Lượng cát thượng nguồn về Bến Tre ngày càng giảm

Trong sáu tháng đầu năm 2017, tỉnh Bến Tre đã xử phạt 375 vụ khai thác cát trái phép với số tiền trên 4,3 tỉ đồng.

Ngày 17-7, HĐND tỉnh Bến Tre tổ chức kỳ họp thứ 5 HĐNĐ tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, đã báo cáo các nhóm vấn đề nóng qua thảo luận của các tổ đại biểu và ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp.

Trong đó, vấn đề được nhiều cử tri quan tâm, phản ánh, kiến nghị tới đại biểu HĐND tỉnh là tình hình khai thác cát trái phép đang diễn ra phức tạp trở lại sau một thời gian lắng dịu. Cử tri đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép, đồng thời có biện pháp hạn chế sạt lở gây thiệt hại đất đai, tài sản và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Hoạt động khai thác cát trên sông Cổ Chiên, Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hoạt động khai thác cát trên sông Cổ Chiên, Bến Tre. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Trước kiến nghị của cử tri, phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có sáu mỏ cát còn hiệu lực giấy phép khai thác. Trong đó có hai mỏ cát đang hoạt động, một mỏ hoạt động theo mùa (do gần cửa biển), hai mỏ bị đình chỉ khai thác do chưa thực hiện đúng các nội dung theo giấy phép và một mỏ bị buộc tạm dừng hoạt động. Thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi khai thác cát trái phép được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn liên ngành kiểm tra khoáng sản thực hiện quyết liệt. Cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2017 đã tổ chức kiểm tra, mật phục, phát hiện 382 trường hợp vi phạm. Xử phạt 375 vụ với số tiền trên 4,3 tỉ đồng, tịch thu bốn phương tiện bơm hút cát trái phép.

Cũng theo phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, thực tế hiện nay lượng cát lòng sông bổ sung hằng năm từ thượng nguồn đổ về địa phương ngày càng giảm. Gần đây xảy ra hiện tượng sạt lở liên tục ở nhiều địa phương ĐBSCL nên tỉnh Bến Tre cũng rất thận trọng, cân nhắc về vấn đề cấp phép hoặc gia hạn thời gian khai thác cát. Trong khi đó, nhu cầu cát phục vụ san lấp, xây dựng trên địa bàn khan hiếm, từ đó dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn cung nên đẩy giá cát ngày càng tăng.

“Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn cát nguyên vật liệu xây dựng của địa phương và đảm bảo thực hiện đúng các quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn khảo sát, đánh giá trữ lượng cát ở một số mỏ mà không gây ảnh hưởng đến nguy cơ sạt lở ven bờ. Đồng thời, tỉnh cũng tính toán cân đối nguồn cung, nhu cầu cát xây dựng và san lấp, điều tiết mức độ khai thác tại các mỏ có đủ điều kiện… đảm bảo nguồn cát cung cấp cho thị trường…” - phó chủ tịch tỉnh nhấn mạnh. Ông Lập cũng cho biết song song với thực hiện nghiêm việc quản lý giá cả cát, UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng giám sát và yêu cầu niêm yết giá bán cát công khai tại các cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng nhằm chống việc đầu cơ tăng giá.

Ghi nhận kiến nghị của cử tri lo ngại vấn đề khai thác cát gây sạt lở, ông Lập cho biết thời gian tới UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo Sở TN&MT, công an tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/luong-cat-thuong-nguon-ve-ben-tre-ngay-cang-giam-715774.html