Lùm xùm thủy điện Hố Hô: Mỹ xóa hết thủy điện nhỏ

“Với quy trình xả lũ của thủy điện Hố Hô, tôi cho rằng chúng ta cần phải làm nghiêm khắc và quyết liệt hơn nữa, tiến tới chấm dứt quy trình đó”.

Vi phạm quy trình xả lũ

Sáng 1/11, trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trực tiếp tiến hành kiểm tra việc xả lũ của thủy điện Hố Hô (huyện Hương Khê).

Tuy nhiên, khi làm việc tại đây, đoàn công tác rất bất ngờ vì công trình này đã tự ý xả nước quá mức quy định từ tối 31/10 mà không thông báo với tỉnh.

Trước đó, tối 14/10, thủy điện Hố Hô đã tiến hành xả lũ nhanh sau khi mưa bão trên diện rộng khiến nhiều nước lên nhanh người dân trở tay không kịp.

Trao đổi với báo Đất Việt về vấn đề này, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng quy trình xả lũ của thủy điện Hố Hô đang tồn tại nhiều vấn đề. Quy trình này do Bộ Công Thương hướng dẫn và sau đó được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.

“Việc xả lũ của thủy điện Hố Hô thuộc tỉnh quản lý. Khi tỉnh ký duyệt thì phải cùng với Ban phòng chống lụt bão tỉnh bàn bạc với với nhà máy, trường hợp nào xả, trường hợp nào không xả. Cho nên trong trường hợp thủy điện Hố Hô xả lũ không báo cáo thì cần phải xem xét trách nhiệm của các bên”, GS Hồng nhấn mạnh.

Về trường hợp thủy điện Hố Hô xả lũ trong đêm nhưng không báo cáo cấp trên, GS Hồng cho rằng việc này hoàn toàn sai nguyên tắc.Tuy nhiên, ông Hồng cho rằng trách nhiệm không chỉ dừng lại ở lãnh đạo của nhà máy thủy điện mà cần xét rộng ra cả ban, ngành địa phương.

“Quy trình ông Lê Đình Sơn nói là “tại sao không gọi cho tỉnh”, nhưng cũng cần phải xem Ban phòng chống lụt bão ở đâu? Vì theo nguyên tắc, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trong mùa lũ phải có đại diện nằm ở nhà máy. Và khi xả lũ thì các bên phải bàn bạc cụ thể. Nhưng họ không có ở đó. Vì sao lại như vậy?”, ông Hồng đặt câu hỏi.

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng cần xử nghiêm thủy điện Hố Hô để làm gương cho các thủy điện khác. Ảnh: PLO

Tiếp tục phân tích về quy trình xả lũ, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam khẳng định, vấn đề chính khiến nhiều người lo lắng nằm ở chỗ dung tích của hồ chứa thủy điện Hố Hô hoàn toàn không có khả năng điều tiết lũ. Vì vậy khi lũ đến, nếu không xả thì sẽ dẫn đến tình trạng vỡ đập, gây thiệt hại lớn hơn cho khu vực hạ du.

“Thủy điện Hố Hô giải thích như vậy, tôi nghĩ không hẳn là sai. Chúng ta cần phải tìm hiểu rõ nguyên nhân. Thực tế trước đây, khi tiến hành khảo sát địa chất nền móng để xây đập, thấy hai bên vai là diệp thạch, tức là đất sét, khi khô rắn như đá, song khi ngâm nước lâu ngày, sẽ mềm ra, dẫn đến sạt trượt.

Năm 2014, vai đập này đã bị sạt trượt. Cho nên nhà máy Hố Hô rất sợ nếu tiếp tục trượt thì sẽ xảy ra sự cố, lấp trạm phát điện, dẫn đến không thể vận hành đóng mở cửa van tràn được nữa. Họ buộc phải lựa chọn phương án mở hết cửa xả lũ để phòng tránh trường hợp bị vỡ đập, dù chưa được cấp trên đồng ý”, GS Hồng phân tích.

Xử nghiêm thủy điện Hố Hô làm gương

Một vấn đề khác được vị chuyên gia nhắc đến đó là chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực của thủy điện Hố Hô nếu còn tiếp tục sai phạm.

Theo GS Hồng, phát hiện vi phạm mới mà UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ ra hôm 1/11 tiếp tục cho thấy thủy điện Hố Hô chưa thực hiện nghiêm yêu cầu từ cơ quan chức năng. Tuy nhiên nếu xem xét để rút Giấy phép của thủy điện Hố Hô trong trường hợp này cũng không hề dễ dàng.

“Những thủy điện như Hố Hô do nhà nước quản lý, cấp phép và kêu gọi đầu tư từ tư nhân. Cho nên cũng không thể đóng cửa được mà cần cho họ thời gian hoàn vốn”, GS Hồng nói.

Vị chuyên gia phân tích, những thủy điện công suất nhỏ tương tự như Hố Hô (14 MW) không có dung tích chứa lũ mà chỉ đủ dung tích để phát điện, nên mục tiêu đặt ra ban đầu giảm lũ cho hạ du là không hiện thực. Nếu tiếp tục duy trì những công trình này thì những hậu quả ngập lụt do xả lũ, vẫn tiếp tục diễn ra mãi.

“Nếu thủy điện Hố Hô không xả lũ thì vỡ đập, thủy điện bị mất tài sản, dân thiệt hại nhiều hơn. Còn nếu cứ để xả lũ như hiện nay thì người dân cũng bị thiệt hại, ngập lụt. Vì vậy với thủy điện Hố Hô, tôi cho rằng chúng ta cần phải làm nghiêm khắc và quyết liệt hơn nữa, đi đến chấm dứt hoạt động ”, ông Hồng kiến nghị.

Để làm được điều này, vị giáo sư cho rằng nhà nước cần phải trực tiếp vào cuộc với một thái độ tích cực để đưa ra những đánh giá, thống kê cụ thể, lên phương án, theo quy trình giải thể một doanh nghiệp nhỏ.

“Phải có bàn tay của nhà nước và những động thái cứng rắn tôi nghĩ mới giải quyết được vấn đề thủy điện Hố Hô. Nếu theo tuổi thọ của nhà máy được phê duyệt, ví dụ thời gian vận hành khoảng 30 năm mới thu hồi được vốn thì khi quyết định chấm dứt hợp đồng, chúng ta phải thống kê cụ thể. Các bên cần tính toán thiệt hại khi phải dừng hoạt động của thủy điện Hố Hô trước thời hạn.

Trong trường hợp này tôi nghĩ nhà nước và doanh nghiệp phải cùng chia sẻ với nhau, mỗi bên chịu 50% chi phí. Đặc biệt, chúng ta phải trích từ chính lợi nhuận của ngành điện để trả cho việc này. Chúng ta phải làm kiên quyết việc này để làm gương cho các thủy điện khác”, GS Hồng nhấn mạnh.

Trách nhiệm Bộ Công Thương

Từ trường hợp của thủy điện Hố Hô, GS.TS Vũ Trọng Hồng thừa nhận, vấn đề quy hoạch thủy điện thời gian qua của Việt Nam còn nhiều bất cập, đặc biệt là các dự án thủy điện nhỏ.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lum-xum-thuy-dien-ho-ho-my-xoa-het-thuy-dien-nho-3322286/