Lúng túng phạt - tha xây nhà trái phép

Thông tư 24 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định 23 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng có hiệu lực từ ngày 9.9, song đến nay nhiều quận, huyện tại TP.HCM còn lúng túng trong việc áp dụng.

Quy định chưa rõ ràng Ngày 16.9, Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức hội nghị tập huấn Thông tư 24 để nghe ý kiến của quận, huyện trong quá trình triển khai. Theo nhiều ý kiến, vướng mắc lớn nhất là còn nhiều điểm chưa rõ ràng về xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng trước ngày 1.5.2009 (tức ngày Nghị định 23 của Chính phủ có hiệu lực), được quy định tại điều 15 của thông tư. Theo điều này, nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định mà xây sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình; khi quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường. Tương tự, công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch khu dân cư nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này chưa thực hiện ngay thì cũng được tạm tha, nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực. Riêng công trình vi phạm nằm trong quy hoạch khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết phá dỡ. Đại diện Q.Bình Thạnh cho rằng điều 15 có một số điểm "chỏi" nhau, chẳng hạn cho phép giữ lại công trình vi phạm về số tầng, về diện tích nhưng lại yêu cầu kiên quyết tháo dỡ những công trình lấn chiếm không gian. Trong khi đó, vi phạm về số tầng và diện tích đều trực tiếp hoặc gián tiếp thay đổi về không gian. Như vậy rất dễ xảy ra tình trạng hai nhà cùng xây vượt tầng hoặc sai diện tích nhưng sau khi xử lý thì một nhà được tồn tại, một nhà bị buộc tháo dỡ phần vi phạm... Nghị định 23 và Thông tư 24 quy định mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng: - Xây dựng sai giấy phép: Nghị định 126 xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Nghị định 23 phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với nhà ở nông thôn, 5 - 10 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ đô thị, 20 - 30 triệu đồng đối với các công trình khác. - Xây dựng không có giấy phép: Nghị định 126 phạt 100.000 - 200.000 đồng. Nghị định 23 phạt 2 - 3 triệu đồng đối với nhà ở nông thôn, 10 - 15 triệu đồng đối với nhà ở riêng lẻ đô thị, 30 - 40 triệu đồng đối với công trình khác. - Công trình xây dựng không phép, sai phép đã bị UBND cấp xã đình chỉ thi công, nhưng chủ đầu tư và nhà thầu vẫn cố tình xây dựng (tái phạm) thì ngoài việc bị cưỡng chế phá dỡ, chủ đầu tư và nhà thầu còn bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng. Thông tư 24 cũng chưa đề cập nhiều trường hợp vi phạm xây dựng phổ biến trong thực tế của TP.HCM. Ví dụ, nhà vi phạm không thuộc khu dân cư nhưng làm mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cộng đồng thì có bị buộc phá dỡ để bảo đảm mỹ quan? Nhà xây trái phép trước ngày 1.5 nhưng sau ngày này mới phát hiện thì có được giữ nguyên phần trái phép theo điều 15 của thông tư? Công trình trái phép nằm trong diện tạm tha thì đương nhiên được “xóa án” hay chủ đầu tư phải làm đơn xin?... Vi phạm nào được tha? Trước đây, Nghị định 126 năm 2004 về xử phạt vi phạm trong xây dựng (được thay thế bởi Nghị định 23 nêu trên) quy định xây dựng sai giấy phép là bị phạt nhưng lại không giải thích rõ thế nào là sai phép. Do đó, có nơi cho rằng giấy phép xây dựng cấp sao thì phải làm y vậy, bất kỳ thay đổi nào cũng bị "tuýt còi". Nay vấn đề này được cụ thể hóa trong Thông tư 24, trong đó quy định rõ công trình sai phép vi phạm một trong các nội dung sau: Thay đổi vị trí xây dựng công trình; sai cốt nền xây dựng công trình; vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng; sai diện tích xây dựng (tầng một); chiều cao công trình vượt quá chiều cao được quy định; xây dựng vượt quá số tầng quy định trong giấy phép xây dựng. Một điểm mới nữa của Thông tư 24 là "xí xóa" cho các công trình nhà ở riêng lẻ làm sai giấy phép xây dựng thuộc một trong các trường hợp: Xây sai vị trí hoặc thay đổi diện tích đã ghi trong giấy phép xây dựng đối với những nơi chưa có quy hoạch 1/500 hoặc thiết kế đô thị nhưng nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không gây khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng. Ngoài ra, thay đổi kiến trúc bên trong công trình xây dựng mà không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính, hay giảm số tầng so với giấy phép đối với những nơi chưa có quy hoạch 1/500 hoặc thiết kế đô thị đều không bị xử phạt. Khoán cho quận, huyện Trả lời thắc mắc của quận huyện, bà Hồ Thị Kim Loan - Chánh thanh tra Sở Xây dựng - cho rằng, quan trọng là các quận, huyện phải xem xét cụ thể từng trường hợp, kiên quyết tháo dỡ với các công trình lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ... Còn các công trình vi phạm về không gian (số tầng, diện tích) nhưng vẫn thuộc diện tích đất hợp pháp của chủ sở hữu thì xem xét giải quyết theo hướng có lợi cho người dân. Về việc áp dụng xử phạt theo mức mới (Nghị định 23) hay mức cũ (Nghị định 126), theo bà Loan, những hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng đã xảy ra trước ngày 1.5.2009 nhưng được phát hiện sau ngày này mà vẫn còn thời hiệu xử phạt (chưa quá 2 năm) thì vẫn áp dụng phạt theo Nghị định 23. Trường hợp đã hết thời hiệu xử phạt thì không bị xử phạt bằng tiền nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Phó giám đốc Sở Xây dựng Phan Đức Nhạn khẳng định, quận, huyện chính là đầu mối để xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể, nếu có vướng mắc thì tiếp tục trao đổi với sở. Những vướng mắc ngoài tầm giải quyết, Sở Xây dựng sẽ trình UBND TP để kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, trả lời. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn cho rằng nếu "khoán trắng" cho quận, huyện mà không có hướng dẫn thống nhất toàn TP thì dễ dẫn tới tình trạng mỗi địa phương làm một kiểu. Phương Thanh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/200938/20090916232212.aspx