Lược sử Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

Dọc theo dòng thời gian, trải qua nhiều tên gọi từ Tổ tư vấn cải cách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho đến Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới ra đời, những “think tank” như vậy đã ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam.

Tổ tư vấn đầu tiên ra đời như thế nào?

Bước vào thập kỷ 80, nền kinh tế Việt Nam có nhiều biến động, rất nhiều vấn đề nóng bỏng nảy sinh, từ giải quyết lạm phát đến tranh luận cơ chế một giá hay hai giá, về kinh tế kế hoạch hay kinh tế thị trường.

Trước tình hình đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (khi ấy còn là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh) thấy cần có hình thức tập hợp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, đặc biệt là những người không ở trong bộ máy công quyền, có tiếng nói độc lập, để đóng góp ý kiến. Và Văn phòng kinh tế Thành ủy TP.HCM được thành lập do Tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh, cựu Thống đốc ngân hàng và có thời gian làm phó thủ tướng chế độ trước năm 1975.

Hơn 10 năm sau, khi ông Võ Văn Kiệt trở thành Thủ tướng, từ nhóm chuyên gia nòng cốt của Văn phòng kinh tế Thành ủy TP.HCM Tổ chuyên gia tư vấn cải cách kinh tế và cải cách hành chính được thành lập năm 1993 (còn gọi là Tổ Tư vấn cải cách). Thời điểm đó, tổ có 8 thành viên thường trực, tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Nếu tính thêm cả các thành viên không thường trực và cộng tác viên con số có lúc lên đến 92 người, và được phân vào các ngành lĩnh vực khác nhau và gặp nhau thảo luận định kỳ.

Sau 3 năm hoạt động, năm 1996 Tổ tư vấn cải cách được điều chỉnh về tổ chức thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế, xã hội và hành chính (dưới đây gọi tắt là Tổ nghiên cứu đổi mới). Ý nghĩa chính của sự thay đổi là thu gọn tổ chức cho hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Số chuyên gia tư vấn được Thủ tướng quyết định tham gia nhóm giảm nhiều (tổng số còn 21 người).

Đóng góp lớn nhất của Tổ trong thời kỳ này là đã đưa ra tư vấn được một hệ thống những cơ chế, chính sách cho nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà thiếu nó nền kinh tế Việt Nam không thể vận hành được. Khoảng thời gian này cũng là thời gian mà nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu: tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát thấp.

Ban nghiên cứu với “5 không” của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Sang năm 1998, Tổ nghiên cứu đổi mới được Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cấp thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Tổ trưởng Tổ nghiên cứu đổi mới Trần Đức Nguyên được cử làm Trưởng Ban từ đầu cho đến khi nghỉ hưu (đầu năm 2003) nhưng vẫn được Thủ tướng mời tiếp tục làm chuyên gia tư vấn; người được Thủ tướng cử làm Trưởng ban kế tiếp là nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Trần Xuân Giá.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Ban nghiên cứu (nguồn internet)

Hầu hết các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã về hưu. Bà Phạm Chi Lan, người có mặt trong cả Tổ tư vấn đổi mới và Ban nghiên cứu sau này kể lại: các thành viên đều có tài sản rất lớn là chế độ “5 không”: không biên chế, không lương, không chức vụ, không có cấp trên cấp dưới và quan trọng nhất là không bị ràng buộc, hạn chế gì khi góp ý kiến với Thủ tướng.

Do không nắm quyền lực, không vướng bận về địa vị, quyền lợi, không lo “giữ ghế” nên các thành viên trong tổ chức tư vấn làm việc với tinh thần khách quan, thực sự cầu thị, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau, cởi mở, thẳng thắn khi thảo luận với nhau cũng như khi báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng. Nhờ tài sản đặc biệt ấy mà ở Ban nghiên cứu có những tiếng nói rất mạnh mẽ.

Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn ban nghiên cứu nữa mà xuất hiện Tổ tư vấn kinh tế với 12 thành viên, đứng đầu là cựu bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển. Tổ hoạt động theo nhiệm kỳ của Thủ tướng.

“Tổ tư vấn” trên thế giới

Xét về hình thức những Tổ tư vấn trực tiếp cho Thủ tướng xuất hiện từng thời kỳ như vậy có thể xem là một “think tank” tiêu biểu Chính phủ.

Think tank là thuật ngữ khá rộng chỉ các tổ chức tư vấn chính sách mà ở đó trên cơ sở các chuyên gia có trình độ hiểu biết cao sẽ hỗ trợ cho những người ra quyết định chính sách giải quyết những vấn đề mà họ phải đương đầu.

Các nước phát triển trên thế giới đã phát triển hệ thống think tank như vậy từ lâu. Trong khối nhà nước là các cơ quan tham mưu, giúp việc đông đảo từ các viện, các hội đồng tư vấn kinh tế, tiền tệ... của cả cơ quan hành pháp lẫn lập pháp. Các think tank của tư nhân cũng xuất hiện khá nhiều trong các nước phương Tây.

Nếu xét về đặc thù tư vấn riêng cho người đứng đầu Chính phủ thì CEA (Council of Economic Advisers - hội đồng tư vấn kinh tế của tổng thống Mỹ) là trường hợp tiêu biểu cho think tank Chính phủ và cũng giống với Tổ tư vấn kinh tế của Việt Nam nhất. Trong lịch sử của CEA đã có đóng góp của những nhà kinh tế học hàng đầu như Robert Solow, Paul Samuelson, Krugman, Mankiw…CEA hàng năm cho ra đời các báo cáo nghiên cứu như Báo cáo kinh tế của Tổng thống (Economic Report of the President) chi tiết không kém gì các report của IMF hay WB.

Nhìn lại lịch sử phát triển Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ở Việt Nam rồi nhìn sang các think tank của thế giới mới thấy ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ khi nào nhu cầu tư vấn chính sách cũng là tối quan trọng với mỗi Chính phủ.

Một think tank muốn phát huy hết được hết vai trò của mình thì điều kiện cần cho think tank tồn tại là phải có các chuyên gia có trình độ cao trong những vấn đề mà think tank quan tâm xử lý. Và điều kiện đủ là phải có một môi trường tương đối tự do tư tưởng đề các chuyên gia có thể suy nghĩ và đề xuất các giải pháp của mình. Với những điều kiện lịch sử đã có của mình, Tổ tư vấn kinh tế mới được thành lập của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mang đến nhiều kỳ vọng sẽ sẽ giải quyết được nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/luoc-su-to-tu-van-kinh-te-cua-thu-tuong-20170807104918969p145c151.news