Lương thấp: Mảnh đất màu mỡ để tham nhũng phát triển

Các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, trở thành mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển.

"Đi vào công chức mà để mà làm giàu thì rất sai lầm"

Ngày 12/10, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, đầu tiên chúng ta phải thay đổi về nhận thức, như làm công chức mà muốn lương cao thì sang doanh nghiệp, nhưng nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo cho công chức yên tâm làm việc, yên tâm phục vụ nhân dân.

Muốn cải cách tiền lương đạt được kết quả, đầu tiên phải thay đổi nhận thức về việc trả lương và cơ chế để trả lương cho công chức gắn với tính chất đặc điểm của công chức. Đồng thời phải phân biệt được giữa người làm tốt, người làm không tốt.

"Cơ chế phải được thay đổi để đảm bảo người làm việc tận tụy, hiệu quả phải khác với người làm việc lười biếng, không đáp ứng được yêu cầu.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh TPO

Còn vào công chức mà để làm giàu thì dễ phạm tội, không kỷ luật thì cũng đủ yếu tố cấu thành tội, bị truy tố. Công chức phải hiểu được điều đó. Đồng thời cân đối tiền lương, đảm bảo cho công chức sống bằng lương của mình, không phải lo nghĩ về “cơm áo gạo tiền”, dễ có những sai phạm", ông Tuấn chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, những người tài năng thực sự thì họ không nghĩ đến tiền nong, không đặt vấn đề tiền lương lên đầu tiên làm điều kiện để làm việc mà chính là người ta cần môi trường làm việc, để người ta được cống hiến nhiều hơn. Còn những người vào công chức chỉ nghĩ đến tiền lương không thôi thì chưa chắc đã là những người giỏi.

Lương thấp dễ dẫn tới quan liêu, tham nhũng

Cũng tại Hội thảo, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc lại cho rằng cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay bởi “tiền lương công chức hiện không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt – lao động quyền lực”.

Từ lý do này khiến các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất để quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành tệ nạn trong quá trình phát triển đất nước.

Do đó, các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất cho tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển đã trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước. Do đó, cần phải sớm cải cách cơ bản chính sách tiền lương hiện nay.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc. Ảnh Dân Trí

Mặt khác, thiết kế hệ thống bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương ngày càng tỏ ra bất cập, mâu thuẫn, không phản ánh vị trí việc làm của người cán bộ, công chức.

“Nhiều lần chúng ta bàn tới cải cách tiền lương. Nhưng khi nói tới "tiền đâu?" thì dừng. Đây là một thách thức phải vượt qua”, ông Thang Văn Phúc nói.

Trong khi đó, ngày 12/7, Văn phòng chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng.

Theo báo cáo của Tổng thanh tra chính phủ thì trong 10 năm qua thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất. Đến nay số tiền đã thu hồi cho nhà nước là gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất.

Nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt.

Thậm chí, qua 10 năm, tỷ lệ kê khai tài sản đạt 99,5%, đã xác minh được gần 5.000 trường hợp trong đó đã phát hiện xử lý, kỷ luật 17 người kê khai tài sản không trung thực.

Ngoài ra số lượng người đứng đầu các cơ quan tổ chức để xảy ra tham nhũng bị xử lý còn ít so với các vụ tham nhũng bị phát hiện, một số vụ án lớn chưa quy trách nhiệm và xử lý người đứng đầu.

Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên hơn, đó là trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của các tỉnh, thành đều khẳng định không phát hiện cá nhân nhận, nộp lại quà tặng.

Thực tế chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở xã, phường hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng, còn ở cấp tỉnh, bộ, ngành phát hiện và xử lý còn ít.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/luong-thap-manh-dat-mau-mo-de-tham-nhung-phat-trien-3320705/