.

Một khách hàng ở khu bốn xã, Tân Bình nhân ngày nghỉ đưa 2 con trai đi chợ Campuchia mua đồ “độ và lạ”. Anh cho biết đọc được thông tin trên báo giới thiệu về khu chợ này bán nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ Campuchia, nên cho các con đến để tìm mua mấy đồ “sản vật” lạ mắt này về thưởng thức và đãi khách.

Em Định học lớp 7 ở Quận Tân Bình và cậu em trai lần đầu tiên được bố cho đi chợ Campuchia thấy cái gì cũng lạ lẫm và hấp dẫn. “Em sẽ chọn mỗi loại một ít và nhờ bố mua mấy thứ như khô nhái, khô bò, khô cá lóc, khô rắn bông súng rút xương về nhà ăn và đãi các bạn trong lớp” - Định chia sẻ...

Theo nhiều tiểu thương, khu chợ đặc biệt còn trụ vững đến ngày nay cũng do cộng đồng người Campuchia sinh sống ở Việt Nam mua bán ủng hộ nhau. Bên cạnh đó, khách du lịch nghe tiếng tăm đến đây cũng đông, có những Việt kiều Campuchia về thăm nhà cũng thường xuyên đến ủng hộ, có khi cả khách tận Hà Nội gọi điện vào đặt hàng.

Đặc sản nổi bật nhất là món khô cá trèn. Đây là loại khô độc nhất có hương vị đặc trưng của chợ Campuchia.

Khô cá lóc Biển Hồ được khách hàng “nhí” chọn mua. Theo chủ sạp hướng dẫn “loại thịt khô này mua về phải cho vào tủ lạnh làm mềm lại, khi chế biến bằng các chiên hoặc nướng có hương vị thơm ngon rất phù hợp để làm “mồi” tiếp khách”.

Khô nhái hay “Vũ nữ ” cũng được xem là loại đặc sản “độc và lạ” của chợ Campuchia. Cũng được vị khách hành “nhí” lựa chọn.

Khô rắn bông súng còn để nguyên xương trông lạ mắt. Đặc sản này dùng để chiên giòn hoặc nướng.

Chị Ngọc chủ sạp khô đang giới thiệu và bán hàng cho khách đến mua về làm quà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/luot-cho-dac-san-campuchia-o-sai-gon-1883746-c.html