Lương tối thiểu tăng 6,5%: Doanh nghiệp, người lao động đều 'chưa hài lòng'?

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Tuy nhiên, với mức tăng này cả đại diện sử dụng lao động lẫn đại diện người lao động đều cho biết "chưa hài lòng".

Ảnh minh họa.

Tăng bao nhiêu cho vừa?

Sau 3 phiên họp cùng với nhiều lần nâng lên hạ xuống các phương án, Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5% so với lương tối thiểu vùng 2017.

Trước đó tại phiên họp đầu tiên, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức 13,3% và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất không tăng.

Tại cuộc lần hai, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và VCCI đã đưa ra con số “xích” lại gần nhau hơn. Theo đó, đại diện cho người lao động đề xuất tăng 8%, còn đại diện giới chủ sử dụng lao động đề xuất tăng không quá 5%.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, Thứ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Doãn Mậu Diệp cho biết: “Tại cuộc họp lần thứ 3, sau nhiều tranh luận của các bên, chúng tôi đã tìm ra sự thống nhất mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Đây là kết quả của cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Căn cứ vào mức đề xuất này, Hội đồng sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới”.

Cũng theo ông Diệp, mức tăng 6,5% được cân nhắc dựa trên bối cảnh kinh tế, sự phát triển của doanh nghiệp và người lao động.

Mức lương tối thiểu dự kiến năm 2018. Đơn vị: triệu đồng/tháng   

“Hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình. Với phương án tăng 6,5% thì lương tối thiểu đáp ứng từ 92-96% mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu là vấn đề chung của các quốc gia, nhiều nước phát triển cũng đang đau đầu giải bài toán này”, ông Diệp nói.

Khi hỏi về mức tăng 6,5%, đại diện phía người lao động, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Việt Nam Mai Đức Chính cho biết “chưa cảm thấy thoả mãn”. Với mức tăng 6,5% thì lộ trình tăng lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu có thể phải kéo dài đến sau năm 2020.

Trong khi đó, về phía đại diện người sử dụng lao động, ông Hoàng Quang Phòng - Phó chủ tịch VCCI cũng cho biết “chưa hài lòng” với kết quả này. Mặc dù kinh tế có cải thiện doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về thị trường, lao động, môi trường kinh doanh…

“Việc tăng lương tối thiểu giúp tăng mức sống của người lao động nhưng cần phải bảo đảm cho doanh nghiệp phát triển và có sức cạnh tranh”, ông Phòng nói.

Cũng theo đại diện VCCO, mức đề xuất này thực tế đã vượt khả năng chi trả của doanh nghiệp, trong khi đang cần phải tạo “dư địa” cho doanh nghiệp có cơ sở phát triển bền vững và cạnh tranh.

“VCCI mong muốn người lao động phải phấn đấu hơn trong công việc, nâng cao trình độ tay nghề, kỷ luật lao động và năng suất lao động, qua đó có thêm tiền thưởng về năng suất lao động, thưởng cải tiến kỹ thuật, chế độ phúc lợi xã hội khác mà chủ doanh nghiệp mang lại. Chỉ có sự cố gắng của hai bên thì mức sống của người lao động mới có thể tăng lên được”, ông Hoàng Quang Phòng nói.

“Qua khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp vẫn đang khó khăn. Hầu hết doanh nghiệp đề nghị năm 2018 không tăng lương tối thiểu, vì 5 năm liên tiếp gần đây năm nào cũng tăng lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu tức là sẽ tăng chi phí của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì cần tồn tại” - ông Phòng nói.

Tăng lương phải dựa vào tăng năng suất

Nói với BizLIVE, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc tăng lương tối thiểu là cần thiết và cấp thiết vì nhu cầu cuộc sống ngày càng cao.

Tuy nhiên, tăng bao nhiêu thì không chỉ dựa vào việc tính toán chỉ số giá tiêu dùng mà cần dựa vào mức tăng năng suất lao động, ông Long nói.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, việc tăng lương tối thiểu là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay. Vì vậy, VASEP trước đó đã kiến nghị không tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Phó tổng thư ký VASEP cũng đề nghị giãn thời gian tăng lương tối thiểu từ 1 năm/lần lên 2 - 3 năm/lần vì mỗi lần tăng lương tối thiểu, bên cạnh việc tăng chi phí, các doanh nghiệp còn phải mất rất nhiều công sức để tính toán, điều chỉnh các mức phí, mức trích nộp cho người lao động, gây tốn kém nguồn lực, thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) cũng cho rằng cần có lộ trình tăng lương kéo dài 3 - 5 năm, thay vì năm nào cũng tăng lương. Việc đề ra lộ trình dài hạn như vậy sẽ giúp doanh nghiệp chủ động việc lên kế hoạch, tính toán được công việc sản xuất kinh doanh.

N.MẠNH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-te-dau-tu/luong-toi-thieu-tang-65-doanh-nghiep-nguoi-lao-dong-deu-chua-hai-long-3041318.html