'Lưới lửa' trên vùng biển Tây Nam

Tuýt... tuýt... tuýt..., ba hồi còi hiệu báo động lanh lảnh vang lên. Tiếp đó là khẩu hiệu: 'Báo động toàn biên đội! Báo động toàn biên đội! Các tàu báo cáo quân số, công tác chuẩn bị, sẵn sàng xuất kích'. Sau mệnh lệnh của Trung tá Nguyễn Tiến Sỹ, Biên đội trưởng là tiếng báo cáo của các trưởng tàu. Thủy thủ đoàn, ai vào việc nấy. Người quấn dây neo, người thu dọn đồ nghề, nhanh chóng, chính xác đến từng động tác. Chỉ có 5 phút cho công tác chuẩn bị, toàn Biên đội 2 nổ máy xuất kích đi làm nhiệm vụ. Lúc đó là 18 giờ 30 phút, ngày 19-9, tại căn cứ Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Tàu của Hải đoàn 28 BĐBP tuần tra trên vùng biển Tây Nam. Ảnh: Đăng Bảy

Hành quân trong đêm

Tôi đang đi trên tàu BP X70 cùng với Thượng tá Đậu Thanh Thủy, Phó Hải đoàn trưởng Hải đoàn 28 BĐBP và Biên đội trưởng Nguyễn Tiến Sỹ. Đứng trên boong tàu, Sỹ nói: Chúng tôi phải xuất kích ban đêm là để hạn chế sự “nhòm ngó” của “chim lợn”. Đã từ lâu, chính quyền các cấp và nhân dân địa phương luôn tin yêu, mến phục cán bộ, chiến sỹ Hải đoàn 28 BĐBP. Sự xuất hiện kịp thời của các anh trên các điểm “nóng” về an ninh trật tự, chống buôn lậu... được ví như “lưới lửa” trên vùng biển Tây Nam.

Trước đó 2 ngày, 1 tàu hậu cần và 2 tàu trinh sát của đơn vị cũng đã có mặt tại vùng biển đảo Phú Quốc. Ngoài việc bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, chuyến đi lần này, Biên đội còn được giao thêm nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ các tàu buôn bán, vận chuyển hàng lậu như xăng, dầu, gỗ...

Trời tối, sóng to, không thể chạy nhanh nên phải mất hơn 20 phút, tàu mới ra tới cửa biển. Bên phải là khu lấn biển Rạch Giá sáng trưng ánh đèn, bên trái là biển cả bao la. Cứ chừng 10-15 phút, tàu lại đi ngang qua một hòn đảo nhỏ. Gió to và sóng lớn, Thượng tá Thủy nói như hét và chỉ cho tôi biết đâu là hòn Sơn, hòn Tre, hòn Nghệ, hòn Me... Có thâm niên 23 năm công tác ở Hải đoàn 28, đã tham gia hàng trăm chuyến đi biển dài ngày từ lúc còn là thuyền phó, lên Thuyền trưởng, Biên đội trưởng và bây giờ là Phó Hải đoàn trưởng nên Thủy rất thông thuộc vùng biển Tây Nam này. Chỗ nào có bãi cạn, chỗ nào đá ngầm, nơi nào nước xoáy, anh nắm rõ như trong lòng bàn tay. Có nhiều đoạn, anh còn cầm đèn pha rọi cho tàu chạy để tránh va vào lưới của ngư dân. Tôi rất ấn tượng với hình ảnh đẹp này của những thủy thủ Hải đoàn 28. Đường đi có thể xa hơn, hành trình có thể bị chậm lại, nhưng không phải vì thế mà làm phương hại đến sự mưu sinh của người dân.

Gần 12 giờ đêm, Biên đội mới tới khu vực tập kết. Khác với tưởng tượng của tôi, tàu không cập đảo Phú Quốc mà đậu cách xa đó khoảng 20 hải lý. Trong đêm tối, những chiếc tàu Grip đen trũi, trông như những con cá mập, tạo thành một thế trận liên hoàn trên biển. Lúc này tôi mới hiểu hơn tại sao ngư dân ở vùng biển Tây Nam này lại ví các anh như lưới lửa...

Những chiếc bạt, chiếc võng được giăng, mắc lên. Boong tàu lúc nãy là nơi ăn cơm, bây giờ trở thành chỗ ngả lưng của các thủy thủ. Thêm một ấm trà mới được đưa ra. Tôi, Thủy và Sỹ vừa thưởng lãm trà, vừa rì rầm chuyện đời, chuyện nghề. Có những sự kiện chúng tôi cùng chứng kiến cách đây trên dưới 20 năm cũng được nhắc lại một cách trân trọng. Gần trọn một đêm không ngủ, nằm nghe tiếng sóng biển vỗ ì oạp mạn tàu, bù lại, tôi có cơ hội hiểu hơn về những nỗi gian truân, vất vả, nguy hiểm, nhiều khi phải hy sinh tính mạng của những người lính Hải quân Biên phòng.

Hy sinh thầm lặng vì chủ quyền Tổ quốc

Hải đoàn 28 BĐBP được thành lập tháng 5-1990 với nhiệm vụ được giao là tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc thuộc vùng biển 2 tỉnh Minh Hải và Kiên Giang (nay là 3 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Thời điểm này, do giàu hải sản nên tàu thuyền đánh cá nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan ào ạt vào sâu trong vùng biển của ta để đánh bắt trộm hải sản với mật độ hàng trăm chiếc mỗi ngày. Vùng tứ giác Thổ Chu - Phú Quốc - Nam Du - Hòn Chuối gần như là “ngư trường” đánh bắt quen thuộc của tàu nước ngoài. Nhiều lần chúng còn cho tàu chiến, máy bay đi yểm trợ các đoàn tàu đánh cá tràn vào càn quét vùng biển của ta.

Sỹ quan biên đội tác nghiệp trên hải đồ. Ảnh: Đăng Bảy

Thượng tá Đậu Thanh Thủy nhớ lại, 6 tháng sau khi thành lập, Hải đoàn đã có chuyến xuất kích đầu tiên. Lần đó, Biên đội 11/90 của Hải đoàn 28 đã bắt giữ 8 tàu đánh cá, với 116 ngư phủ nước ngoài, bàn giao cho UBND tỉnh Minh Hải xử lý. Thắng lợi này là mốc son đánh dấu vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng Hải quân Biên phòng nói chung, Hải đoàn 28 nói riêng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển Tổ quốc và là tiền đề cho quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Hải đoàn 28 BĐBP.

Nhưng việc bắt giữ tàu thuyền nước ngoài vi phạm vùng biển nước ta không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những trận chiến trên biển, nhiều chiến sĩ Hải quân Biên phòng đã phải hy sinh để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Nhìn về phía khơi xa mênh mông, giọng Thủy chùng hẳn xuống khi kể về sự hy sinh anh dũng của đồng đội. Với Thủy, chuyện như vừa mới xảy ra ngày hôm qua. Anh xúc động: “Mới còn đùa giỡn chí chóe với nhau, bỗng đâu bom đạn của chúng dội xuống. Giữa thời bình, ai hình dung được sự mất mát lớn lao đó”...

Lúc đó là 17 giờ 30 phút, ngày 31-5-1995, sau nhiều giờ truy đuổi, Biên đội 4/95, Hải đoàn 28 bắt giữ quả tang 6 thuyền nước ngoài với 62 ngư phủ vào sâu trong vùng biển của ta đánh bắt cá. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, được sự đồng ý của cấp trên, Biên đội dẫn 6 phương tiện nói trên về để bàn giao cho UBND tỉnh Minh Hải. Nhưng trên hành trình dẫn giải, đã xuất hiện 2 tàu chiến của Thái Lan rượt đuổi, tấn công các tàu của ta, hòng giải vây cho các tàu vi phạm. Tuy bình tĩnh, dũng cảm, vừa đánh trả vừa bảo toàn nhân chứng, vật chứng, nhưng đã có 2 cán bộ của Hải đoàn 28 đã anh dũng hy sinh. Đó là Trung úy Vũ Văn Phóng, quê Liên Hải, Nam Ninh, Nam Định và Trung úy Trần Văn Dũng, quê Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.

Chưa đầy 1 năm sau, trưa ngày 13-4-1996, trên đường tuần tra, Biên đội 2/96 của Hải đoàn 28 phát hiện hơn 10 tàu nước ngoài đánh bắt cá ở vùng biển nước ta. Biên đội tổ chức truy đuổi, vây bắt 4 tàu với 29 ngư phủ. Trong khi đang hoàn tất các thủ tục pháp lý thì xuất hiện 1 tốp tàu chiến có hỏa lực mạnh, nổ súng tấn công vào đội hình của ta. Biên đội đánh trả quyết liệt, đẩy lùi chúng ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhưng trong trận này, có 3 cán bộ Hải đoàn 28 đã anh dũng hy sinh.

Từ ngày thành lập đến nay, đã có 7 cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 28 hy sinh anh dũng ngay tại vùng biển Tây Nam này. Thủy xúc động nói rồi gọi thầm tên từng người bạn liệt sĩ. Anh nhớ từ vóc dáng, tính cách, sở thích, quê quán của từng người. Nhớ như vừa hôm qua, họ còn ngồi tếu táo kiểu lính với nhau...

Bình minh đã sáng rực phía chân trời, một ngày mới bắt đầu. Và cũng là khởi đầu cho đợt tuần tra mới của cán bộ, chiến sỹ Hải đoàn 28 BĐBP.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/luoi-lua-tren-vung-bien-tay-nam/