Lùm xùm BOT Cai Lậy: Những điểm bất bình thường

Bộ Tài chính ban hành thông tư ấn định mức thu phí cho Trạm Cai Lậy thì phải có trách nhiệm giải thích và điều chỉnh chứ không phải Bộ GTVT.

Bộ GTVT đã họp với Công ty TNHH BOT Cai Lậy (chủ đầu tư trạm thu phí), UBND tỉnh Tiền Giang để đưa ra quyết định giảm giá vé cho ô tô qua trạm từ loại 1 đến loại 5. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng khẳng định, vị trí đặt trạm Cai Lậy là phù hợp. TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông tại TP.HCM đã có những chia sẻ thẳng thắn với Đất Việt xung quanh vấn đề này.

Giảm phí nhưng chưa giải quyết vấn đề trọng tâm

Những bất cập của trạm thu phí BOT Cai Lậy Tiền Giang có thể chia ra 2 vấn đề lớn, đó là vị trí đặt trạm và giá vé thu đối với các loại phương tiện qua trạm.

Theo tôi, vấn đề vị trí đặt trạm là trách nhiệm và thẩm quyền chính của Bộ GTVT, còn giá vé và phương án thu chi của trạm là trách nhiệm và thẩm quyền chính của Bộ Tài chính.

TS Phạm Sanh chỉ ra những điểm bất hợp lý tại trạm BOT Cai Lậy

Bộ GTVT họp với nhà đầu tư và địa phương, thống nhất phương án giảm phí ở trạm BOT Cai Lậy là chưa giải quyết đúng trọng tâm vấn đề và thẩm quyền của mình. Bộ Tài chính ban hành thông tư 159/2013 và thông tư 30/2017, ấn định mức thu phí cụ thể cho trạm Cai Lậy, thì Bộ Tài chính phải có trách nhiệm giải thích và điều chỉnh, không phải Bộ GTVT. Như vậy, Bộ GTVT đã “đá lộn sân”.

Đã vậy, Bộ GTVT khẳng định vị trí đặt trạm thu phí trên Quốc lộ 1 là phù hợp khi người dân và dư luận, thậm chí Thường vụ Quốc hội đang thắc mắc lớn về vị trí trạm thu. Câu hỏi vẫn là tại sao không đặt trạm trên đường tránh vì dự án BOT chủ yếu là đường tránh chứ không phải là bảo trì duy tu Quốc lộ 1?

Hơn nữa, Bộ GTVT cũng chưa giải thích chủ trương và quá trình ghép nối nhập nhằng giữa đầu tư xây dựng tuyến tránh và bảo trì duy tu Quốc lộ 1. Chưa giải thích quỹ bảo trì đường bộ cả chục nghìn tỷ đồng năm 2016 mà vẫn không có đủ 300 tỷ để duy tu 26 km Quốc lộ 1, trục lộ xung yếu cho cả miền Tây.

Việc giảm giá không phải là vấn đề chính. Vấn đề là trung thực công bằng minh bạch rõ ràng và cơ quan cán bộ Nhà nước phải làm đúng pháp luật, để người dân còn tin.

Do Bộ GTVT vô ý hay cố tình lồng ghép 2 dự án khác nhau thành 1 dự án, nên ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công-tư mới phát biểu trạm thu phí Cai Lậy đang nằm trên phạm vi của Dự án.

Rất nhiều ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội về việc nhà đầu tư sửa vá một số đoạn trên quốc lộ độc đạo có sẳn để lấy cớ thu phí BOT, trong khi đáng lý phải dùng nguồn vốn bảo trì đường bộ.

Theo tôi có cái gì đó không bình thường về vị trí trạm thu phí Cai Lậy trên Quốc lộ 1, nếu không muốn nói là có dấu hiệu tiêu cực và lợi ích nhóm.

So sánh hết sức khập khiễng

Vấn đề kín hở, công bằng tương đối tuyệt đối, rồi so sánh với trạm thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương, hết sức khập khiễng và vô cùng. Chỉ mong lãnh đạo Bộ GTVT nên cầu thị tôn trọng lắng nghe ý kiến người dân, chắc không xảy ra hiện tượng “đáng buồn” vừa rồi.

Bản chất hình thức đầu tư thu phí BOT giao thông không có gì sai không có gì xấu. Nhưng đừng để một số người lợi dụng sơ hở của các văn bản pháp luật, thậm chí cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện các hợp đồng BOT thiếu trách nhiệm thiếu giám sát kiểm tra..., thu vén cá nhân bè phái, thu lợi bất chính từ công sức người dân, làm thiệt hại ngấm ngầm kinh tế đất nước, thì không nên và phải bị ngăn chận trừng trị kịp thời.

Quá trình đầu tư tuyến tránh Cai Lậy theo hình thức BOT, có nhiều điểm không bình thường. Không phải chỉ Bộ GTVT mà cả Bộ Tài chính cũng vậy, ra thông tư 30 rất ngộ nghĩnh, không có đề xuất của chủ đầu tư và không theo đúng quy định thông tư 159 (cũng của Bộ Tài chính). Đến thời điểm này vẫn chưa thấy Bộ Tài chính lên tiếng về trách nhiệm của mình.

Con số quyết toán khối lượng đầu tư xây dựng là bao nhiêu?

Theo tôi, còn một vấn đề bất thường nữa nhưng báo đài và dư luận chưa để ý, đó là con số quyết toán thực tế phần khối lượng đầu tư xây dựng là bao nhiêu, để từ đó còn điều chỉnh mức phí và thời gian thu phí. Con số 1.300 hay 1.400 tỷ đồng chỉ là con số khái toán, tổng mức đầu tư cho giai đoạn dự án.

Không ai chưa nghiệm thu quyết toán mà lại cho thu phí. Đề nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính xem lại các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, trong dự án, chủ đầu tư sẽ xây dựng 7 cây cầu trên đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang), tuy nhiên trên thực tế tuyến tránh chỉ có 5 cây cầu nhỏ bắc qua những con kênh... bé xíu.

Chuyện 5 cầu 7 cầu, hay còn chuyện gì thay đổi nữa phải căn cứ vào hồ sơ giám sát nghiệm thu quyết toán. Rất tiếc, chúng ta chưa có số liệu công khai minh bạch về hồ sơ này.

Chưa có hợp đồng BOT nào lộn xộn như tuyến tránh Cai Lậy. Theo tôi, để rút kinh nghiệm cho nhiều dự án BOT về sau, đề nghị Quốc hội nên giám sát và Chính phủ nên thanh tra dự án này.

TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lum-xum-bot-cai-lay-nhung-diem-bat-binh-thuong-3341298/