Lương tối thiểu cần sớm đáp ứng mức sống tối thiểu

Theo kết quả điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các doanh nghiệp năm 2017 do Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) tiến hành, mức điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) năm 2017 còn thấp và CNLĐ đều mong muốn tiền LTT phải sớm đáp ứng mức sống tối thiểu.

Minh họa của ĐAN

Mức tăng lương tối thiểu còn thấp!

Theo kết quả điều tra này, mức tăng LTT năm 2017 trung bình là 7,3%, đã được các DN thực hiện tương đối tốt. Hầu hết CNLĐ đã được điều chỉnh bằng hoặc cao hơn mức LTT vùng, tính cả tỉ lệ qua đào tạo. Tiền lương thực tế của CNLĐ hết quý I năm 2017 (sau điều chỉnh) tăng 8,1%, cao hơn mức LTT vùng. Trong đó, DN tư nhân tăng 8,02%; DN FDI tăng 5,0%. Tuy nhiên, việc tăng LTT năm 2017 còn thấp, chưa đáp ứng được mong muốn của đa số CNLĐ. Theo kết quả điều tra, chỉ có 1,8% CNLĐ cho biết mức điều chỉnh LTT năm 2017 là cao; 42,9% CNLĐ cho là phù hợp và 55,3% CNLĐ cho là còn thấp. Ý kiến của đại biểu tham dự các cuộc tọa đàm tại các tỉnh, ngành có tỉ lệ tương ứng là: 3,9%, 50,8%, 45,4%. Bên cạnh đó, khi lấy ý kiến CNLĐ và cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương nhằm khảo sát cho thấy, hầu hết ý kiến đề nghị Chính phủ sớm thực hiện điều chỉnh mức LTT vùng đáp ứng 100% mức sống tối thiểu của CNLĐ thì mới đảm bảo cuộc sống. Về thu nhập, ngoài tiền lương cơ bản, CNLĐ cũng được DN thanh toán cho một số khoản phụ cấp, như: Chuyên cần, thâm niên, trách nhiệm, kỹ năng, nhà ở, xăng xe, hỗ trợ đời sống… Các khoản này chiếm từ 20% đến 25% thu nhập của CNLĐ.

Chia sẻ với phóng viên, chị N.T.N.A - CN Cty Nissei (KCN Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh, Hà Nội - địa bàn áp dụng mức LTT vùng 1) - cho biết, chị và chồng đang thuê trọ tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Cụ thể, thu nhập một tháng của chị là 4,6 triệu đồng; của chồng là 5 triệu đồng, tổng cộng một tháng được 9,5 triệu đồng, thế nhưng bao nhiêu thứ phải chi. Anh chị đã có 1 cháu trai, gửi về quê cho ông bà trông. Vì vậy hằng tháng, vợ chồng chị phải gửi cho ông bà 2,5 triệu đồng; tiền thuê trọ, tiền điện nước 1,5 triệu đồng; tiền ăn cho cả gia đình 2 triệu đồng/tháng; và rất nhiều khoản tiền khác nữa… Tính ra, mặc dù sống rất tằn tiện, không dám tiêu những gì không bức thiết, nhưng một tháng cả hai vợ chồng chẳng dành dụm được đồng nào. Chị đang mang thai nhưng cũng không dám mua thêm các thức ăn bổ dưỡng, mà vẫn chỉ ăn như bình thường.

“Vừa qua, đợt nắng nóng như vậy, nhưng vợ chồng tôi không dám mua chiếc điều hòa vì đắt quá, hơn nữa mua điều hòa lại tốn thêm tiền điện, nên hai vợ chồng phải ráng chịu sống trong “lò bát quái” - chị N.T.N.A kể lại. Chị mong muốn LTT vùng được tăng lên để đáp ứng ít nhất được mức sống tối thiểu của công nhân như chị. Cũng như nhiều công nhân khác, chị cũng mong muốn được tăng ca, làm thêm nhiều hơn, bởi đơn giản là để có thêm thu nhập, thêm được bữa ăn và tránh được cái nắng nóng tại nhà trọ.

Theo PGS-TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, để đảm bảo mức sống tối thiểu, từng bước nâng cao thu nhập cho tương xứng với công sức của CNLĐ và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tiền lương Quốc gia và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh tiền LTT sao cho để đến hết năm 2018, mức LTT phải đáp ứng đủ mức sống tối thiểu theo quy định của Bộ luật LĐ. “Đây không chỉ là vấn đề pháp lý, mà còn là vấn đề đạo lý, nhân văn. Về tổng thể, việc tăng tiền LTT của CNLĐ không liên quan đến năng suất lao động, về lâu dài cũng không làm giảm cạnh tranh quốc gia, mà trái lại còn góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững” - PGS-TS Vũ Quang Thọ nói.

Gia đình chị La Thị Hiền (công nhân Cty Suncall, KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) phải thuê nhà trong khi thu nhập của cả hai vợ chồng chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng, không đủ để trang trải cuộc sống. Ảnh: QUẾ CHI

Công nhân cần và buộc phải làm thêm

Cũng theo điều tra trên, mặc dù hầu hết CNLĐ đề nghị giữ nguyên mức làm thêm giờ theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng có 36% số CNLĐ muốn làm thêm giờ hơn nữa so với mức hiện đang làm ở DN. Tỉ lệ CNLĐ muốn làm thêm giờ hơn nữa so với mức hiện đang làm ở DN là khá cao: Ở DN FDI là 46,9%; dệt may - da giày là 40,5%; điện - điện tử là 48,5%; chế biến - chế tạo là 47%... Nguyên nhân là do CNLĐ cần và buộc phải làm thêm giờ để đủ chi tiêu tằn tiện, thêm thu nhập trả tiền nhà - điện - nước, lo cho con học tập, chữa bệnh. Bên cạnh đó, có 24,2% số CNLĐ ngoài công việc chính ở DN, họ còn phải làm thêm công việc khác để tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống vốn rất khó khăn. Tỉ lệ CNLĐ đi làm thêm công việc khác ở DN tư nhân là 24,7% và ở DN FDI là 22,0%.

Cũng từ kết quả điều tra cho thấy, có 32% số hộ gia đình CNLĐ với quy mô hai vợ chồng và 2 người con ăn theo, trung bình một tháng chi tiêu hết 9,04 triệu đồng. Tức là, mỗi CNLĐ nuôi một con thì mức chi tiêu hết 4,52 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập trung bình của CNLĐ nhóm này chỉ là 4,72 triệu đồng/tháng. Như vậy, đời sống của CNLĐ nhìn chung là rất khó khăn, thiếu thốn: Chỉ có 16,1% số CNLĐ cho biết có tích lũy; 51,3% vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% cho biết thu nhập không đủ sống.

Đánh giá của Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy, mặc dù hiện tại, tổng thu nhập của CNLĐ không phải là quá thấp, nhưng để được mức này, họ phải làm việc rất vất vả, thời gian kéo dài, hy sinh việc chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, hy sinh cả sức khỏe, trước mắt là lâu dài. Tuy vậy, CNLĐ sẽ rơi ngay vào tình cảnh “nghèo khó, túng quẫn” khi họ gặp những cú sốc dù nhỏ, hoặc nghỉ làm việc ít ngày và ngay cả khi không làm thêm giờ. Đặc biệt, những gia đình CNLĐ đang nuôi con hoặc phải cấp dưỡng cho cha mẹ thì đang phải sống rất kham khổ, phải sử dụng các sản phẩm dịch vụ rẻ tiền, kém an toàn… nhằm tiết kiệm tối đa thì họ mới tạm đủ sống. CNLĐ cũng khó có thể nghĩ tới việc hưởng thụ văn hóa - giải trí tinh thần, nếu phải trả tiền.

Kết quả điều tra cho thấy, hiện có tình trạng khá phổ biến là CNLĐ độ tuổi ngoài 40, đặc biệt là lao động nữ và lao động trong các DN đầu tư nước ngoài rơi vào tình huống: Họ phải nghỉ việc vì sức ép năng suất, định mức lao động cao - cường độ lao động căng thẳng - sức khỏe giảm sút… trong khi thu nhập không cao và bấp bênh, không có thời gian lo cho hạnh phúc gia đình, giáo dưỡng con. Bên cạnh đó, có không ít CNLĐ còn bị DN tìm nhiều cách để chấm dứt sử dụng lao động trung niên, như: Chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn; giao kết nhiều HĐLĐ ngắn hạn và chấm dứt khi hết hạn; tạo cớ hoặc sắp xếp lại sản xuất để chấm dứt HĐLĐ, sa thải… Bình quân độ tuổi CNLĐ trong các DN chỉ là 31,2 trong đó ngành điện - điện tử là 26,9; dệt may, giày da là 29,5; chế biến - chế tạo là 30,9. Thời gian trung bình CNLĐ làm cho DN chỉ là 6,7 năm. Một câu hỏi đặt ra là: Khi chưa đến tuổi nghỉ hưởng BHXH, thì họ đi đâu, làm gì, cuộc sống ra sao khi bị mất việc, trong khi cơ hội đi làm ở các đơn vị khác gần như là không còn?

Điều tra về thu nhập, đời sống của CNLĐ trong các DN năm 2017 được Viện Công nhân - Công đoàn thực hiện trong 2 tháng 3-4.2017 tại 14 tỉnh, thành phố và các cơ sở thuộc 3 CĐ ngành, đại diện cho 4 vùng lương, 6 vùng địa lý và 8 nhóm ngành sản xuất, dịch vụ. Theo đó, Viện Công nhân - Công đoàn đã điều tra bằng: Bảng hỏi với 2.550 CNLĐ (88,3% là trực tiếp), bao gồm: 1.386 phiếu điều tra tại 64 DN và 1.164 phiếu điều tra tại nhà trọ thuộc 230 DN; tọa đàm tại cơ sở với 272 cán bộ là lãnh đạo DN, cán bộ CĐCS tại 64 DN; tọa đàm cấp tỉnh, ngành: 15 cuộc cấp tỉnh, ngành với 362 đại biểu là đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước (lao động, thống kê, BHXH…), đại diện cơ quan Đảng, cơ quan nghiên cứu và cán bộ CĐ các cấp.

TẤT THẢO

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/luong-toi-thieu-can-som-dap-ung-muc-song-toi-thieu-677155.bld