'Lũng đoạn ở Nhà xuất bản Giáo dục': Bán tháo tài sản khi đang thanh tra!

Chỉ 2 ngày sau khi đoàn thanh tra công bố quyết định thanh tra đơn vị, lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục VN chỉ đạo bán ngay một khối tài sản giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng.

Điều này đi ngược lại chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng đây là động thái nhằm tẩu tán tài sản?

Báo Thanh Niên ngày 20.12.2016 đăng bài viết Lũng đoạn ở Nhà xuất bản Giáo dục đề cập đến những sai phạm tại đơn vị này, đồng thời đăng ý kiến ủng hộ của các đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục VN (NXB GD VN) đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề báo phản ảnh. Ngày 22.12.2016, Bộ GD-ĐT ký Quyết định số 6015/QĐ-BGDĐT, quyết định thanh tra Công ty TNHH một thành viên (MTV) NXB GD VN, bắt đầu từ ngày 6.1.2017.

Bán ngay lập tức !

Ngày 10.1.2017, lãnh đạo Bộ GD-ĐT ký tiếp Công văn số 79/BGDĐT-KHTC gửi Công ty TNHH MTV NXB GD VN, Hội đồng thành viên của công ty và các đơn vị thành viên của NXB GD VN với nội dung ghi rõ: “Bộ GD-ĐT đề nghị Công ty TNHH MTV NXB GD VN và các đơn vị thành viên tạm dừng tất cả các hoạt động liên quan đến việc mua sắm, thanh lý, điều chuyển, nhượng bán tài sản cố định; chuyển nhượng vốn đầu tư, thoái vốn đầu tư vào các công ty thành viên, công ty liên doanh liên kết trong thời gian đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT triển khai công tác thanh tra”.

Thế nhưng, ngay trong ngày Bộ GD-ĐT ký công văn nói trên, thì Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục (là công ty thành viên trực thuộc NXB GD VN) họp quyết định bán ngay 3 lô đất ở TP.Đà Nẵng, với lý do đây là phương án thoái vốn, và 7 thành viên HĐQT “nhất trí chuyển nhượng ngay lập tức” 3 lô đất với giá 43.030.000.000 đồng. Trong 3 lô đất, có 2 lô nằm ở P.Nam Dương, Q.Hải Châu, gồm: lô đất diện tích 178,3 m2 ở địa chỉ 256 - 258 Phan Châu Trinh được bán với giá 11.500.000.000 đồng; lô đất trên đường Nguyễn Văn Linh nối dài diện tích 113,6 m2 bán 13.500.000.000 đồng. Lô đất còn lại diện tích 286,2 m2 nằm ở khu phức hợp thương mại dịch vụ Royal Era 1, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn được bán 18.030.000.000 đồng.

Sự vội vã bán tài sản này thể hiện ngay trong ý kiến nôn nóng của các thành viên dự họp, mà biên bản cuộc họp ghi lại, như “thoái vốn thu tiền ngay, càng sớm càng tốt”, “đồng ý với phương án thoái vốn ngay lập tức”... Ngay trong ngày 10.1.2017, Chủ tịch HĐQT Lê Thành Anh đã “vội vã” ký ngay Nghị quyết của HĐQT thông qua việc chuyển nhượng các lô đất, bất chấp văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Và ngày hôm sau, 11.1.2017, phi vụ mua bán hoàn tất.

Điều đáng nói, tất cả những động thái diễn ra xung quanh việc bán các lô đất có giá trị lớn này đều xuất phát từ chỉ đạo của ông Mạc Văn Thiện, Chủ tịch Hội đồng thành viên NXB GD VN. Cụ thể là trong cuộc họp lần thứ 1 năm 2017 diễn ra ngày 8.1.2017 của Hội đồng thành viên, ông Thiện đã kết luận: “Triển khai ngay việc chuyển nhượng đồng thời 3 bất động sản của Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục tại TP.Đà Nẵng với giá thấp nhất là 43 tỉ đồng”. Chỉ đạo này của ông Thiện càng cho thấy rõ ràng hơn sự nôn nóng bất thường, trong khi đoàn thanh tra đã vào cuộc!

Vi phạm điều lệ

Ngay khi có thông tin NXB GD VN quyết định bán tài sản, ông Hồ Văn Lĩnh - Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng (là một công ty thành viên trực thuộc NXB GD VN) ký Văn bản số 29 báo cáo Thanh tra Bộ GD- ĐT phản ứng về việc chuyển nhượng 3 lô đất ở Đà Nẵng. Văn bản nêu rõ: “ Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng là cổ đông lớn của Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục - NXB GD VN, chiếm 8,6% vốn điều lệ, tương đương 9,345 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các cổ đông lớn khác như Công ty CP đầu tư phát triển giáo dục Phương Nam (12,394 tỉ đồng), Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (9,345 tỉ đồng)... Tổng số vốn của các cổ đông bên ngoài chiếm tương đương 90% vốn điều lệ, cổ đông NXB GD VN chiếm tương đương 10% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục hiện nay là 108 tỉ đồng”.

Lãnh đạo Công ty CP đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng phân tích: “Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục có chủ trương bán các lô đất ở Đà Nẵng với số tiền hơn 43 tỉ đồng, giá trị tài sản này tương đương 40% vốn điều lệ, nhưng chưa được thông qua đại hội cổ đông. Theo quy định của điều lệ doanh nghiệp và điều lệ Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục, việc nhượng bán như vậy là không hợp lý, vì điều lệ công ty đã quy định việc bán tài sản có giá trị trên 35% tổng giá trị tài sản phải được thông qua đại hội cổ đông với tỷ lệ biểu quyết trên 65% của các cổ đông dự họp mới được bán; việc nhượng bán tài sản có giá trị lớn cần phải tổ chức đấu giá hoặc chào giá cạnh tranh để tránh tiêu cực xảy ra”. Cũng tại văn bản này, ông Hồ Văn Lĩnh đã “kính đề nghị Thanh tra Bộ GD-ĐT và lãnh đạo của Công ty CP đầu tư tài chính giáo dục xem xét lại và có thông tin phản hồi để các cổ đông được rõ”.

Với các dấu hiệu sai phạm, khi có quyết định thanh tra thì lại chỉ đạo bán tháo tài sản bất chấp văn bản chỉ đạo của bộ chủ quản, bất chấp điều lệ công ty và quyền lợi của cổ đông, thử hỏi lãnh đạo NXB GD VN có làm đúng chức trách, quyền hạn và nhiệm vụ mà ngành giáo dục giao phó hay không? Dư luận đang đòi hỏi cần phải làm rõ vụ việc.

Cũng cần nói thêm, trong quá trình thực hiện các bài báo về những dấu hiệu tiêu cực của một số cá nhân lãnh đạo NXB GD VN, Thanh Niên nhận được rất nhiều sự ủng hộ của bạn đọc, đặc biệt là một số cán bộ có tâm huyết với nhà xuất bản này. Chúng tôi xin cảm ơn sự động viên đầy trách nhiệm này.

Công an TP.Đà Nẵng vào cuộc

Trong một diễn biến khác, ngày 10.2.2017, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Đà Nẵng đã gửi công văn đến Công ty TNHH MTV NXB GD VN, nội dung nêu rõ: Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.Đà Nẵng đang điều tra vụ việc có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TP.Đà Nẵng, trong đó có liên quan đến Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa.

Phòng Cảnh sát kinh tế đề nghị Công ty TNHH MTV NXB GD VN cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan đến việc NXB GD VN đầu tư vốn vào Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa, gồm các nội dung: Vốn góp bao nhiêu, bằng tài sản hay tiền; quá trình góp vốn đầu tư đã thu hồi vốn và nhận cổ tức là bao nhiêu; đến nay Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa còn nợ tiền vốn góp của Công ty TNHH MTV NXB GD VN là bao nhiêu.

Như Thanh Niên đã đăng tải, vụ việc này liên quan đến ông Mạc Văn Thiện, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa (là chức vụ kiêm nhiệm, bởi lúc này ông Thiện là Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục VN), năm 2010 đã ký văn bản đồng ý cho bà Huỳnh Thị Thanh Hiền vay hơn 14 tỉ đồng, nhưng sau nhiều năm bà Hiền không trả nợ cho công ty, mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc bà Hiền phải trả khoản nợ gốc và khoản lãi tổng cộng là 15.537.242.666 đồng. Công ty CP đầu tư tài chính Thiên Hóa cũng là một đơn vị trực thuộc NXB GD VN, mà hiện nay do ông Mạc Văn Thiện làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Thanh Niên

Trần Thanh Bình

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/lung-doan-o-nha-xuat-ban-giao-duc-ban-thao-tai-san-khi-dang-thanh-tra-818513.html