Lúng túng trong thực hiện

Bắt đầu từ ngày 1-1-2017, bảng tiêu chí phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) thông qua chính thức có hiệu lực và được áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Thay vì chỉ có hai mức phân loại phim là “cho mọi đối tượng” và “cấm khán giả dưới 16 tuổi” như trước, từ nay, phim chiếu rạp sẽ có bốn mức phân loại khác nhau.

Đây là quy định đã được xây dựng dự thảo, bàn luận, đề xuất từ khá lâu và có ảnh hưởng rất lớn đến cả khán giả xem phim lẫn các nhà sản xuất, phát hành phim.

Tiến bộ và cần thiết

Trong cả hai cuộc họp của Cục Điện ảnh (Bộ VH, TT và DL) với đại diện các cơ sở phát hành, phổ biến phim ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua, không có ý kiến nào phản đối quy định mới về phân loại phim. Hầu hết đều ủng hộ và cho rằng, lẽ ra cần phải áp dụng sớm hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của khâu kiểm duyệt vốn tồn tại từ nhiều năm nay. Nếu như các nhà sản xuất có thể yên tâm hơn trong đầu tư kinh phí, thoải mái hơn khi sáng tạo nội dung, giảm nỗi lo phim bị cắt sửa bởi kiểm duyệt hay thậm chí cấm chiếu; thì khán giả cũng được lựa chọn nhiều hơn, được “bảo vệ” khỏi những phim không phù hợp với mình.

Cụ thể, bảng tiêu chí phân loại phim (căn cứ Thông tư số 12/2015/TT-BVHTTDL) có bốn loại nhãn: phim dán nhãn P là phim được phép phổ biến rộng rãi tới mọi khán giả; nhãn C13 cấm khán giả dưới 13 tuổi; nhãn C16 cấm khán giả dưới 16 tuổi; nhãn C18 cấm khán giả dưới 18 tuổi. Cục Điện ảnh cho biết đã tham khảo nhiều bảng phân loại của các quốc gia tiên tiến trên thế giới để làm cơ sở xây dựng quy định cho phù hợp thông lệ quốc tế và văn hóa Việt Nam. Trong đó, nổi bật là mô hình của Xin-ga-po, bởi nền điện ảnh Xin-ga-po rất phát triển, song cũng vẫn mang tính Á Đông, có nhiều điểm gần gũi với nước ta.

Các tiêu chí phân loại tác phẩm điện ảnh bao gồm chủ đề, ngôn ngữ, nội dung phim, mức độ cảnh bạo lực, mức độ cảnh khỏa thân hoặc quan hệ tình dục, mức độ cảnh sử dụng ma túy, chất kích thích… Việc này tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà làm phim chọn đề tài, kịch bản ngay từ đầu, có định hướng tiếp cận nhóm đối tượng khán giả, hạn chế lãng phí do cắt sửa hoặc không được cấp phép phát hành (chỉ tính riêng trong năm 2016, có gần 30 phim không được ra rạp).

Trên thực tế, trong khoảng 5 năm qua, điện ảnh Việt Nam có nhiều đổi mới, sản xuất phim ngày càng phát triển và đa dạng theo khu vực và thế giới, cũng bắt đầu cho “ra lò” khá nhiều bộ phim gắn nhãn 16+ (cấm trẻ em 16 tuổi trở xuống) với các nội dung tương đối nhạy cảm. Lẽ tất nhiên, đi kèm với đó là những tranh cãi dài hơi giữa các nhà sản xuất với cơ quan quản lý điện ảnh về việc như thế nào là khái niệm, giới hạn của các cảnh phim có yếu tố tình dục, bạo lực, kinh dị…

Chỉ có mốc phân loại trên và dưới 16 tuổi thì tất cả các phim xuất hiện yếu tố cảnh “nóng”, phạm tội, hay ma quỷ… dù ở mức độ, thời lượng như thế nào cũng đều bị “tuýt còi”, vừa thiệt thòi cho nhà sản xuất mà khán giả cũng bị ảnh hưởng. Do đó, nhiều nhà làm phim vui mừng trước sự phân loại mới gồm bốn mức hiện nay bởi nó tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo, tiếp cận lượng khán giả phù hợp.

Tương ứng với quy định mới, Hội đồng thẩm định phim quốc gia của Bộ VH, TT và DL nhiệm kỳ mới (gồm các chuyên gia điện ảnh; đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…) sẽ chịu trách nhiệm phân loại phim theo bốn độ tuổi như trên, bên cạnh việc thẩm định phim.

Theo Chủ tịch Hội đồng Đạo diễn Vũ Xuân Hưng việc phân loại phim theo độ tuổi trên và dưới 16 tuổi đã không còn phù hợp, thay vào đó là quy định mới đáp ứng nhu cầu thực tế hơn và giúp việc thẩm định có hiệu quả hơn; tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là phim C18 (dành cho khán giả đủ 18 tuổi trở lên) được thoải mái phô diễn hình ảnh, âm thanh bạo lực, tình dục, kinh dị… Phim Việt vẫn phải có định hướng đúng đắn, không trái thuần phong mỹ tục, không vi phạm các điều cấm trong Luật Điện ảnh. Phim nhập ngoại vẫn được thẩm định kỹ lưỡng và phổ biến tới khán giả trong độ tuổi phù hợp.

Đại diện của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, BHD Star Cineplex (Công ty BHD), CGV Cinemas (CGV)... cùng chung quan điểm đây là quyết định cần thiết, văn minh, mang lại lợi ích lâu dài cho nhiều bên liên quan. Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng các quy định mới sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Đạo diễn Quang Dũng cho rằng: “Muốn điện ảnh phát triển, chúng ta phải hoàn thiện hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi và những tiêu chí để duyệt phim. Thế nhưng, việc phân loại phim theo lứa tuổi mà không đi kèm với một hệ thống kiểm soát gắt gao tại các phòng chiếu, rạp chiếu thì có cũng bằng thừa”.

Không buông lỏng quản lý

Ngay khi áp dụng bảng phân loại mới, Cục Điện ảnh đã yêu cầu các cơ sở phát hành, phổ biến phim thông báo công khai đến khán giả tại tất cả các rạp chiếu trên cả nước. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định hay hướng dẫn cụ thể về biện pháp kiểm tra, kiểm soát độ tuổi của người xem, mà việc này phụ thuộc vào từng rạp chiếu. Đây cũng là khó khăn hàng đầu mà các đơn vị phát hành phim đề cập đến, bởi ở các độ tuổi chung quanh 13, 16, nếu bắt khán giả khi đi mua vé xem phim phải mang theo giấy khai sinh thì có vẻ nhiêu khê, còn nhìn mặt để đoán tuổi lại là chuyện bất khả thi.

Trước đây, khi tiêu chí phân loại chỉ gồm loại dành cho mọi đối tượng và cấm khán giả dưới 16 tuổi, một số cụm rạp chiếu dùng thước đo chiều cao để kiểm soát độ tuổi người xem. Tuy nhiên, cách làm này hiện nay cũng đã lỗi thời bởi không ít thiếu niên 13-14 tuổi nhưng có chiều cao, cân nặng như 17-18 tuổi. Hoặc một phương pháp khác đầy cảm tính là nhân viên bán vé, soát vé nếu thấy khách trông “non” quá thì mới yêu cầu giấy tờ tùy thân. Mặt khác, việc kiểm tra, kiểm soát tuổi khán giả còn có thể bị ngó lơ, qua quýt bởi nếu làm chặt quá sẽ có nguy cơ mất khách, ảnh hưởng đến doanh thu.

Từ lúc áp dụng quy định đến nay là hơn mười ngày, tại các rạp chiếu chưa có phim nào dán nhãn C18 ra mắt mà mới chỉ có vài phim C16. Theo khảo sát tại một số cụm rạp lớn ở Hà Nội, các rạp đều có trưng bảng thông báo ở vị trí dễ nhìn, nhân viên tuân thủ khá nghiêm túc quy trình đề nghị xuất trình chứng minh nhân dân với khách mua vé phim C16. Tuy nhiên, có một số trường hợp phụ huynh đi cùng con nhất quyết đòi mua vé, gây khó dễ cho người bán vé, mặc dù độ tuổi của con không được chấp nhận. Thêm vào đó, đã có nhiều người tiết lộ là khi không mua được vé ở rạp chiếu khu vực trung tâm thành phố, chỉ cần tìm đến các rạp ở xa và vắng vẻ là nhân viên sẽ dễ dãi hơn…

Như vậy, vấn đề đặt ra là mặc dù khâu thẩm định, dán nhãn phim có kỹ lưỡng và công bằng, thì việc kiểm soát khán giả theo độ tuổi cũng phải được siết chặt. Cần có biện pháp phù hợp, cũng như chế tài xử phạt nặng, đủ tính răn đe các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn khán giả cũng vô cùng quan trọng, giúp các bậc cha mẹ và các em nhỏ hiểu rằng xem phim không đúng độ tuổi không chỉ làm hao tổn thời gian và tiền bạc mà còn có thể tác động tiêu cực đến tâm lý.

Phần đông khán giả Việt Nam chưa có thói quen này, cho nên rất cần cơ quan quản lý, đơn vị phát hành… kiên quyết và kiên nhẫn. Và trước mắt, xem ra biện pháp có hiệu quả nhất vẫn là kiểm tra giấy tờ tùy thân có ảnh nhận diện và ngày tháng năm sinh của người mua vé xem phim, chẳng hạn như thẻ căn cước, giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ học sinh, sinh viên... Cục trưởng Điện ảnh Ngô Phương Lan khẳng định, các trường hợp phụ huynh “bảo lãnh” cho con xem phim ngoài độ tuổi, hoặc khán giả không mang theo giấy tờ chứng minh hợp lệ… đều sai quy định. Rạp chiếu có quyền từ chối cung cấp dịch vụ, tuy nhiên cũng nên giải thích rõ để khán giả hiểu và chấp hành.

Mặc dù đã và sẽ còn có thể xuất hiện một vài vấn đề khi áp dụng vào thực tiễn, song quy định về phân loại phim để phổ biến theo độ tuổi vẫn là một bước tiến đáng hoan nghênh cho ngành điện ảnh. Về lâu dài, việc sản xuất, phát hành phim cũng theo đây mà có những thay đổi, được kỳ vọng là sẽ mang lại nhiều tác phẩm chất lượng hơn. Trong khi đó, các bên liên quan cũng cần tiếp tục tìm ra biện pháp thích hợp để kiểm soát độ tuổi khán giả, chứ không thể chỉ trông chờ ở ý thức và sự tự giác.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31849702-lung-tung-trong-thuc-hien.html