Lùi thời điểm tăng lương: Dễ gây mất niềm tin

"Nếu đổ lỗi do kinh tế khó khăn nên không thực hiện lộ trình tăng lương trong năm 2013 thì có gì đảm bảo năm 2014 không khó khăn như năm 2013? Và nếu năm 2015 lại tiếp tục khó khăn hơn thì người lao động biết dựa vào đâu mà sống ? Đặt ra lộ trình mà không thực hiện sẽ gây mất niềm tin của người lao động”- TS.Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội (Viện Xã hội học) chia sẻ.

Theo đề xuất của Bộ Tài chính, do ngân sách gặp khó khăn nên có thể hoãn tăng lương tối thiểu năm 2013. Mặc dù, mức tăng lương theo lộ trình năm 2013 chỉ là 250.000 đồng/tháng (từ 1,05 triệu đồng lên 1,3 triệu đồng/tháng) song việc không tăng lương do không cân đối được nguồn tài chính khiến hàng triệu công chức, viên chức chỉ sống dựa vào lương cảm thấy hụt hẫng.

Trên thực tế, Việt Nam có hai hệ thống lương cho hai khu vực, một là khu vực Nhà nước - nguồn từ ngân sách và hai là khu vực doanh nghiệp - nguồn do doanh nghiệp tự cân đối. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB & XH Phạm Minh Huân, việc tăng lương tối thiểu cho người lao động trong khu vực nhà nước từ trước tới nay đều phụ thuộc vào ngân sách theo phương châm "ngân sách nhiều thì tăng nhiều, không thì tăng ít”. Hơn nữa "cái khó” của tăng lương trong khu vực nhà nước còn đi kèm theo việc tăng trợ cấp cho những người có công, người đang được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội…Vì vậy bài toán cân đối ngân sách luôn rất khó. Xuất phát từ thực tế này, Bộ Tài chính đã kiến nghị hoãn lộ trình tăng lương tối thiểu trong năm 2013.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, dù tình hình thu ngân sách khó khăn, nhưng lộ trình tăng lương đã có, vẫn cần thực hiện. Phải tạo ra cơ chế để đảm bảo nguồn, đẩy định mức chi cho lương, không nên coi lương là một khoản cân đối được ngân sách thì chi, không thì hoãn lại. Hơn thế nữa, với cách tăng lương theo kiểu cơ học hiện nay dù có tiết kiệm chi cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề cải cách tiền lương.

Là người khá tâm huyết với sự phát triển thị trường lao động ở Việt Nam, ông Gyorgy Sziraczki, giám đốc văn phòng Ilo tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm kéo theo tăng trưởng kinh tế giảm sút, vấn đề tăng thu nhập cho người lao động rất quan trọng. Bởi nếu không tăng lương rất khó để giữ chân người lao động. Thu nhập không đủ sống tất sẽ nảy sinh thực trạng "chân trong, chân ngoài” và "nhảy việc”.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lao động và xã hội (Bộ LĐTB & XH) cho rằng, tăng lương công chức phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, với bối cảnh kinh tế đình đốn như hiện nay, không nhất thiết phải tăng lương tối thiểu đồng loạt mà phải xem xét, hỗ trợ những đối tượng có thu nhập thấp. Giải pháp này đã được nhiều nước áp dụng rất hiệu quả, vừa đảm bảo cân đối ngân sách mà vẫn đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Hiện tại kinh tế khó khăn có thể tạm hoãn lộ trình tăng lương, nhưng vào các năm sau phải tăng nhanh và tăng mạnh hơn để bù vào lúc khó khăn.

Không đồng tình, ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu là căn cứ vào tinh thần Nghị quyết của Đảng, căn cứ vào quy định của pháp luật để thực hiện chứ không thể nói có nguồn hay không có nguồn. Cụ thể là từ kết luận của Hội nghị TW 6, Khóa X và Bộ Luật Lao động cũng quy định rõ: "mức lương tối thiểu được ấn định theo giá sinh hoạt, đảm bảo cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường bù đắp được sức lao động giản đơn và một phần tích lũy tái sản xuất sức lao động. Tiền lương tối thiểu phải bằng mức sống tối thiểu”. Như vậy việc nâng lương tối thiểu năm 2013 đối với CBCC đã được thể hiện rất rõ trong Nghị quyết của Đảng và pháp luật hiện hành. Do đó, không nên đặt vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu hay không điều chỉnh. Mặt khác, việc tăng lương năm 2013 là hết sức cần thiết để kích cầu tiêu dùng và kích cầu cho nền kinh tế. Đây là một mũi tên nhưng bắn trúng cả hai mục tiêu là cải thiện, bù đắp tiền lương nâng cao đời sống của NLĐ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm việc làm cho NLĐ.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=56954&menu=1482&style=1